Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Từ bỏ thành thị, cô gái 8x về quê khởi nghiệp cùng len móc

(SGTT) – Từng là nhân viên văn phòng, chuyên ngành thiết kế đồ họa với mức thu nhập ổn định, thế nhưng chị Nguyễn Minh Hiếu (sinh năm 1984, ngụ tại Hà Giang) đã quyết định nghỉ việc, về quê để tìm lại đam mê đan móc thủ công từ thuở bé.

“Diễn đàn” len móc tại nhà

Nhìn chiếc kim móc màu xanh lá, chị Minh Hiếu hồi tưởng về ngày bé rất yêu thích công việc đan len và gần chục năm nay, tuy có những công việc khác nhưng niềm yêu thích này vẫn âm ỉ trong người.

Và biến cố xảy ra, từng khiến chị rơi vào trầm cảm, nên năm 2008, chị quyết định về quê, vừa gần gũi gia đình, vừa có dịp tìm lại niềm yêu thích đan len. Lúc đầu, chưa quen việc, chị dành nhiều thời gian để học hỏi từ các video hướng dẫn trên mạng. “Khi ấy, Internet chưa phát triển, mình phải sắm một cái USB rồi lặn lội ra – về tiệm net liên tục để lưu trữ dữ liệu liên quan đan móc. Lúc ấy, mình hay đùa vui với cả nhà là USB như cả một diễn đàn về len móc của mình”, chị kể.

Những kỹ thuật đan len, những bài học từ cơ bản đến nâng cao luôn được chị ghi chép cẩn thận. Ảnh: NVCC

Bên cạnh việc tự học, chị còn tham gia các hội nhóm trên mạng xã hội có chung niềm đam mê thêu thùa để nâng cao tay nghề. Từ đó, chị có thêm nhiều kiến thức về đan móc và gần như bị thu hút bởi những sản phẩm móc len thủ công rất bắt mắt của mọi người.

Từ người học hỏi đến tạo ra những sản phẩm len ấn tượng

Sau hơn hai năm (tính từ khi về quê), chị Hiếu đành phải tạm dừng ước mơ của mình bởi sản phẩm làm ra chưa tiếp cận được nhiều khách hàng. Chị xoay sở với một số nghề như mở tiệm tạp hóa, làm nail hay tiệm tóc. “Khoảng thời gian này mình rất nhớ nghề, nên vừa làm, vừa tích lũy thêm tiền để đến khi hợp lý thì mình quay lại với đam mê”, chị nhớ lại.

Và thời điểm hợp lý đó đã đến vào năm 2019, khi một sản phẩn đầm từ len mà chị “cover” lại kèm theo video hướng dẫn thực hiện đã nhận được nhiều sự quan tâm của mọi người. Cuối năm 2019, thương hiệu 3CE Bachiem ra đời cùng với quyết định quay lại nghề len móc của chị.

Chị Hiếu trong không gian cho ra đời những sản phẩm đan len sáng tạo, đẹp mắt. Ảnh: NVCC

Bằng sự khéo léo, đam mê nghề, những sản phẩm 3CE Bachiem không chỉ dừng lại ở trang phục mà còn thể hiện sự tinh tế ở từng chiếc túi, thú bông, giỏ hoa len đầy sắc màu. “Mình thường theo dõi xu hướng mà giới trẻ quan tâm hiện nay để tạo ra các sản phẩm phù hợp, nhờ vậy, những sản phẩm từ 3CE Bachiem luôn nhận được sự quan tâm của mọi người”, chị cho hay.

Đan thì dễ nhưng có nét riêng thì khó

Theo chị Hiếu, nghề đan len nhìn qua thì trông đơn giản khi chỉ cần cuộn len, chỉ, dụng cụ móc là đã đủ làm nhưng để tạo điểm nhấn trong nghề thì không phải đơn giản. Đầu tiên, mình cần hiểu về len sợi để ứng dụng phù hợp cho từng sản phẩm, như túi, mũ, áo, quần… Tiếp đến, cần có khiếu thẩm mỹ, sự tỉ mỉ, tính sáng tạo để tạo nên sản phẩm chỉn chu và màu sắc hài hòa.

