(SGTT) - Tốc độ tăng trưởng lắp đặt điện mặt trời của Trung Quốc đang chậm lại do tình trạng tắc nghẽn lưới điện và việc các nhà khai thác lưới điện giảm giá mua cũng như hạn chế công suất phát vào lưới điện.
- Mỹ hồi sinh ngành công nghiệp năng lượng mặt trời bằng bảo hộ
- Trung Quốc muốn mở rộng hợp tác sản xuất năng lượng tái tạo với Việt Nam
Chỉ riêng năm ngoái, Trung Quốc tăng công suất điện mặt trời thêm 55%. Dữ liệu chính thức và phân tích của Reuters cho thấy, công suất lắp đặt điện mặt trời của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng trong hai tháng đầu năm 2024. Tuy nhiên, trong tháng 3, công suất điện mặt trời mới giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống mức thấp nhất trong 16 tháng.
Tốc độ triển khai dự án điện mặt trời mới của Trung Quốc đang chậm lại do các biện pháp hạn chế cung cấp điện mặt trời áp mái dư thừa vào lưới điện và những điều chỉnh về giá mua điện làm ảnh hưởng đến tính kinh tế của các dự án điện mặt trời mới.
Năm ngoái, ít nhất 20 trong số 35 tỉnh và vùng của Trung Quốc đã áp dụng cơ chế giảm giá mua điện mặt trời vào giữa ngày và tăng giá mua vào các giờ cao điểm buổi sáng và buổi tối. Những thay đổi này sẽ làm giảm doanh thu của các dự án điện trời trong những giờ phát điện cao điểm. Tuy nhiên, cơ chế mới sẽ khuyến khích các công ty lưu trữ năng lượng mua điện mặt trời lúc giá rẻ để bán với giá cao hơn vào các giờ cao điểm.
Yếu tố chính cản trở việc mở rộng hệ thống điện mặt trời phân tán, chủ yếu là điện mặt trời áp nhà, là lưới điện không đủ khả năng hấp thụ lượng điện dư thừa được tạo ra khi mặt trời chiếu sáng. Nguồn cung quá mức của điện mặt trời áp mái khiến các cơ quan quản lý ở Trung Quốc giảm hỗ trợ về giá mua .
“Trong vài năm tới, đây sẽ là vấn đề lớn mà tất cả các tỉnh của Trung Quốc đối mặt khi lưới điện bão hòa, cơ sở hạ tầng quá tải”, Cosimo Ries, nhà phân tích của hãng nghiên cứu chính sách Trivium China nói.
Vấn đề này ảnh hưởng đến một số khu vực sử dụng nhiều năng lượng mặt trời phân tán, chiếm 42% tổng số hệ thống năng lượng mặt trời quốc gia vào năm ngoái. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các tỉnh như Sơn Đông ở phía bắc đất nước.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), Trung Quốc đã cố gắng hạn chế cắt giảm công suất phát năng lượng tái tạo ở mức 5%, tương đương với tỷ lệ 1,5-4% ở hầu hết các thị trường lớn trên thế giới. Nhưng một số nhà sản xuất năng lượng tái tạo cho biết mức cắt giảm đã vượt qua ngưỡng này. Theo Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc (CCTV), có tới 50-70% sản lượng điện mặt trời phân tán đang bị cắt giảm ở Sơn Đông. Điều đó có nghĩa là các nhà quản lý lưới điện dừng lượng cung đó vào lưới điện để duy trì cân bằng với nhu cầu.
Trong cuộc khảo sát về khả năng hấp thụ năng lượng mặt trời phân tán của 6 tỉnh hồi năm ngoái, Ủy ban quản lý điện nhà nước Trung Quốc (SERC) kết luận, 5 tỉnh sẽ hạn chế các dự án điện mặt trời mới trong năm 2024.
Cosimo Ries cho biết, công suất lắp đặt điện mặt trời mới đang suy giảm mạnh tại các tỉnh Hà Bắc, Hà Nam và Sơn Đông.
Hội đồng điện quốc gia Trung Quốc dự kiến, công suất lắp đặt điện mặt trời mới sẽ giảm 20% trong năm nay. Trong khi đó, Hiệp hội ngành công nghiệp quang điện Trung Quốc dự báo mức giảm là 12%.
Theo Holly Hu, nhà phân tích công nghệ năng lượng sạch của S&P Global Commodity Insight, đầu tư lưới điện chậm chạp và môi trường kinh doanh chắc chắn do giới chức trách đang cải cách thị trường điện là những thách thức lớn đối với các chủ đầu tư điện mặt trời.
Trước đây, các nhà khai thác lưới điện ở Trung Quốc cam kết mua gần như toàn bộ điện từ của các dự án năng lượng tái tạo với mức giá gắn liền với chỉ số giá điện than nhưng cam kết này đã bị hủy bỏ từ đầu tháng 4 này. Hiện tại, giá điện sạch giảm mạnh so với trước đây.
Trong báo cáo thường niên năm 2023, Shenhua Energy, một công ty kinh doanh điện và than thuộc sở hữu nhà nước, cho biết giá bán điện mặt trời của công ty giảm 34,2%, xuống còn còn 283 nhân dân tệ (39,9 đô la Mỹ) /MWh trong khi giá điện than chỉ giảm 2,4%, xuống còn 406 nhân dân tệ /MWh
Wang Xiuqiang, nhà nghiên cứu của hãng tư vấn Beijing Linghang, cho rằng giá điện mặt trời giảm là do các cơ quan quản lý giảm chính sách hỗ trợ để định giá điện mặt trời sát với giá thị trường hơn.
David Fishman, chuyên gia tư vấn năng lượng của Lantau Group, cảnh báo việc các công ty lưới điện hủy bỏ giới hạn giảm công suất phát điện ở mức 5% đối với các dự án năng lượng tái tạo có thể gây rủi ro cho các chủ đầu tư.
Chẳng hạn, Huaneng Power International, một công ty sản xuất điện thuộc sở hữu nhà nước, ghi nhận trong quí 1, mức giảm công suất phát năng lượng tái tạo của công ty là 7,7%, cao hơn gấp đôi so với một năm trước.