Thứ bảy, Tháng mười hai 14, 2024

Trung Quốc dịch chuyển sản xuất vào vùng nội địa có chi phí nhân công rẻ

(SGTT) - Trong những năm qua, phần lớn hoạt động dịch chuyển sản xuất chi phí thấp của Trung Quốc không phải sang Ấn Độ, Mexico hay Việt Nam, mà là tiến sâu vào vùng nội địa rộng lớn của nước này. Hiện tượng đó xảy ra khi các công ty tìm kiếm những nơi có chi phí đất đai và nhân công rẻ hơn ở các tỉnh miền tây và miền trung của Trung Quốc.
Công nhân làm việc trong nhà máy lắp ráp ô tô của liên doanh Dongfeng Honda ở thành phố Vũ Hán thuộc Hồ Bắc, một tỉnh nội địa của Trung Quốc. Ảnh: Getty

Cơn bùng nổ xuất khẩu từ vùng nội địa

Làn sóng dịch chuyển sản xuất chi phí thấp vào vùng nội địa ở Trung Quốc tăng tốc trong những năm qua, khi đòn thuế trừng phạt của Mỹ đẩy chi phí của các nhà máy tăng cao.

Điều này đã tạo ra cơn bùng nổ xuất khẩu của các tỉnh nội địa Trung Quốc. Sự phát triển nhanh chóng của vùng nội địa củng cố sự thống trị của Bắc Kinh trong các lĩnh vực sản xuất toàn cầu, ngay cả khi các phương Tây ngày càng cảnh giác với vị thế Trung Quốc với tư cách là nhà cung cấp hàng đầu các ngành công nghiệp quan trọng như chip bán dẫn và năng lượng tái tạo.

Kể từ đầu năm 2018, xuất khẩu từ 15 tỉnh miền trung và miền tây Trung Quốc tăng vọt 94% khi hoạt động sản xuất của nhà máy mở rộng ra ngoài vùng đồng bằng châu thổ Châu Giang và sông Dương Tử, vốn là trung tâm của nền kinh tế công nghiệp Trung Quốc.

Trong 12 tháng tính đến tháng 8, các tỉnh này xuất khẩu tổng cộng 630 tỉ đô la Mỹ,  nhiều hơn kim ngạch xuất khẩu 425 tỉ đô la của Ấn Độ, 590 tỉ đô la của Mexico và 346 tỉ đô la của Việt Nam trong cùng kỳ, theo số liệu của CEIC.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu từ vùng nội địa Trung Quốc cũng nhanh hơn so với các nước kể trên, dù tin tức cho thấy các công ty toàn cầu ngày càng quan tâm đến các địa điểm sản xuất thay thế ngoài Trung Quốc.

Kể từ đầu năm 2018, xuất khẩu từ Ấn Độ, Mexico và Việt Nam tăng lần lượt 41%, 43% và 56%. Cả ba nước đều được hưởng lợi từ làn sóng sắp xếp lại chuỗi cung ứng toàn cầu sau cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của Mexico lớn hơn vùng nội địa Trung Quốc nhưng vị thế này đảo ngược vào năm 2020.

Các vùng duyên hải của Trung Quốc, bao gồm các trung tâm sản xuất như Quảng Châu và Thâm Quyến ở phía nam, Ninh Ba và Thượng Hải ở phía đông, Thanh Đảo và Thiên Tân ở phía đông bắc, vẫn thống trị sản xuất toàn cầu. Các khu vực này xuất khẩu tổng cộng 2,7 nghìn tỉ đô la hàng hóa trong 12 tháng tính đến tháng 8. Con số này chiếm khoảng một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cộng lại.

“Trung Quốc vẫn là nước đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực sản xuất toàn cầu trong tương lai gần.Trung Quốc có quá nhiều năng lực sản xuất đến nỗi thế giới không thể không dựa vào trong một thời gian nữa”, Gordon Hanson, nhà kinh tế học và là giáo sư về chính sách đô thị tại Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard, bình luận.

Tìm kiếm thị trường chi phí thấp

Đằng sau sự chuyển dịch sản xuất vào vùng nội địa Trung Quốc là cuộc săn lùng lao động giá rẻ. Trong thập niên 1990 và 2000, hàng triệu người Trung Quốc rời các miền quê nông thôn để đến làm việc trong các nhà máy mọc lên ở các thành phố ven biển.

Hiện nay, xu hướng đó gần như đã biến mất và tiền lương ở các khu vực duyên hải tăng mạnh khi các công ty cạnh tranh tuyển dụng công nhân.

Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), mức lương trung bình hàng năm của khu vực tư nhân ở Quảng Đông tăng hơn gấp đôi trong 10 năm, tính đến năm 2021. Những người lao động trẻ có trình độ học vấn cao hơn ở các thành phố duyên hải “chê” công việc vất vả trong nhà máy, và chuyển sang làm việc trong ngành dịch vụ.

Ray Zhou, người đứng đầu chuỗi cung ứng của Commerse, một thương hiệu thời trang, có trụ sở tại New York và Trung Quốc, cho biết công ty ông bắt đầu chuyển sản xuất từ vùng duyên hải đến vùng nội địa Trung Quốc vào nửa cuối năm 2022.

Hiện nay, khoảng một nửa công việc may của Commerse được thực hiện ở các nhà máy đặt ở vùng nội địa Trung Quốc, bao gồm Quảng Tây và Hồ Nam. Theo Ray Zhou, sản xuất hàng may mặc ở vùng nội địa khiến thời gian vận chuyển đến Mỹ lâu hơn, nhưng chi phí lao động nhìn chung rẻ hơn khoảng 30% so với ở Quảng Châu.

