Thứ Năm, Tháng Ba 28, 2024

Trị bệnh đúng cách bằng thảo dược

Khánh Ngân –

Hiện nay thảo dược được ưa chuộng từ chăm sóc sức khỏe đến sắc đẹp. Có rất nhiều cây cỏ, hoa lá đã được chứng minh có công dụng trị bệnh, nhưng dùng thế nào mới đạt hiệu quả là điều ít ai chú ý.

Vườn-thuốc-nam-tại-một-trạm-y-tế-xã-ở-ĐBSCLVườn thuốc nam tại một trạm y tế xã ở ĐBSCL.  Ảnh: Hồng Ngọc

Nhiều người có thói quen khi nghe đồn bài thuốc nào trị bệnh hiệu quả thì  mình có triệu chứng na ná là “sao y” và vô tư dùng vì quan niệm (dù sai lầm) “thuốc nam, thảo dược thì vô hại” mà ít khi tìm hiểu công dụng thực, cách dùng đúng của thảo dược. Một thời, khi nghe đồn cây nở ngày đất trị bệnh tiểu đường là người người ùn ùn hái bán, người người mua về uống mà chẳng cần biết tính xác thực. Chỉ cần nghe truyền miệng bông dừa cạn chữa bệnh ung thư là đi ra ruộng hay chậu kiểng tiện tay bứt một nắm giã uống  thử…; lại nghe đồn cây lược vàng chữa được bệnh xơ gan thì đi ngang nhà hàng xóm xin vài lá và cây con về trồng làm thuốc; nghe lá xoài trị tiểu đường là bẻ cả nhánh về hãm trà uống, chẳng quan tâm đến giống xoài gì, lá non hay già…

Theo BS. Nguyễn Thị Sơn, Trưởng khoa Y học cổ truyền Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thuốc nam là cách dùng của địa phương, người xưa thấy vùng mình có nhiều loại cây cỏ, dùng thử có hiệu quả rồi truyền miệng là chính, chứ trước đây ít được nghiên cứu, kiểm chứng khoa học. Trong khi người dân nghe vậy thì nghĩ cây trồng ở đâu cũng dùng được, hái lá lúc nào cũng thành thuốc… Đây là cách dùng thảo dược sai lầm phổ biến hiện nay. Vì có những loài cây cùng một tên nhưng có nhiều họ, nhiều chi và không phải tất cả đều giống nhau tính dược lý và chung công dụng chữa bệnh. Hơn nữa, để từ cây cỏ trở thành “cây thuốc” còn phụ thuộc vào thổ nhưỡng, địa lý từng vùng, cách thu hái, chế biến, bảo quản… Chẳng hạn có những cây phải trồng ở miền núi, hay ở xứ lạnh thì mới có hiệu quả chữa bệnh, còn khi người dân mang trồng ở vùng khác, khí hậu khác, dù cây vẫn sống nhưng tính dược lý chắc chắn là không cao. Muốn sử dụng cây cỏ, hoa lá trị bệnh, ngoài việc phải tìm hiểu kỹ về công dụng thì cần phải tìm hiểu xem loại cây này trồng ở vùng nào, hái vào mùa nào, dùng làm thuốc khi bao nhiêu tháng/ngày tuổi, sử dụng lá non hay già… thì mới đủ hoạt chất để chữa bệnh. Chưa kể, khi dùng thuốc nam, mọi người thường phơi hoặc vệ sinh không đảm bảo, có người phơi thuốc ở ngoài sân, xe cộ, súc vật đi ngang, thuốc đó uống vào chẳng những không hết bệnh mà coi chừng còn rước thêm bệnh.

Tuy nhiều loại cây cỏ, hoa lá có công dụng chữa bệnh, nhưng bên cạnh tính dược lý thì luôn có độc tính đi kèm và khi dùng không đúng cách, không đúng liều, dài ngày thì cũng sẽ gây hại chẳng thua kém thuốc tây, độc tính của cây cỏ cũng đào thải qua gan và thận và làm hai cơ quan này bị tổn thương, có thể dẫn đến suy gan, suy thận. Khi dùng cây cỏ để trị bệnh, bác sĩ Sơn lưu ý người dùng là chúng phải được điều chế thành dược liệu chứ không phải là cây cỏ hoa lá trồng đâu cũng được, tiện tay là hái về dùng thì công dụng chữa bệnh sẽ không đạt hiệu quả cao. Còn khi các thầy thuốc dùng, sẽ biết cách loại bỏ độc tố trong cây cỏ rồi mới sử dụng.

