Thứ Sáu, Tháng Ba 29, 2024

Trái cây đâu chỉ giúp làm đẹp da, trẻ lâu

Những người ăn trái cây thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, tim mạch, ung thư.

Trái cây rất có lợi cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa sự thiếu hụt vitamin và các khoáng tố vi lượng trong cơ thể. Những người ăn trái cây thường xuyên sẽ giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, tim mạch, ung thư.

Riêng với phụ nữ, trái cây còn giúp họ có làn da đẹp và trẻ lâu nhờ thành phần chống lão hóa của chúng.

Nên ăn trái cây mỗi ngày

Ăn trái cây thường xuyên giúp cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Ảnh: Thành Hoa

Trái cây cung cấp những chất tốt như vitamin, khoáng chất, chất béo lành mạnh, protein, chất xơ, chất chống oxy hóa và các chất thiên nhiên mang hoạt tính sinh học phytonutrients, rất ít chất béo bão hòa, ít hoặc không có natri.

Ăn trái cây mỗi ngày là việc nên làm vì trái cây không làm tăng cân. Lý do, nó cung cấp ít calo, giúp kiểm soát trọng lượng cơ thể mặc dù chúng cũng làm no nhờ chất xơ và hàm lượng nước cao.

Ngoài ra, thị trường trái cây rất đa dạng từ các loại trái cây tươi có sẵn trong nước hay các loại nhập khẩu cho đến các loại trái cây được đóng hộp, đông lạnh, sấy khô, nước ép. Vì chúng có theo mùa nên chúng ta dễ dàng lựa chọn, rất tiện lợi và giá cả phù hợp với đại đa số người tiêu dùng.

Chống oxy hóa, ngừa ung thư

Trái cây rất đa dạng nên thành phần cũng thay đổi tùy theo loại quả, nhưng chúng đều tốt cho mọi lứa tuổi từ trẻ em, người lớn, phụ nữ mang thai hoặc người già.

Thành phần trái cây chứa 80-90% nước.

Những ai cần kali có thể ăn quả đào vì nó giúp tăng cường sức khỏe thần kinh và cơ bắp. Đặc biệt là lớp vỏ của quả đào rất giàu chất chống oxy hóa và chất xơ không hòa tan, thật sự hữu ích cho người đang giảm cân.

Một loại trái cây nhiệt đới thân thuộc với người tiêu dùng Việt, nếu không nói là rất được ưa chuộng nhờ vị ngọt ngọt chua chua dịu, là quả dứa.

Loại quả này có chứa bromelain – một loại enzyme chống viêm đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ, cũng như tăng khả năng sinh sản.

Muốn có một quả tim khỏe mạnh đừng quên quả nho đỏ hoặc tím, nhờ quercetin và resveratrol. Nho cũng là nguồn kali và sắt giúp ngăn ngừa chuột rút và thiếu máu.

Ăn quả kiwi là nạp cho cơ thể nguồn vitamin C và E, hai chất chống oxy hóa mạnh giúp chống ung thư. Kiwi ít calo và nhiều chất xơ, ăn nhiều mà không tăng cân và có thể giữ được lâu trong tủ lạnh.

Riêng quả xoài được xem là thuốc tăng cường miễn dịch do hàm lượng beta-carotene cao, mà cơ thể sẽ chuyển đổi thành vitamin A để thúc đẩy sự phát triển của xương và hệ miễn dịch khỏe mạnh. Xoài cũng cung cấp nhiều vitamin C phòng các bệnh về mạch máu.

Mỗi ngày dùng một quả táo (nếu được thì không cần bỏ vỏ), quanh năm không đến gặp thầy thuốc vì não và tim đều khỏe mạnh nhờ quercetin phòng bệnh Alzheimer, hạ cholesterol và ngăn ngừa ung thư ruột kết.

Ăn quả lựu đỏ càng tuyệt vời vì nước ép lựu có khả năng chống oxy hóa gấp 2-3 lần so với rượu vang đỏ hoặc trà xanh, và cũng là một nguồn kali, duy trì năng lượng và kiểm soát huyết áp cao.

Nghiên cứu cho thấy uống một cốc nước ép lựu (200 ml) mỗi ngày có thể cải thiện sức khỏe tim mạch, giảm cholesterol, phòng ung thư tuyến tiền liệt và giúp điều trị rối loạn cương dương.

Muốn có nguồn vitamin C thì đừng quên quả bưởi và những loại quả có múi thuộc họ cam quýt. Chỉ một nửa quả bưởi đã có chứa đến gần 50% lượng vitamin C cần thiết hằng ngày, chưa kể chất xơ, kali và vitamin A. Bưởi góp phần làm giảm các triệu chứng viêm khớp và tốt cho da và tóc.

Chuối chứa nhiều kali giúp duy trì năng lượng hoạt động lâu dài và phòng bệnh huyết áp.

Quả việt quất màu tím đen là vua trong các loại quả chống oxy hóa, tốt cho tim, mạch máu, thần kinh và phòng các bệnh ung thư. Ngoài ra quả dưa hấu, thanh long cũng cho nhiều pectin và chất chống oxy hóa tốt cho tuyến tiền liệt.

