Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Tỷ lệ người lao động quay lại TPHCM làm việc sau Tết cao bất ngờ

(SGTT) - Số người lao động quay trở lại TPHCM làm việc sau Tết đạt tỷ lệ cao, trong đó các doanh nghiệp lớn đón 100% công nhân trở lại làm việc. Đây là một tín hiệu tích cực cho nỗ lực tái sản xuất phục hồi kinh tế trên địa bàn thành phố sau đại dịch Covid-19.

Chiều ngày 5-4, tại buổi họp trực tuyến về tình hình kinh tế - xã hội quí 1 và nhiệm vụ trọng tâm quí 2-2022 do UBND TPHCM tổ chức, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, cho biết năm 2022 khởi động với nhiều tín hiệu tốt, công tác phòng chống, kiểm soát dịch Covid-19 hiệu quả; tình hình phục hồi và phát triển kinh tế TPHCM có bước khởi sắc với nhiều điểm sáng.

Theo đó, hầu hết các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, buôn bán, bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch, hướng dẫn của Bộ Y tế.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, số doanh nghiệp trở lại hoạt động đạt tỷ lệ cao; trong đó khu công nghệ cao đạt 100%, ngoài khu công nghiệp đạt trên 90%.

Người lao động trở lại TPHCM làm việc sau Tết đạt tỷ lệ cao, trong đó các doanh nghiệp lớn đón 100% công nhân trở lại làm việc.

Về vấn đề an sinh xã hội, bà Mai cho hay, TPHCM đã tổ chức hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn từ các nguồn quỹ Ngân hàng Chính sách xã hội, thực hiện cấp 106.947 thẻ bảo hiểm y tế với số tiền hơn 85,087 tỉ đồng cho thành viên hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ vượt chuẩn cận nghèo, hỗ trợ tiền điện cho 484 lượt hộ, với số tiền 73,1 triệu đồng, khuyến khích hỏa táng cho 7 trường hợp với số tiền 16,5 triệu đồng.

Ngoài ra, thành phố đã tổ chức chăm lo Tết Nhâm Dần năm 2022 cho 98.911 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ vượt chuẩn hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 95,013 tỉ đồng.

Buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội qui`1 và nhiệm vụ trọng tâm quí 2 - 2022 của UBND TPHCM ngày 5-4.

Đánh giá về tình hình kinh tế trong 3 tháng đầu năm 2022, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho rằng một số chỉ tiêu mặc dù được cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu. Cụ thể tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 3 tháng đầu năm ước giảm 4,8% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6,2%), cho thấy sức mua của người tiêu dùng chưa phục hồi hoàn toàn.

Với chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,51%, tăng gần 2 lần so với cùng kỳ (năm 2021 chỉ tăng 0,84%); tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) thu hút ước giảm khoảng 40,09% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, “một số ngành công nghiệp chủ lực của TPHCM còn chậm phục hồi, trong đó ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm 12,92% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 24,7%); tổng doanh thu ngành du lịch ước giảm 11,8% so với cùng kỳ”, bà Mai thông tin.

Đặc biệt, việc chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng thấp và giảm mạnh (đạt 9,4% dự toán pháp lệnh năm và giảm 33,8% so với cùng kỳ), ảnh hưởng đến động lực phục hồi tăng trưởng kinh tế của thành phố. Dịch bệnh kéo dài và chưa kết thúc, tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân và hoạt động doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, hiện TPHCM vẫn còn đang đối diện các thách thức tồn tại. Theo đó, dịch Covid-19 do biến chủng Omicron còn diễn biến phức tạp, yêu cầu cần có giám sát kỹ và có chủ trương, biện pháp phù hợp. Xung đột vũ trang Nga - Ukraina kéo theo một số yếu tố bất lợi về tăng giá xăng dầu dẫn đến nguy cơ tăng giá các mặt hàng, gây khó khăn cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội TPHCM.

Trong thời gian vừa qua, chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu tăng đã ảnh hưởng đến giá một số mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả. Ảnh: Minh Hoàng

Đầu năm 2022, các chuyên gia đã dự báo giá xăng dầu tăng. Tuy nhiên, thực tế diễn ra còn cao hơn cả dự báo khi giá dầu thế giới lên đến gần 140 đô la/thùng, ảnh hưởng đến hoạt động cung ứng; đồng thời do tác động của nhiều yếu tố khác khiến chi phí sản xuất gia tăng như giá bao bì, nguyên liệu dẫn tới áp lực khiến giá nhiều mặt hàng trong hệ thống phân phối, chợ truyền thống tăng là việc có khả năng xảy ra trong thời gian tới.

Từ giữa tháng 3-2022, giá một số mặt hàng tươi sống, rau, củ, quả có chiều hướng tăng do tác động từ chi phí vận chuyển, chi phí xăng dầu tăng, ảnh hưởng đến giá cả và hoạt động kinh doanh thương mại.

Trước một số khó khăn đang tồn tại, bà Mai cho biết nhiều giải pháp đã được triển khai đồng bộ và kịp thời, giá cả được kiểm soát tốt cùng với nguồn cung hàng hóa bình ổn được cung ứng đầy đủ ra thị trường.

Ngoài ra, giá bán nhiều hàng hóa, dịch vụ được điều chỉnh giảm do tác động giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống còn 8% từ ngày 1-2-2022 theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó góp phần giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối