Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Ứng dụng gọi xe cần sự kết nối

LÊ ANH – 

Nhiều người cho rằng, việc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ cho một mình Grab Taxi thí điểm ứng dụng công nghệ di động trong việc gọi xe taxi xem ra mới chỉ tiện cho cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn còn nhiều sự lựa chọn, muốn đi hãng nào họ vẫn có thể dùng phần mềm của hãng đó.

Thời gian gần đây, câu chuyện ứng dụng công nghệ di động trong việc gọi xe tiếp tục nảy ra nhiều tranh luận, khi Bộ GTVT vừa trả đề án thí điểm gọi xe theo hợp đồng điện tử do Uber trình với lý do không đáp ứng điều kiện pháp luật ở Việt Nam. Theo giải thích của bộ, lý do hồ sơ thí điểm của Uber bị trả lại vì công ty này không thành lập tại Việt Nam và không có tư cách pháp nhân trong nước.

taxiNhiều người mong muốn sẽ có một ứng dụng có thể gọi được bất cứ xe của hãng nào mà không phải sử dụng quá nhiều phần mềm trên điện thoại.Ảnh: Thành Hoa

Hơn nữa, Bộ GTVT cũng chỉ ra rằng Uber không phải công ty vận tải, không sở hữu xe, không có tài xế mà chỉ là công ty hỗ trợ vận tải. Trong khi đó, Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình này. Do không đáp ứng các điều kiện này nên Uber không được chấp thuận thí điểm.

Trong một động thái khác, hiệp hội taxi ở ba thành phố lớn là TPHCM, Đà Nẵng và Hà Nội cũng đã đồng loạt gửi văn bản phản đối việc Bộ GTVT chỉ cho một mình Công ty TNHH Grab Taxi thí điểm ứng dụng công nghệ gọi xe trên điện thoại di động. Các hiệp hội taxi cho rằng việc chỉ cho một công ty thí điểm sẽ tạo ra sự độc quyền, không có sự công bằng đối với các doanh nghiệp còn lại.

Trả lời các hiệp hội taxi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết tất cả các doanh nghiệp có ứng dụng thương mại điện tử đáp ứng được các yêu cầu thì bộ vẫn cho làm và không cấm. “Tất cả những ứng dụng mà doanh nghiệp thực hiện phải được Bộ GTVT thẩm định về năng lực điều hành và kết nối với cơ quan quản lý. Khi doanh nghiệp đáp ứng được các điều kiện này thì bộ phê duyệt và thực hiện, còn không thì không được thực hiện”, ông Trường cho biết.

Áp dụng công nghệ trong kinh doanh vận tải là một xu hướng tất yếu, và được dự báo sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Trên thực tế, thời gian vừa qua đã có nhiều ứng dụng của các công ty vận tải được triển khai như hãng taxi Vinasun đưa phần mềm gọi xe Vinasun App, hãng Mai Linh với phần mềm gọi xe có tên gọi Open99. Ngoài ra còn có một số ứng dụng khác như IMove, Live taxi… Chỉ có điều những ứng dụng này là do doanh nghiệp tự xây dựng, tự thử nghiệm mà chưa có sự công nhận và cho phép từ cơ quan quản lý.

Một số người cho rằng khi cơ quan quản lý cho phép một công ty hay nhiều công ty thí điểm thì người dân đi hãng nào vẫn phải dùng riêng phần mềm gọi xe của hãng đó. Anh Hữu, người thường xuyên sử dụng các ứng dụng gọi xe Uber và Grab Taxi, cho biết dù cho Grab Taxi có được chọn thí điểm hay không thì mỗi lần muốn gọi xe của hãng nào anh vẫn phải xài cả hai ứng dụng Uber và Grab Taxi.

“Tôi thấy điểm bất tiện nhất của những ứng dụng này là chưa có sự liên kết và kết nối với tất cả các hãng vận tải. Vì thế, dù cho một công ty thí điểm hay nhiều công ty thí điểm thì người tiêu dùng vẫn chưa thấy được tiện ích gì”, anh Hữu nhận xét.

Điểm khác biệt giữa ứng dụng được cơ quan quản lý nhà nước cho thí điểm và ứng dụng chưa cho thí điểm chính thức đó là sự kết nối dữ liệu từ ứng dụng của doanh nghiệp về cơ quan quản lý, từ đó sẽ tiện cho việc quản lý số lượng xe và khi xảy ra sự cố cơ quan quản lý cũng dễ trong việc truy cứu trách nhiệm.

Thực tế cho thấy, các ứng dụng gọi xe hiện nay đều có những tính năng cơ bản giống nhau. Chẳng hạn, cho biết trước quãng đường đi, số tiền phải trả, biển số xe, lý lịch của lái xe… Mong muốn của người tiêu dùng là có một ứng dụng có thể gọi được bất cứ xe của hãng nào mà không phải sử dụng quá nhiều phần mềm trên điện thoại. Để làm được điều này thì phải có một đơn vị nhà nước đứng ra chủ trì việc thí điểm để có sự đánh giá khách quan, sau đó chọn một công nghệ tốt nhất để ứng dụng rộng rãi cho tất cả các hãng vận tải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Ứng dụng hướng dẫn viên ảo đầu tiên tại Việt Nam

0
(SGTT) - Công Ty Cổ Phần Tatinta vừa cho ra mắt ứng dụng Tatinta Guide, ứng dụng hướng dẫn viên du lịch ảo đầu...

Taxi bay điện tự hành của Trung Quốc vượt lên các...

0
(SGTT) -  Mẫu taxi bay tự hành EH216-S, chở được hai người và có giá 300.000 đô la của EHang Holdings (Trung Quốc) chuẩn...

Gian lận cước taxi: Vì sao suốt 20 năm vẫn loay...

0
Các vụ gian lận bằng cách kích đồng hồ tính cước taxi (taximet) đang nóng trên báo chí và mạng xã hội trong tuần...

Phim remake gặp khó tìm ‘đất diễn’ ở Việt Nam

0
Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng xem truyền hình trả phí theo yêu cầu như OTT, VOD đã tạo ra làn...

Tạm dừng hoạt động hai hãng taxi gian lận cước xe...

0
Sân bay Tân Sơn Nhất quyết định tạm dừng hoạt động của 2 hãng taxi có chiêu trò ăn gian giá cước. Sân bay...

Tạo app để người dân thực hiện dịch vụ công trực...

0
Thời gian tới, các bộ, ngành và địa phương cần lựa chọn dịch vụ công gắn liền nhu cầu sử dụng hàng ngày của...

Kết nối