(SGTT) – Năm 2023 được đánh giá là nhiều khó khăn, nhưng kết quả cuối năm cho thấy chính quyền TPHCM cùng cộng đồng doanh nghiệp địa phương đã nỗ lực vượt sóng gió và giữ vững tốc độ tăng trưởng cao hơn mức bình quân chung. Góp phần không nhỏ vào sự đi lên này phải kể đến các doanh nghiệp được định danh là “Thương hiệu vàng” của thành phố, nhóm duy trì sức mạnh cạnh tranh hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình.
- Lửa thử Thương Hiệu Vàng, gian nan thử sức doanh nghiệp
- Thương Hiệu Vàng TPHCM 2023 vinh danh 32 doanh nghiệp tiên phong về đổi mới và bền vững
Vinh danh 32 doanh nghiệp đạt giải
“Thành phố vui mừng khi tiếp tục tôn vinh 32 thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp đạt giải thưởng sáng tạo, “Thương hiệu vàng” của TPHCM với hoạt động kinh doanh nổi bật và có nhiều nỗ lực trong xây dựng và phát triển thương hiệu”, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, phát biểu mở đầu buổi lễ trao giải tổ chức tối ngày 14-1 vừa qua.
“Thương hiệu vàng” là giải thưởng thường niên nhằm ghi nhận và tôn vinh các doanh nghiệp có thành quả xây dựng thương hiệu sản phẩm, dịch vụ ấn tượng, gắn với sự nhận diện về Sài Gòn, TPHCM, do UBND TPHCM chỉ đạo, Sở Công Thương TPHCM và Tạp chí Kinh tế Sài Gòn phối hợp tổ chức.
Tại năm thứ tư, Ban tổ chức đã chọn ra 32 doanh nghiệp đạt Giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM năm 2023.
Các doanh nghiệp được trao giải năm nay đã vượt qua quá trình đánh giá độc lập và khách quan của hội đồng bình chọn, dựa trên các hạng mục chính là kết quả kinh doanh, quảng bá và phát triển thương hiệu, các vấn đề liên quan đến hoạt động xã hội, nhân sự, nghiên cứu và phát triển,… và điểm quan trọng năm nay là đổi mới sáng tạo và các yếu tố ESG (môi trường, xã hội, quản trị).
Ông Trần Minh Hùng, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng bình chọn Thương hiệu vàng TPHCM, cho biết sự xuất hiện của nhiều gương mặt mới trong năm nay cùng với sự tham gia trở lại của các doanh nghiệp từng đạt giải năm 2021 phần nào cho thấy uy tín của giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM.
Danh sách doanh nghiệp đạt Giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM 2023 trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: chế biến lương thực thực phẩm, vận tải kho bãi, cơ khí, cao su nhựa, điện – điện tử… Tổng doanh thu của các doanh nghiệp đạt giải năm nay là hơn 255.000 tỉ đồng, sử dụng hơn 57.000 lao động. Đây là những ngành công nghiệp và dịch vụ quan trọng, là thế mạnh của TPHCM.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết sau ba lần tổ chức trước đó, Giải thưởng Thương hiệu vàng TPHCM được cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hưởng ứng rất tích cực bởi tính minh bạch, khách quan, công khai và khoa học.
Các doanh nghiệp không chỉ được tôn vinh trong buổi trao giải, mà sau đó còn tham gia nhiều hoạt động đồng hành do thành phố tổ chức. Chẳng hạn như ưu tiên tham gia các hoạt động xúc tiến, tham gia chương trình kích cầu đầu tư, kết nối các doanh nghiệp đạt giải thưởng sử dụng dịch vụ của nhau…
Theo ghi nhận của Kinh tế Sài Gòn với doanh nghiệp đạt giải tại buổi trao giải, hầu hết các nhà doanh nghiệp đều cho rằng giải thưởng này là sự động viên, khích lệ rất ý nghĩa trong bối cảnh doanh nghiệp còn đối diện với nhiều khó khăn. Thêm vào đó, giải thưởng cũng là động lực để các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững, góp phần vào sự phục hồi kinh tế của TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo để giữ “vàng”
Với chủ đề “Đổi mới và Bền vững”, những tiêu chí bình chọn các doanh nghiệp đạt giải thưởng năm nay cũng có nhiều thay đổi để bám sát thực tế. Lãnh đạo Sở Công Thương nhấn mạnh hai yếu tố quan trọng trong quá trình chấm giải.
Đầu tiên là sự đổi mới và sáng tạo của mỗi doanh nghiệp để có thể thâm nhập và trụ vững trên thị trường. Thứ hai là yếu tố phát triển bền vững, doanh nghiệp phải sản xuất xanh, chuyển đổi số để có thể thích ứng với giai đoạn cạnh tranh rất khốc liệt hiện nay.
Trên thực tế, những doanh nghiệp được tôn vinh trong sự kiện cũng nổi bật với nhiều hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ. Khả năng thích ứng linh hoạt trong thời kỳ khó khăn, môi trường cạnh tranh thay đổi nhanh chóng, cũng là một điều kiện giúp doanh nghiệp không chỉ có thể “sống sót”, mà còn phát triển thương hiệu.
Một tín hiệu vui là mặc dù sức ép thị trường ngày càng khốc liệt, các doanh nghiệp cũng chú trọng đến câu chuyện phát triển xanh, bắt đầu quan tâm đầu tư và áp dụng công nghệ mới để giảm chi phí, giảm tiêu thụ năng lượng, tăng cường sử dụng nguyên vật liệu tái chế và giảm phát thải môi trường.
Nói về Giải thưởng Thương hiệu vàng năm 2024, lãnh đạo TPHCM cho biết có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh theo hướng bình chọn phù hợp nhằm tôn vinh sản phẩm công nghệ hỗ trợ, điện tử vi mạch, chip bán dẫn, sản phẩm đầu vào của các ngành sản xuất chế biến đồ gỗ, lương thực thực phẩm, may mặc da giày, thời trang, điện ảnh. Điều quan trọng nữa là khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, giành thêm các giải thưởng khác bên cạnh giải thưởng chính để động viên các doanh nghiệp tiềm năng.
Năm 2024 được dự báo là năm kinh tế còn nhiều khó khăn, thậm chí là còn khó hơn so với năm 2023. Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan đề nghị các doanh nghiệp đạt giải cần tiên phong thực hiện hai chủ trương lớn của thành phố là tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.
Theo đó, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp với yêu cầu mới, hiện đại hóa công nghệ, sản xuất ra những sản phẩm sạch, tuân thủ nghiêm ngặt việc bảo vệ môi trường, tập trung thực hành bộ tiêu chí ESG. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần ứng dụng những mô hình kinh doanh mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu sản phẩm.
Ông cũng cho biết “Thành phố cam kết sát cánh và đồng hành cùng doanh nghiệp trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu của mình. Thành phố sẽ tập trung cải cách hành chính, môi trường đầu tư, tạo cơ hội nhiều hơn cho cộng đồng phát triển, nhất là tập trung triển khai các cơ chế, chính sách vừa được Quốc hội thông qua, sớm ban hành khung chính sách, bộ tiêu chí cụ thể để thúc đẩy kinh tế xanh, tuần hoàn, chuyển đổi số”.
Dũng Nguyễn