NGUYỄN HUỆ NGHI -
Ngày giỗ đầu cố giáo sư Trần Văn Khê (24-6-2016), nhóm thân hữu của giáo sư, Công ty sách Thái Hà và NXB Lao động cho ra một quyển sách tưởng niệm và cũng là dịp để những ai ưu tư đến di sản Trần Văn Khê ngồi lại luận bàn nhiều điều.
Giáo sư, tiến sĩ Trần Quang Hải, con trai của cố giáo sư Trần Văn Khê và nghệ sĩ Hải Phượng tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Nguyễn Huệ Nghi
Trong buổi sáng ra mắt cuốn Trần Văn Khê – Tâm và Nghiệp tại đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1, TPHCM sáng 26-6, chủ đề chính không hẳn nói về cuốn sách, mà về việc cần thiết phải có một nhà tưởng niệm GS. Trần Văn Khê.
Câu chuyện tưởng đã đâu vào đó khi mà những năm cuối đời vị giáo sư, nhà nhạc học quan trọng của âm nhạc truyền thống Việt Nam trở về nước và được chính quyền TPHCM cấp cho căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh. Mọi chuyện cũng ngỡ đã yên ổn khi mà bản di chúc được vị giáo sư khả kính để lại đưa ra cả một kịch bản khá chi tiết về hoạt động của căn nhà này, vấn đề thừa kế và sử dụng di sản của ông trong căn nhà này.
Nhưng trong buổi ra mắt sách nói trên, câu chuyện “cần thiết phải có ngôi nhà”, cụ thể hơn, thư viện Trần Văn Khê lại được đề cập khá cấp bách, bởi những nhân sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu tên tuổi TS. Hãn Nguyên Nguyễn Nhã cho rằng, một ngôi nhà tưởng niệm GS. Khê sẽ là địa chỉ văn hóa cho thành phố, một nơi để không chỉ du khách hiểu hơn về những giá trị âm nhạc cổ truyền của chúng ta mà còn là một nơi để chúng ta hiểu nền tảng của mình hơn. “Không làm được điều đó là có lỗi với tiền nhân”, ông Nguyễn Nhã nói.
Kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái mượn câu chuyện không gian tưởng niệm nhà thơ Lamartine trở thành một điểm tham quan tại Pháp để nói rằng: “Dưới góc độ quy hoạch kiến trúc, chúng ta cần có một không gian như nhà Trần Văn Khê. Nhà tưởng niệm những danh nhân có đóng góp cho văn hóa dân tộc, đó phải là những điểm nhấn của một đô thị, những nơi chốn làm giàu cho văn hóa của một đô thị”.
Những đóng góp của GS. Khê lúc sinh thời, tầm vóc chuyên môn của ông thế giới đã công nhận. Nhưng có vẻ như câu chuyện một vị trí để trước hết là bảo tồn, sau là tàng thư để những thế hệ tiếp nối có thể tiếp cận, làm giàu có thêm vốn liếng văn hóa, thì vẫn là một cuộc “giằng co” (nói theo lời bà Nguyễn Thế Thanh, nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TPHCM trong buổi ra mắt sách nói trên). “Một cuộc giằng co không ngừng nghỉ. Nhưng chúng tôi có thể nói rằng, với những nỗ lực của học giới và cộng đồng, chúng ta có thể nhìn thấy sự lạc quan”, bà Thanh, người từng xúc tiến dự án nhà Trần Văn Khê khi còn đương nhiệm ở Sở Văn hóa Thông tin, nay là Sở Văn hóa Thể thao TPHCM nói.
Ca sĩ, doanh nhân Nguyễn Hữu Thái Hòa cũng chia sẻ: “Cần nỗ lực của nhiều người, trong đó có cơ quan chức năng cho việc chính thức hiện thực hóa một nhà tưởng niệm và bảo lưu di sản của GS. Khê. Là những nghệ sĩ, chúng tôi sẽ nỗ lực đến cùng cho điều đó”.
Ngôi nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, còn gọi là thư viện Trần Văn Khê hay Nhà Trần Văn Khê trên thực tế thời gian qua chưa thể hoạt động bình thường như nguyện vọng lúc còn sống của GS. Khê, vì nhiều nguyên do khá tế nhị từ phía gia đình lẫn phía cơ quan quản lý. Có nguồn tin của giới thạo sách cũ nói rằng đã có tài liệu quý thất thoát ra bên ngoài. Trước những chuyện đau lòng đó, vấn đề về một nhà tưởng niệm chính thức và bài bản nêu ra lúc này là kịp thời và cần thiết.
Theo bà Nguyễn Thế Thanh, tuy Quỹ Trần Văn Khê mới trong giai đoạn vận động, nhưng khi hay tin cuốn sách Trần Văn Khê – Tâm và Nghiệp là sản phẩm đầu tiên để huy động (lấy toàn bộ số tiền bán được của cuốn sách để đóng góp vào quỹ) thì nhiều người đã hưởng ứng mua sách và đóng góp tài chính. Bà Thanh hy vọng năm sau sẽ là năm đầu tiên Quỹ Trần Văn Khê đi vào hoạt động.
Sách Trần Văn Khê – Tâm và Nghiệp dày 296 trang, giá 110.000 đồng, in lần đầu 1.500 cuốn. Sách có 37 bài viết của 35 tác giả như GS.TS. Trần Quang Hải, TS.NSƯT Hải Phượng, NSND Bạch Tuyết, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, Trần Trọng Thức, nhà nghiên cứu Hãn Nguyên Nguyễn Nhã... Phần hình ảnh do nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á thực hiện.