Tính đến ngày 5-11, người từ các tỉnh đến Lâm Đồng vẫn còn phải tuân thủ nhiều quy định do địa phương vùng cao nguyên này áp dụng, theo ghi nhận của Kinh tế Sài Gòn Online trong chuyến đi từ TPHCM đến thành phố Bảo Lộc.
- F0 gia tăng, TPHCM kích hoạt 40 trạm y tế lưu động
- Tầng lớp trung lưu cạn túi, “hầu bao” bị siết lại
Từ chối các ứng dụng VNEID, PC Covid
Từ TPHCM đến Lâm Đồng qua cung đường QL 20, khi vào đến đèo Chuối (huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng), cũng như tất cả mọi người, dù di chuyển bằng xe máy hay ô tô, chúng tôi đều phải dừng lại để tập trung vào trạm kiểm soát của tỉnh này.
Đây là một trạm dừng chân trước đây, nay đã được “trưng dụng” để làm điểm tập kết. Theo ghi nhận trong buổi trưa 5-1, rất nhiều xe các loại dồn ứ tại khu vực này.
Tại đây, tất cả mọi người đều phải khai báo y tế qua ứng dụng Vietnam Health Declaration (VHD) và kèm tờ khai bằng giấy. Song song đó, người đến tỉnh Lâm Đồng điền thêm một tờ giấy cam kết liên quan đến việc khai báo cho cá nhân.
Trong khi ứng dụng khai báo di chuyển nội địa VNEID và ứng dụng PC Covid được nhiều địa phương chấp nhận thì tại đây, các ứng dụng này không được sự đồng ý. Nhân viên hữu trách cho biết, Lâm Đồng quy định phải sử dụng ứng dụng VHD. Khi chúng tôi thắc mắc, một nữ nhân viên y tế nói rằng: “Đây là lệnh trên xuống, chúng tôi chỉ thừa hành”.
Khi hoàn tất các thủ tục này, nhân viên trực sẽ đóng dấu xác nhận và lực lượng CSGT tại chốt sẽ cho xe đi. Theo quan sát, khu vực này khá đông người, hầu hết người dân đều không tuân thủ các quy định về giãn cách, không xếp hàng mà chen lấn để làm sao có dấu xác nhận nhanh nhất. Thời điểm mà chúng tôi có mặt, quan sát cho thấy hầu hết lực lượng chức năng nơi đây ai nấy đều mướt mồ hôi.
Trước khi vào trạm này, dọc dường đi, rất nhiều bảng thông báo được gắn với nội dung yêu cầu người đến Lâm Đồng phải có xét nghiệm âm tính. Trả lời về các bảng này, một nhân viên trực chốt cho biết đây là quy định cùa thời gian trước, nay chưa tháo (các bảng thông báo) ra. Khi chúng tôi nói đã có giấy xét nghiệm thì người này cho biết không cần kiểm tra.
Qua khỏi trạm đèo Chuối, chúng tôi hướng về thành phố Bảo Lộc và không còn sự kiếm soát nào. Đến thành phố Bảo Lộc, mặc dù đã đặt phòng trước nhưng khách sạn không cho chúng tôi nhận phòng nếu chưa có sự xác nhận của cơ quan y tế cấp phường.
Theo hướng dẫn của nhân viên khách sạn, chúng tôi đến trạm y tế phường thì nơi này lại chỉ qua một địa điểm khác, là trụ sở của một tổ dân phố. Ở đây, sau khi chờ ngoài lề đường hơn 60 phút thì mới có người mở cửa vì chỉ làm việc theo khung giờ hành chính. Trước đó, các hàng quán xung quanh đều từ chối tiếp xúc, bán hàng vì theo lời một chủ quán, chúng tôi chưa được xét nghiệm của phường, họ không dám bán.
Không chấp nhận kết quả xét nghiệm tại nơi khác
Trước khi đi, chúng tôi đã làm xét nghiệm và có chứng nhận nhưng người phụ nữ phụ trách tại điểm này hoàn toàn không xem các tờ chứng nhận. “Xét nghiệm của các anh là xét nghiệm ở TPHCM và tình hình dưới đó rất căng thẳng, chúng tôi phải xét nghiệm lại, đó là quy định từ trên xuống. Đừng nói các quy định này kia, tôi không biết, tôi chỉ thực hiện theo lệnh”, chị này nói và tự tay lấy mẫu xét nghiệm cho chúng tôi theo một “chuẩn” kỳ lạ là que test phải được đưa vào hết. Tất cả chúng tôi, ai nấy đều đau đớn, có người hét lên vì đau.
Phí xét nghiệm ở đây là 75.000 đồng/mẫu, không có biên lai, không có chứng nhận. Khi chúng tôi đề nghị có chứng nhận và biên lai thì người phụ trách này nói chiều tối ghé qua trạm y tế phường lấy. Và sau đó hướng dẫn chúng tôi viết cam kết trên khoảng trống còn lại của tờ khai y tế rồi điền thông tin cá nhân vào một cuốn tập học sinh.
Về lại khách sạn, chúng tôi tiếp tục được yêu cầu khai báo y tế qua ứng dụng mới được nhận phòng đã đăng ký trước đó. Tất cả mất hơn 2 giờ đồng hồ để đi lại, chờ đợi và kê khai giấy tờ vì thời điểm chúng tôi đến rơi vào giờ nghỉ trưa trong ngày.
Thêm một điều nữa, dù tại thành phố Bảo Lộc, khá nhiều hàng quán, nhà hàng đã bày bán cho khách dùng tại chỗ, kể cả bán bia, rượu nhưng khách sạn thì không mở cửa khu vực ăn uống. Lý do được đưa ra là để phòng chống dịch. Trong khi đó, tại một nhà hàng bán cơm được đánh giá là khá nổi tiếng ở thành phố này, khi chúng tôi vào, cả tầng trệt và tầng 1 không còn chỗ trống, các bàn ăn kê sát nhau.
Trong suốt quá trình làm việc ở các địa phương thuộc Bảo Lộc, ghi nhận cho thấy không có sự kiểm soát công cộng nào liên quan đến phòng, chống dịch. Có thể thấy, sau khi thông qua trạm kiểm soát khu vực đèo Chuối (hướng từ Quốc lộ 20 đi lên) và một lần “sát hạch” ở phường (chỉ dành cho khách lưu trú) thì du khách có thể đi lại, sinh hoạt trong địa phận tỉnh này khá thoải mái.
UBND tỉnh Lâm Đồng hồi giữa tháng 10-2021 đã ban hành quy định tạm thời bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn.Theo đó, người từ các tỉnh, thành phố khác đến/về tỉnh Lâm Đồng và phải đăng ký với chính quyền địa phương để được hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch của tỉnh. Đối với người đến hoặc về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 1, cấp 2 thực hiện nghiêm 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của địa phương. Đối với người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 3, cấp 4 đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh thực hiện tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày; xét nghiệm RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 mẫu đơn 1 lần (ngày thứ nhất).Đối với người đến/về tỉnh Lâm Đồng từ khu vực cấp 4 khi đi qua chốt kiểm soát phải có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực. Trường hợp phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 thì xử trí theo quy định.
Hoàng Bảo
Theo Kinh tế Sài Gòn Online