Các sản phẩm phải tương ứng với từng sợi len để đạt độ hoàn thiện cao nhất. Ảnh: NVCC

Cụ thể, một thành phẩm bằng móc len trải qua một số công đoạn từ việc lên ý tưởng, thiết kế, móc các bộ phận và khâu ráp chúng lại, khâu nào cũng cần chỉn chu. “Chẳng hạn như thú bông, lưu ý chỗ thu mũi móc hoặc thêm mũi móc cho phù hợp. Thế nên, hầu như sản phẩm đều ra đời từ cảm nhận, kỹ năng và kinh nghiệm của người thợ”, chị cho biết thêm.

Nhớ về chú thú bông đầu tiên móc len, chị cười cho hay, lúc đó chị sử dụng rất nhiều cách nhưng sản phẩm làm ra luôn bị lỗi. Trong một lần suy nghĩ, chị thử dùng thép uốn thành khung và dùng bìa cắt hình rồi móc len theo khung. Không ngờ, chú gấu bông thành phẩm đẹp mắt, khiến chị mất ngủ mấy ngày liền.

Những sản phẩm thú bông đan len được chị Hiếu thường xuyên cập nhật theo xu hướng giới trẻ. Ảnh: NVCC

Dấn thân vào nghề một thời gian, chị thấy mình nên có trách nhiệm lan tỏa bộ môn này đến với những người yêu thích. Nghĩ là làm, ngoài thời gian đan len, chị còn sắp xếp để trở thành “cô giáo” dạy học.

Hành trình trở thành “cô giáo” dạy móc len mạng xã hội

Là người trực tiếp đan len, chị cho hay mỗi sản phẩm ra đời tốn nhiều thời gian và công sức của người thợ. Đặc biệt, có một số sản phẩm mất từ vài tuần cho đến hơn cả tháng mới hoàn thành.

Thấu hiểu điều này, chị lập kênh YouTube với các video hướng dẫn về đan móc len và hiện kênh đã có gần 1.600 người theo dõi. Ngoài ra, chị còn mở một số lớp học trực tuyến để trao đổi, hướng dẫn người có cùng sở thích (tính từ khi đợt dịch Covid-19 vừa qua) và vẫn duy trì cho đến nay.

Theo học lớp áo khoác Chanel của “cô gió” Minh Hiếu được năm tháng qua, học viên Bùi Huỳnh Thương (sinh năm 1990, ngụ tại TPHCM) chia sẻ, chị cảm thấy các video chị Hiếu chia sẻ rất bổ ích, chi tiết, dễ hiểu, trực quan. Thế nên, chị nắm bắt rất nhanh nội dung, chưa kể, chị còn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình từ chị Hiếu để sản phẩm hoàn thành chỉn chu nhất.

Một học viên với sản phẩm hoàn thiện “trả bài” cho chị Minh Hiếu qua trang Facebook cá nhân. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, trong đợt dịch vừa qua, chị Hiếu còn mở lớp học áo “Ghép hoa yêu thương” với tinh thần là miễn học phí, học viên có thể tùy tâm đóng góp thêm để ủng hộ vào quỹ vắc-xin phòng chống dịch Covid-19.

Nhìn lại chặng đường theo nghề, chị luôn biết ơn những trải nghiệm vui lẫn buồn để ngày hôm nay có thể trụ vững với đam mê và lan tỏa tình yêu bộ môn này đến mọi người. Theo chị, mỗi người đều có khung thời gian của riêng mình nên chỉ cần ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và thời điểm hoàn hảo nhất luôn là hiện tại.

Trần Đào

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Kết nối