Việc dùng thuốc nam sai cách hoặc lạm dụng cây thuốc – nghĩ thuốc nam lành tính nên nhiều người uống hàng ngày và có không ít người bị nhiễm độc làm sức khỏe càng suy yếu hơn. Như ông Nguyễn Văn N., 65 tuổi ở huyện Tân Biên, Kiên Giang bị phát hiện ung thư gan và bác sĩ chỉ định phẫu thuật. Thế nhưng, người thân của ông N. sợ mổ xẻ nên chuyển ông ra Long Khánh, Đồng Nai theo một thầy lang mà nhiều người đồn trị bá bệnh, trong đó có cả HIV, ung thư. Ngày nào ông N. và hàng chục bệnh nhân khác cũng được “thầy” phát 3 chén thuốc có nước màu đen, đăng đắng. Uống được nửa tháng, ông N. ăn uống khá hơn, người mập mạp và đi đứng nhanh nhẹn hơn. Thế nhưng, sau 3 tháng điều trị, trong lúc người nhà tin rằng ông N. sắp hết bệnh thì ông trở nên mệt mỏi, uể oải và bỏ ăn. Người nhà đưa ông đến bệnh viện thì mới phát hiện ông N. được cho uống thuốc có chứa dexa nên cơ thể bị tích nước mà người nhà tưởng thuốc có hiệu quả và hậu quả là ông bị suy kiệt nặng, bệnh di căn nên “bác sĩ cũng bó tay”.

Hay lá đu đủ hiện có rất nhiều người dùng vì cho là “thần dược” trị bá bệnh, từ u lành tính như u xơ tử cung, bướu cổ đến ung thư vú, gan, phổi… Người thì dùng lá đu đủ đực, người thì uống lá đu đủ thường, người nấu tươi, người phơi dôn dốt, người phơi khô queo… rồi sắc thành nước uống. Bác sĩ Sơn cho biết: “Tuy lá đu đủ có những hoạt chất chữa bệnh, nhưng hầu như không có ai dùng đơn độc lá đu đủ mà chữa hết bệnh ung thư. Chúng tôi từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị ung thư bỏ điều trị ở bệnh viện, tự chữa bệnh bằng lá đu đủ và khi bệnh nặng trở lại thì tới bệnh viện mới tá hỏa”.

Cũng theo bác sĩ Sơn, với những bệnh lành tính như u xơ, nhân xơ có thể tự hết, mà người bệnh tự ý dùng thảo dược không đúng chẳng những không có lợi, vì khi đưa chất lạ vào cơ thể, mà chất đó không phù hợp sẽ gây nên dị ứng càng có hại cho sức khỏe.

Do vậy, dù là thuốc nam thì cũng có ít nhiều tác dụng phụ nên lời khuyên của bác sĩ là dùng phải thận trọng, khi sử dụng cần tham khảo ý kiến thầy thuốc về cách thu hái, chế biến, bảo quản… để đảm bảo tính an toàn của dược liệu và đạt hiệu quả điều trị cao nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Gò Vấp gánh súp cua cô Liên,...

0
(SGTT) - Nếu có dịp đi ngang chợ Gò Vấp và ghé nơi đây mua sắm, ẩm thực là một trong những điều mà...

Hà Nội: Gần 80 gian hàng tham gia Lễ hội Ẩm...

0
Sau ba mùa thành công trước đó, Lễ hội Ẩm thực Pháp "Balade en France" sẽ trở lại với quy mô lớn gấp đôi...

Công thức hai món ăn ‘hot trend’: Milo nấm và bánh...

0
(SGTT) - Sau nhiều trào lưu ẩm thực, hai món ăn milo nấm và bánh mì phô mai tan chảy hiện đang là trào...

‘Mùa cỏ cháy’ trên cung đường trekking Tà Năng – Phan...

0
(SGTT) - Tà Năng - Phan Dũng được xem là một trong những cung đường trekking bậc đẹp nhất Việt Nam. Với thảm thực...

Trưa nay ăn gì: Thưởng thức bánh canh khô, món ăn...

0
(SGTT) – Trong văn hóa ẩm thực vùng miền, bánh canh khô là món ăn đặc trưng của người dân xứ Huế. Khi nấu...

Buýt vi vu: Khám phá những mảng xanh ở TPHCM cùng...

0
(SGTT) - Trên hành trình vi vu từ quận 1 đến bến xe An Sương (huyện Hóc Môn) cùng xe buýt số 65, du...

Kết nối