(SGTT) - Vụ việc “thổi giá” bộ xét nghiệm nhanh Covid-19 (hay còn gọi là kit test) tại Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) vừa bị phanh phui đã gây chấn động dư luận. Hành vi thông đồng “thổi giá” này chính là sự “ăn dày” trên sức khỏe của người dân.
- Thủ tướng yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á
- Nhìn lại lịch sử của Công ty Việt Á ‘thổi’ giá kit xét nghiệm Covid-19
Liên quan vụ việc này, hàng loạt UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước chỉ đạo ngành y tế kiểm tra lại việc mua bán và sử dụng bộ kit test này. Ngoài một số địa phương khẳng định không mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á, tính đến ngày 21-12 đã có những thông tin về một số tỉnh thành, cơ sở y tế trên cả nước mua sản phẩm từ công ty này.
- Sau vụ án kit test nhanh, Bộ Y tế bổ sung việc thanh tra mua sắm trang thiết bị y tế
- Nhu cầu xét nghiệm Covid-19 cao, Sở Y tế TPHCM công khai chi phí xét nghiệm tại các cơ sở
Thổi giá kit xét nghiệm Covid-19: Ăn chia trên hoạn nạn của nhân dân
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin, tối 18-12-2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu, nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19 xảy ra tại Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương).
Theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, Công ty Việt Á đã cung ứng kit test Covid-19 cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu khoảng gần 4.000 tỉ đồng.
Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu xét nghiệm Covid-19 của các địa phương trên cả nước, ông Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Theo đó, thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (công ty liên danh, công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do đơn vị này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất.
Chi hoa hồng "khủng"
Theo Tuổi trẻ Online, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/kit; thỏa thuận và chi tiền phần trăm hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Trước khi bị bắt, Phan Quốc Việt được coi là đại gia mới nổi trong ngành thiết bị y tế tại Việt Nam.
Các tỉnh, thành phố nào sử dụng kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Á?
- Long An
Theo VOV.vn, Sở Y tế Long An cho biết đơn vị này đã mua kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á với mức giá từ 400.000 đến hơn 500.000 đồng/bộ là giá đăng trên cổng thông tin của Bộ Y tế
Đơn vị này đã mua 10.000 kit xét nghiệm nhanh của Công ty Việt Á theo đúng mức giá mà Bộ Y tế có thông tin. Sau giai đoạn bùng dịch, có thêm một số đơn vị khác cung cấp, chào hàng các bộ kit test giá rẻ hơn nên các cơ quan ở Long An đã ngừng mua bộ kit test của Công ty Việt Á.
- Đắk Lắk
Ngày 21-12, ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, khẳng định, tỉnh đã mua hơn 20.000 kit xét nghiệm Covid-19 từ công ty này, giá 367.000 đồng/1 kit.
Về quy trình thủ tục mua sắm, ông Nay Phi La khẳng định việc mua kit xét nghiệm Covid-19 ở tỉnh đều được CDC lập kế hoạch. Các bước tiến hành phù hợp quy trình, quy định hiện hành.
- Đồng Tháp
Ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết địa phương có mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á gồm CDC Đồng Tháp và Bệnh viện Đa Khoa Đồng Tháp.
Hiện nay, địa phương đang tổ chức hai đoàn đi kiểm tra việc mua kit xét nghiệm là Sở Tài chính và Sở Y tế, hiện đoàn vẫn đang trong quá trình kiểm tra, tổng hợp số lượng để báo cáo tỉnh.
- Đồng Nai
Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, xác nhận năm 2020, có ba đơn vị trực thuộc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai mua kit test xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á với mức giá 509.250 đồng/bộ, tổng số tiền gần 3 tỉ đồng.
Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long như Trà Vinh, Tiền Giang… hầu hết cũng chỉ định thầu kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á để phục vụ sớm cho công tác dập dịch và xét nghiệm sàng lọc. Hơn nữa, giá bộ kit test đã được công bố công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế, vì thế các địa phương đều tin tưởng sử dụng sản phẩm.
Bộ Y tế nói gì về vụ “thổi giá” kit xét nghiệm Covid-19?
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 21-12, Bộ Y tế khẳng định đã thực hiện đúng quy định trong cấp phép lưu hành sinh phẩm xét nghiệm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, báo Tiền Phong đưa tin.
"Tất cả các sản phẩm cấp phép đều đã được đánh giá đạt yêu cầu, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng của Việt Nam và đảm bảo đúng theo các quy định hiện hành. Các sản phẩm sau khi được cấp phép đều được theo dõi chất lượng và tính ổn định", Bộ Y tế khẳng định.
Tính đến ngày 20-12, Bộ Y tế đã cấp phép 146 sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2, trong đó có 46 sinh phẩm xét nghiệm vật liệu di truyền (PCR, LAMP) tương tự như sản phẩm của Việt Á và Công ty cổ phần Sao Thái Dương (bao gồm 7 sinh phẩm sản xuất trong nước và 39 sinh phẩm nhập khẩu). Bộ Y tế xác định việc cấp phép cho nhiều sản phẩm là để tăng cường nội địa hóa, chủ động nguồn cung và tạo sự cạnh tranh về giá sinh phẩm xét nghiệm.
Ngoài ra, Bộ Y tế cho biết việc cấp phép của Bộ Y tế đối với sản phẩm của Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á và các nhà sản xuất khác không phụ thuộc vào danh sách do WHO công bố.
Để làm rõ vấn đề này, Bộ Y tế chứng minh tính đến nay, đối với sinh phẩm xét nghiệm RT-PCR, theo danh sách EUL của WHO có 23 sản phẩm được phê duyệt; trong khi đó tại Châu Âu đã chấp thuận 589 loại sinh phẩm, Mỹ chấp thuận sử dụng 276 loại sinh phẩm, Hàn Quốc chấp thuận sử dụng trong nước 31 sinh phẩm...
Minh Thảo tổng hợp
Chỉ một ngữ thôi : Dã man!