Những điều lưu ý

Trái cây cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể.

Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa kỳ khuyến khích mỗi ngày nên ăn khoảng nửa đĩa trái cây tươi hoặc bốn chén chia đều cho bốn bữa ăn sáng, trưa, ăn nhẹ và tối. Cách ăn trái cây cũng khá quan trọng, thường thì nên ăn trái cây trước khi ăn thịt hoặc các loại protein khác.

Nhiều bà mẹ than phiền rằng con cái của họ ít khi dùng trái cây nhưng quên mất việc phải trưng bày chúng ở nơi trẻ dễ nhìn thấy.

Ngoài ra, để khích lệ các thành viên trong gia đình cùng ăn trái cây, mẹ có thể chế biến trái cây thành kem, sữa chua, sinh tố, rau trộn, hoặc ướp lạnh… Ăn nhiều loại trái cây có nhiều màu sắc là tốt và đừng ăn mãi một loại sẽ bị mất cân bằng dinh dưỡng.

Bạn có thể chọn ăn trái cây theo mùa vì giá mềm hơn, hàm lượng dinh dưỡng trong quả vào mùa cũng đạt chất lượng cao nhất. Bạn nên ăn toàn bộ trái, gồm cả nước và xơ từ quả, nên tránh dùng nước ép vì bỏ phí lượng lớn chất xơ.

Ngoài ra, bạn cần tránh chọn trái cây đóng hộp trong si rô. Và đừng quên rửa sạch trái cây trước khi ăn, bảo quản tách biệt trái cây với thịt sống, thịt gia cầm và hải sản.

Ai không nên ăn nhiều trái cây?

Theo các chuyên gia, “trái cây là kẹo thiên nhiên” vì nó ngọt ngào và nhiều hương vị như kẹo ngọt với trẻ con. Cũng vì điều này, một số loại trái cây sẽ phải “chống chỉ định” với một số loại bệnh. Ví dụ, người bị bệnh tiểu đường tránh ăn các loại trái cây quá ngọt như xoài, mít, nhãn, vải…

Tương tự, người có sạn thận tránh ăn nhiều quả có vitamin C, người bị đau dạ dày tránh ăn các quả chua. Người có cơ địa nóng (nội nhiệt) do thiếu nước, người luôn thấy cổ họng khô khát, nổi mụn, táo bón, tránh ăn các loại quả quá ngọt (loại quả chín quá, nhãn, sa pô chê, mít, mãng cầu…), chứa nhiều đường vì dễ tăng sinh nhiệt cho cơ thể.

“Một kế hoạch ăn uống giàu trái cây và rau quả có thể giúp giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh nghiêm trọng, như bệnh tim, đột quỵ, béo phì, huyết áp cao, cholesterol trong máu, tiểu đường, bệnh thận, loãng xương và một số loại ung thư” – Ds. Lê Kim Phụng.

Thành phần dinh dưỡng trong trái cây:-80-90% nước.– Các chất khoáng 0,6 – 1,8%; hơn 60 nguyên tố, trong đó các nguyên tố chính là: K, Na, Ca, Mg, Fe, Mn, Al, P. Cl, S.– Carbonhydrate là thành phần chính của trái cây và chiếm 90% trọng lượng chất khô. Đa số đường đơn như glucose, fructose, maltose và một ít sucrose, tinh bột và chất nhày (pectin).– Chất béo dưới 0.5%, chỉ có nhiều trong các loại hạt (18-55%).– Acid hữu cơ như acid citric trong cam và chanh, acid malic của táo và acid tartaric của nho. Các acid này cung cấp cho trái cây vị chua và làm chậm sự hư hỏng của vi khuẩn.– Vitamin A, B, C, E hàm lượng cao.– Enzyme, một số trái cây có chứa enzyme như dứa, đu đủ…– Nguồn màu sắc sắc tố diệp lục, carotenoids.– Nhóm hợp chất hữu cơ Flavonoid gồm anthocyanin tím, xanh và đỏ của nho, cà tím và anh đào, flavon màu vàng của trái cây và hợp chất polyphenol tannin góp phần chống oxy hóa rất cao.

Ds. Lê Kim Phụng

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Bỏ túi bốn công thức món nước giải nhiệt, tăng sức...

0
(SGTT) - Trong các món thức uống hằng ngày, chỉ cần thêm chút khéo léo chọn lựa nguyên liệu cũng như chế biến là...

Vì sao bạn nên ăn một quả táo mỗi ngày?

0
(SGTTO) - Táo là loại trái cây quen thuộc không chỉ vì hương vị giòn ngọt hấp dẫn mà còn nhờ vào một số...

Sấy lạnh có giữ nguyên hương vị, chất dinh dưỡng của...

0
(SGTTO) - Người tiêu dùng ngày nay vừa muốn bảo quản thực phẩm được lâu nhưng cũng muốn giữ hương vị thơm ngon và...

Kết nối