Thứ năm, Tháng mười hai 12, 2024

Về Khe Lim ngắm ‘thạch ngư’ có một không hai

(SGTT) - Cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 45km về phía Tây Nam, Khe Lim là tập hợp của nhiều nhánh suối, ngọn thác nước đổ từ trên cao. Nơi đây còn có thảm thực vật phong phú và những "thạch ngư" nằm chơi đùa với nước.
Một góc Khe Lim. Ảnh: Hòa Vang

Để đến đây, du khách từ cầu vượt Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ men theo đường Trường Sơn, QL14B lên làng cổ Túy Loan. Tiếp tục đi lên cầu Hà Nha, thêm 8km là đến Khe Lim. Theo đó, Khe Lim là tập hợp của nhiều nhánh suối và ngọn thác nước từ trên cao đổ xuống ẩn hiện trong cánh rừng nguyên sinh hoang dã. Cùng với đó là thảm động thực vật phong phú, quanh năm có nhiều hoa, lan rừng tỏa ngát mùi hương, như bức tranh sơn thủy hữu tình.

Thác Khe Lim, bắt nguồn từ núi Am Thông, nằm trên đỉnh Hio-Hiu có độ cao gần 900m so với mặt nước biển, có dòng nước cao ngất đổ xuống tạo thành nhiều tầng, bậc. Sở dĩ có tên gọi Khe Lim vì khu vực này có nhiều cây lim (thiết mộc lim), một lọai gỗ quý và cứng của núi rừng miền Trung.

Từ cầu Hà Nha, du khách đã thấy Khe Lim hiện ra trên vách núi là những dòng thác bạc tuôn nước xuống trắng xóa ẩn hiện xa mờ trong màu lam sương khói của núi Am Thông. Con đường vào đây giờ đã đổ bê tông với chiều dài gần một cây số, xe gắn máy dễ dàng đến khu vực dưới chân thác nước.

Đây là vùng đất hoang vu với rừng nguyên sinh bát ngát hòa quyện trong bầu khí hậu mát mẻ, thêm tiếng suối reo hòa quyện cùng tiếng chim rừng hót líu lo. Trước mắt tôi là điểm hợp lưu của hai dòng suối lớn, có đoạn làn nước trong xanh, yên tĩnh; có đoạn nước xô vào đá, tung bọt trắng xóa. Hai bên bờ suối là cánh rừng đại ngàn, cây cối um tùm, mát mẻ, nhiều nơi không nhìn thấy ánh mặt trời, nước mát lạnh từ các mạch đá ngầm chảy ra dưới những bóng cây nên nước mát lạnh.

Dòng nước trong vắt, mang đến trải nghiệm hòa mình cùng thiên nhiên cho du khách. Ảnh: Hòa Vang

Một nét độc đáo khiến du khách ngỡ ngàng khi đến Khe Lim chính là các tảng đá muôn hình vạn trạng, hay còn gọi là "thạch ngư". Kích thước to, nhỏ khác nhau, có tảng to đến 10 người ôm không xuể, kèm theo rêu xanh cùng dây leo bám quanh.

Càng lên cao, hai bên bờ xuất hiện những ghềnh đá màu vàng, xanh với những hình thù kỳ bí, có tảng đá lớn cỡ ngôi nhà mà mặt trên phẳng và rộng, chung quanh nước chảy rì rào, có thể ngồi quanh hàng chục người làm nơi sinh hoạt, vui chơi.

Một "thạch ngư" có tạo hình lạ mắt. Ảnh: Hòa Vang

Nhìn lên lưng chừng núi, du khách mục kích nhiều thác gieo, tung bụi nước lên trên những tán cây, tạo nên cầu vồng với nhiều sắc màu lung linh, huyền ảo. Du khách chỉ việc hít thở thật sâu, tận hưởng không khí trong lành của rừng và cảm thấy trong lòng thư thái, bao nhiêu mệt mỏi, lo toan đã tan biến theo bọt nước trắng xóa trôi đi.

Đặc biệt, người dân nơi đây còn tương truyền Khe Lim biết dự báo thời tiết. Chẳng hạn, trời đang nắng mà nghe tiếng ồ ồ, rì rầm từ Khe Lim, thì chắc chắn ngày hôm sau có mưa. Ngược lại, trời đang mưa nghe tiếng rầm rì, ồ ồ từ Khe Lim thì ngày hôm sau trời lại nắng. Hiện nay, trên đỉnh thác nước ở Khe Lim vẫn còn dấu tích Chùa Am với những giai thoại dân gian huyền bí của ẩn sĩ Tùng Sơn hơn 100 năm về trước.

Khe Lim được ví như nàng sơn nữ giữa rừng sâu, ít người biết đến. Song, ai đã một lần đến đây, đều mong có ngày trở lại vì nó sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng, không có sự can thiệp của bàn tay con người. Ngoài ra, hành trình chinh phục đỉnh Hio-Hiu gần đó, khá gian nan, vất vả nên cũng lôi cuốn, hấp dẫn với người trẻ, đam mê chinh phục thử thách.

Hòa Vang

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối