Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Vô chung cư… đi chợ

Những sạp hàng nhỏ, cửa hàng tạp hóa len lỏi trong các hành lang chung cư ngày ngày vẫn sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm thực phẩm nhanh, gọn của bộ phận người dân chung cư và xung quanh.

Mua lẻ, bán nhanh

Khoảng 6 giờ sáng, chị Thêm tất tả gánh từng gánh rau xanh, thịt cá, trái cây lên tầng 2 cư xá Lý Thường Kiệt (phường 7, quận 10, TPHCM). Đây là số thực phẩm chị sẽ bán trong ngày tại “sạp hành lang” ở tầng 2 để phục vụ nhu cầu của những cư dân sinh sống ở đây.

Sạp hàng của chị Thêm chiếm một góc nhỏ của hành lang, chừng 6 m2 nhưng cung cấp khá đầy đủ các loại thực phẩm như thịt heo, cá thu, bí ngô, mướp, rau muống, đậu hũ, ớt, chanh… Chị Thêm cho biết nhà chị ở huyện Bình Chánh, mỗi sáng chị dậy sớm lấy hàng ở chợ đầu mối rồi chở lên đây bán. Chị bán từ 7 giờ sáng đến khoảng 11 giờ trưa thì nghỉ, bởi vì buổi chiều có rất ít người mua hàng.

Ngoài sạp hàng của chị Thêm còn có chỗ bán thức ăn sẵn, trái cây, tạp hóa từ tầng 1 đến tầng 3. Anh Nguyễn Văn Hưng, sinh viên một trường cao đẳng nghề, cho biết mỗi sáng đi học về anh thường ghé sạp hàng của chị mua ít rau, thịt cho bữa trưa trước khi lên phòng trọ thuê ở cư xá. “Vì mỗi lần mua ít, khoảng 10.000-20.000 đồng, ra chợ hoặc siêu thị làm sao mua được với chừng này tiền nên tôi thường mua ở đây. Với lại sạp ở ngay trong cư xá, khi nấu nếu thiếu gì thì có thể chạy xuống mua liền”, anh Hưng nói.

Những sạp hàng nhỏ thường “nép mình” dọc hành lang những chung cư cũ, bán thực phẩm hàng ngày cho cư dân nơi đây. Ảnh: Thành Hoa
Những sạp hàng nhỏ thường “nép mình” dọc hành lang những chung cư cũ, bán thực phẩm hàng ngày cho cư dân nơi đây. Ảnh: Thành Hoa

Bà Nguyễn Thị Khánh, người dân lâu năm ở tầng 2 cho biết hơn sáu năm nay bà chỉ mua thực phẩm tại cư xá mà không phải di chuyển xa. Theo bà Khánh, thực phẩm ở đây luôn tươi mỗi ngày và giá cả cũng hợp lý nên những người lớn tuổi như bà thường ra đây mua hàng.

Không rộng rãi như hành lang của cư xá Lý Thường Kiệt nhưng hành lang của chung cư N.T.B., quận 1, TPHCM cũng được vài hộ dân tận dụng để kê kệ rau, bày ít thịt cá, rau củ cũng như nhu yếu phẩm khác. Trên tầng 7 của chung cư, căn phòng 738 là địa chỉ quen thuộc của nhiều người dân ở nơi đây. Với hai kệ rau củ được kê sát tường và thực phẩm khác như mì gói, tương ớt, nước ngọt… nơi này trở thành cửa hàng mini trong lòng chung cư. Còn ở tầng 2 là nơi bán hủ tiếu, bún bò, nước sâm, nước ngọt. Ở tầng trệt là các cửa hàng chăm sóc sắc đẹp, nhà thuốc, tạp hóa…

Tại chung cư An Lộc, quận 2, để phục vụ nhu cầu mua sắm của các hộ dân tại chung cư cũng như nhà dân xung quanh, một ngôi chợ tự phát đã mọc lên tại đường số 15 cạnh chung cư. Chợ bán các loại hàng hóa phục vụ cho việc mua sắm thức ăn trong ngày như rau, củ, quả…, bắt đầu lúc 5 giờ sáng và kết thúc vào khoảng 8 giờ mỗi ngày.

Khách hàng chủ yếu của ngôi chợ này là những người dân trong chung cư. Họ bận rộn không có thời gian đi chợ hay siêu thị hoặc mua nhỏ lẻ vài tép hành, vài trăm gam rau muống cho bữa cơm chiều. Họ cũng là những ông bà lớn tuổi thích tự nấu cho mình một bữa ăn nhưng không thể đi xa để mua sắm.

Thấp thỏm chợ chung cư

Để đảm bảo vệ sinh và an toàn cháy nổ, một số chung cư mới xây dựng sau này thường có quy định không cho phép tụ tập buôn bán ở các hành lang. Vì thế, những người đang bán hàng trong chung cư luôn lo lắng, thấp thỏm không biết khi nào bị cấm kinh doanh.

Chung cư N.T.B. là một chung cư cũ đã xuống cấp ở trung tâm thành phố. Các hành lang nhỏ hẹp, chỉ có một thang máy làm nhiệm vụ vận chuyển. Một người bán thức ăn (hủ tiếu, bún bò…) ở tầng 2 chung cư N.T.B. cho biết bà mở quán này hơn mười năm. Do mất sức lao động, gia đình có người già và cháu nhỏ nên bà được phép bán thức ăn tại chung cư, chứ không phải ai cũng buôn bán được. Nếu sau này siết chặt quy định hơn, bà không biết sẽ nuôi gia đình như thế nào.

Theo một số tiểu thương chợ tự phát cạnh chung cư An Lộc, trước đây họ bày bán hàng hóa trong công viên ngay bên dưới chung cư nhưng từ khi công viên được rào lại để dành không gian cho người đi bộ, chợ này phải dời ra ngoài.

Tuy phục vụ nhu cầu của người dân nhưng do là chợ tự phát nên tiểu thương cũng lo. Chị Châu, một người bán cá tại chợ, cho biết chợ tan khá sớm để tránh bị tịch thu hàng hóa khi cơ quan chức năng đi tuần.

Vân Hoa

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Sức mua yếu ‘kích hoạt’ cuộc đua giá xuống đáy của...

0
(SGTT) - Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu thì cuộc đua bán hàng hóa giá cạnh tranh, giá thấp, tại...

Các ngôi chợ lâu đời ở TPHCM: Chợ Tân Định –...

0
(SGTT) - Ban đầu được biết đến với tên gọi Marché de Phu-Hoa, Chợ Tân Định là một trong những khu chợ lâu đời...

Các ngôi chợ lâu đời ở TPHCM: Chợ Bình Tây và...

0
(SGTT) - Chợ từ xưa đã là một khái niệm rất thân thuộc với người Việt, gắn liền với văn hoá, tập tục và...

Chợ truyền thống trước bài toán đổi mới để tồn tại

0
Mô hình kinh doanh của chợ truyền thống đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các chuỗi bán lẻ, siêu thị...

Đượm hồn quê tại khu chợ ‘chồm hổm’ chỉ bán của...

0
(SGTT) - Giữa lòng thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, có một khu chợ thắm đượm hồn quê sông nước miền Tây, người...

Người Hội An quay lại họp chợ sau những ngày bão,...

0
(SGTT) – Ngày hôm nay, 29-9, hàng trăm người dân Hội An đã quay trở lại họp chợ xung quanh ngôi chợ Hội An...

Kết nối