(SGTT) - Dù thu hút vốn đầu tư vượt trội với năm đầu tiên vượt 1 tỉ đô la, trong năm 2023, tại các khu chế xuất và khu công nghiệp ở TPHCM có đến hơn 22.000 người lao động mất việc làm.
- Cơ hội việc làm cho gần 30.000 người lao động dịp Tết
- Thu nhập của người lao động tăng giảm ra sao trong năm 2023
Thông tin trên được lãnh đạo Ban quản lý các khu chế xuất (KCX) và khu công nghiệp (KCN) TPHCM (Hepza), chia sẻ tại cuộc gặp gỡ báo chí vào ngày 24-1 về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024.
Hepza cho biết, tính đến cuối năm 2023, tổng số lao động đang làm việc trong KCX, KCN còn 252.057 người, giảm 8% (tương đương giảm gần 22.200 người) so với năm liền kề trước đó.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Hepza, nguyên nhân là do kinh tế khó khăn, thiếu đơn hàng sản xuất, dẫn đến doanh nghiệp cắt giảm nhân sự. Đa số trong đó là những doanh nghiệp thâm dụng lao động như lĩnh vực dệt may, da giày… Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã chủ động thực hiện việc đầu tư cải tiến máy móc, dây chuyền và tối ưu hóa công nghệ nên giảm lượng lao động.
Về vấn đề này, theo ông Hưng, Hepza đã kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết chế độ, chính sách cho người lao động đúng quy định. Phối hợp giải quyết các vướng mắc trong quá trình giảm lao động và giới thiệu việc làm cho người lao động.
Cũng theo ông Hưng, với tình hình kinh tế khó khăn kéo dài từ sau dịch Covid 19, dự báo năm 2024 lượng người lao động về quê đón Tết sẽ giảm so với năm 2023, do đó số người làm việc lại sau Tết sẽ ít biến động.
Qua khảo sát tình hình lao động, việc làm của các doanh nghiệp trong KCX, KCN, trong 6 tháng đầu năm 2024, bên cạnh một số doanh nghiệp giảm lao động, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng.
Theo thống kê của Hepza, tổng số lao động dự kiến tuyển dụng trong nửa đầu năm nay là hơn 10.500 người. Trong đó, lao động có trình độ đại học trở lên là gần 1.000 người; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp là hơn 550 người; lao động phổ thông là hơn 8.700 người.
Theo ông Hưng, khoảng 60% lượng lao động cần tuyển này là do nhu cầu của những dự án đầu tư mới đến thời điểm đi vào hoạt động nên cần tuyển dụng người lao động vào làm việc. Khoảng 40% lượng lao động còn lại là do các doanh nghiệp sản xuất có đơn hàng trở lại nên tuyển vào để đáp ứng cho việc sản xuất.
Năm đầu tiên thu hút vốn đầu tư vượt 1 tỉ đô la
Năm 2023, tổng vốn đầu tư vào các KCX và KCN ở TPHCM (cả cấp mới và điều chỉnh) vượt mức 1 tỉ đô la Mỹ, tăng 84% so với năm 2022. Suất đầu tư (tính trên các dự án mới, tăng vốn có sử dụng đất) là 8,1 triệu đô la/ha.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, đây là năm đầu tiên thu hút đầu tư vào các KCN-KCX của thành phố vượt mốc 1 tỉ đô la, tăng vọt so với con số khoảng 480 triệu – 800 triệu mỗi năm trong những năm trước.
Bên cạnh đó, do tập trung thu hút đầu tư vào các dự án công nghệ cao, giá trị gia tăng mà suất đầu tư cũng tăng với 8,1 triệu đô la/ha trong năm 2023 so với mức khoảng 5,5 triệu đô la trong giai đoạn trước và mức 7,2-7,2 triệu đô la/ha trong năm 2022.
Dù quỹ đất cho thuê giảm so với những năm trước nhưng vốn đầu tư tăng cao nhờ tập trung trong việc thu hút đầu tư chất lượng, giá trị gia tăng. “Tình hình cho thấy bắt đầu có những ngành nghề về Data center, công nghệ thông tin, viễn thông, cơ khí chế tạo công nghệ cao… vào các KCX và KCN”, ông Hưng nói.
Theo Trưởng Hepza, trong số này có dự án của Viettel đầu tư lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ thông tin có tổng vốn 624 triệu đô la sử dụng diện tích rất nhỏ, khoảng 4 ha. Đây cũng là dự án đóng góp đáng kể để năm qua thu hút vốn đầu tư của khu vực này tăng đột biến.
Cụ thể, tổng vốn đầu tư nước ngoài thu hút đạt hơn 222 triệu đô la, tăng 13,38% so với năm 2022. Tổng vốn đầu tư trong nước là hơn 789,3 triệu đô la, tăng 123,94% so với năm 2022.
Lê Hoàng