Các động lực khác thôi thúc các công ty tiến sâu vào vùng nội địa Trung Quốc bao gồm nhu cầu tìm kiếm mặt bằng nhà máy có chi phí rẻ hơn và né tránh các quy định gắt gao hơn ở các thành phố duyên nhằm giảm ô nhiễm hoặc tái quy hoạch các khu công nghiệp để phát triển khu dân cư.

Trên nhiều khía cạnh, bức tranh của ngành sản xuất Trung Quốc giống như làn sóng dịch chuyển hoạt động công nghiệp ở Mỹ sau Thế chiến thứ hai, khi các đường cao tốc mới và sự xuất hiện của container vận chuyển cho phép các nhà máy di chuyển ra khỏi các thành phố lớn để tìm kiếm mức thuế thấp hơn và nhân công rẻ hơn.

Ngày nay, các ngành công nghiệp phát triển mạnh ở vùng nội địa Trung Quốc có xu hướng sử dụng nhiều lao động, tài nguyên hoặc có giá trị gia tăng tương đối thấp, khiến các vùng duyên hải của Trung Quốc phải tập trung vào sản xuất tiên tiến hơn như xe điện, hàng điện tử công nghệ cao.

Tại Hồ Bắc, một tỉnh miền trung với khoảng 58 triệu dân, xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp nặng như hóa chất, kim loại và xe cộ tăng hơn gấp đôi trong giai đoạn 2018-2022. Trong cùng kỳ, xuất khẩu của các ngành sử dụng nhiều lao động như quần áo, đồ nội thất và đồ chơi từ tỉnh tăng 90%, theo dữ liệu hải quan Trung Quốc.

Hồ Bắc, bao gồm thành phố Vũ Hán và đập Tam Hiệp, là tỉnh không giáp biển. Tuy nhiên, tỉnh này có nhiều điểm hấp dẫn đối với các công ty đang tìm kiếm cơ sở sản xuất mới: khả năng tiếp cận bờ biển và thế giới bên ngoài thông qua đường bộ, đường sắt và sông, có nhiều trường đại học tập trung vào công nghệ, khoa học và kinh doanh, mức lương trung bình của khu vực tư nhân chỉ tương 77% mức ở Quảng Đông.

Hồi tháng 6, Garrett Motion (Thụy Sĩ), nhà sản xuất động cơ tăng áp ô tô, cho biết đã mở rộng công suất tại một nhà máy ở Vũ Hán lên 50%. Webasto, nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Đức, có kế hoạch thành lập một trung tâm nghiên cứu toàn cầu tại thành phố này.

Khó thoát khỏi sự chi phối của Trung Quốc

Mỹ và các nước phương Tây khác ngày càng lo lắng về sự phụ thuộc hàng hóa sản xuất vào Trung Quốc, đặc biệt là khi nước này không chỉ cung cấp đồ nội thất và đồ chơi giá rẻ mà còn đang cạnh tranh với họ về doanh số điện thoại thông minh, máy móc và ô tô.

Washington và các thủ đô khác đang đưa ra các khoản trợ cấp để thu hút thêm nhiều nhà sản xuất ở quê nhà. Họ cũng đang hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với các công nghệ quan trọng, chẳng hạn chip bán dẫn.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng nỗ lực thoát khỏi sự chi phối của chuỗi cung ứng ở Trung Quốc sẽ rất khó khăn.

Tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa toàn cầu của Trung Quốc là 14% vào năm 2022, giảm nhẹ so với năm 2021. Tỷ trọng này vẫn cao hơn đáng kể so với Mỹ ( 8,3%) và Đức (6,6%). Một báo cáo gần đây của Rhodium Group, nhận định, các hoạt động di dời dây chuyền nhà máy ra khỏi Trung Quốc sang các nước khác có thể ít tác động đến sức mạnh sản xuất của Trung Quốc. Lý do là các nhà máy bên ngoài vẫn phải phụ thuộc vào các nhà cung cấp nguyên liệu và linh kiện của Trung Quốc.

“Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu thị phần tổng thể của Trung Quốc trong xuất khẩu, sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục tăng, ngay cả khi quá trình đa dạng hóa khỏi Trung Quốc tăng tốc”, báo cáo cho hay.

Một lợi thế của Trung Quốc là quy mô khổng lồ của ngành sản xuất. Khi Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác ở Đông Á đẩy mạnh công nghiệp hóa trong thế kỷ 20, họ từ bỏ sản xuất các sản phẩm như dệt may hoặc đồ nội thất để tập trung công suất cho các sản phẩm cao cấp hơn như ô tô và điện tử tiêu dùng.

Ngược lại, Trung Quốc vẫn duy trì vị thế thống trị trong sản xuất tất cả các loại hàng hóa. Đây là minh chứng cho khả năng giảm chi phí tổng thể của các nhà máy ở Trung Quốc, ngay cả khi mức lương trung bình của công nhân tăng lên.

“Trung Quốc vẫn đang sản xuất mọi thứ, từ chip bán dẫn, giày dép đến hàng may mặc”, Louise Loo, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của Oxford Economics, nói.

Các nhà máy Trung Quốc cũng được hưởng lợi nhờ các khoản vay lãi suất thấp từ các ngân hàng trong nước và chuỗi cung ứng khổng lồ về nguyên liệu thô và linh kiện. Chi phí phí hậu cần ở Trung Quốc chỉ bằng một phần nhỏ so với chi phí ở Ấn Độ, nơi vẫn đang cố gắng bắt kịp Trung Quốc về hạ tầng đường bộ và cảng biển.

Các nhà kinh tế cho rằng, tất cả điều đó có nghĩa là các nước sản xuất đang phát triển như Việt Nam, Ấn Độ và Bangladesh phải đối mặt với thách thức lớn khi cạnh tranh với Trung Quốc.

Chánh Tài

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối