Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Tô Hoài “thực sự la đà theo bước chân mình”

Tác phẩm Dế mèn phiêu lưu ký được bắt đầu như thế này: “Tôi sống độc lập từ thủa bé. Ấy là tục lệ lâu đời trong dòng họ dế chúng tôi”.

Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài xuất hiện vào năm 1941. Năm đó, ông 21 tuổi; làm thư ký Ban trị sự hội Ái hữu thợ dệt Hà Đông. Hai năm sau, ông tham gia tổ chức Văn hóa Cứu quốc. Hai năm sau nữa, Cách Mạng tháng Tám diễn ra.

Tuy nhiên, lý do những cuộc phiêu lưu của chú dế mèn trên trang sách đồng thoại mà thiếu nhi Việt Nam mọi thời lẫn thiếu nhi quốc tế yêu thích lại chẳng mảy may gợi liên tưởng gì đến những chọn lựa có tính chính trị thời cuộc của tác giả trong giai đoạn đó. Nói cách khác, cũng mang một khát vọng tự do, nhân ái và hòa bình, nhưng cuộc phiêu lưu trong cái tinh thần “độc lập từ thủa bé” của chú dế mèn có tính phổ quát, sâu rộng, hồn nhiên và phóng khoáng hơn cuộc hành trình của chàng thanh niên xuất thân từ gia đình thợ thủ công ở Nghĩa Đô dò dẫm bước chân vào một cuộc hành trình văn chương mà ở đó, không phải bao giờ con người ta cũng được sống thuần túy cho văn chương.

Nhà văn Tô Hoài (1920 - 2014). Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Tô Hoài (1920 – 2014). Ảnh: Nguyễn Đình Toán

[box] Tô Hoài

Tên thật: Nguyễn Sen, sinh năm 1920; lớn lên trong một gia đình làm thợ thủ công ở làng Nghĩa Đô, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ngoài bút danh Tô Hoài được đa số độc giả văn học Việt Nam biết tới, ông còn một số bút danh khác: Mắt Biển, Thái Yên, Vũ Đột Kích, Hồng Hoa, Duy Phương, Mai Trang…

Ông là tác giả quan trọng trong nền văn học hiện đại Việt Nam, với hơn 150 đầu sách. Một số tác phẩm của Tô Hoài vào chương trình ngữ văn giáo khoa phổ thông. Các tác phẩm viết cho thiếu nhi của ông đã trở nên quen thuộc với nhiều thế hệ độc giả Việt Nam: Đảo hoang, Chim chích lạc rừng, Chuyện ông Gióng… Đặc biệt, cuốn Dế mèn phiêu lưu ký của Tô Hoài trở thành cuốn sách thiếu nhi được tái bản nhiều nhất tại Việt Nam, được dịch và xuất bản tại 30 quốc gia trên thế giới.

Ông qua đời vào trưa 6-7-2014.[/box]

Nhìn lại tiểu sử của tác giả, có thể nhận thấy sự thống nhất trong lựa chọn lý tưởng sống – một nhà văn theo cách mạng thuần thành. Điều này thể hiện rõ qua quãng thời gian ông làm báo Cứu Quốc cho đến giữ chức Thư ký tòa soạn ở Tạp chí Văn nghệ và cả sau này, làm công tác lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn nghệ Hà Nội… Ở những vị trí này, tạm gọi, ông là người có quyền bính trong giới văn nghệ chính thống, song, điều thú vị mà qua những trang hồi ức trong bộ đôi Cát bụi chân ai (1992) và Chiều chiều (1997), có thể thấy ông vẫn giữ cái tình nghĩa, sự dung hòa nhất định đối với những bạn bè văn chương không cùng lập trường, bị coi “có vấn đề”, đặc biệt là những nghệ sĩ liên quan đến Nhân Văn Giai Phẩm. Và con người có tình, hiền hậu, biết xử thế sao cho hài hòa đó được nhắc đi nhắc lại qua các trang viết của Bùi Ngọc Tấn (trong Viết về bè bạn) hay Vũ Bão (trong Rễ bèo chân sóng)…

Nghĩa là trong con người của Tô Hoài dường như phân định rất rõ ràng, tách bạch giữa một bên là chuyện lý tưởng chính trị được cụ thể hóa qua phận sự được giao với một bên là một người viết, với sự tôn trọng các giá trị tự do sáng tạo, sự đa dạng mà chốn văn chương cần có. Thật ngạc nhiên khi chính ông viết ra những dòng phê phán trực diện cách quản lý văn nghệ một thời như thế này: “Có một thời, những người theo dõi báo chí, xuất bản và phát hành sách báo được phong làm lính gác. Lính gác thì phải có công việc của lính gác, chẳng lẽ ăn lương để đứng không. Nhưng thật ra người ta chỉ đọc a dua rồi đánh đòn hội chợ. Cấp trên hô người ấy, bài ấy có vấn đề. Tự nhiên cảm thấy hình như có vấn đề thật và người ta dò tìm từng câu từng chữ. Thế nào chẳng ra vấn đề! Bỗng khó chịu cả cách diễn đạt khác nhau của mỗi ngòi bút, thế là làm sao. Không biết vì tổ chức đặt ra công tác theo dõi bỗng nhiên được làm thầy thằng bị (được) theo dõi. Hay tại vì thuở nhỏ đi học, nhà trường chưa bao giờ giảng cho các vị ấy khi còn là học sinh hiểu bài văn muốn có ý nghĩa, trước hết bài văn phải hay. Khôn thay người ta viết văn thất bại nhưng vẫn làm cán bộ theo dõi được. Cái nhìn sự sáng tạo cứ lên xuống theo thời tiết. Nguyễn Tuân cáu kỉnh nhẹ nhàng và chua chát: – Có khi mày bảo chúng nó viết đi, để ông với mày đi chơi, thế là bớt được thằng công tác theo dõi!” (trang 75, Cát bụi chân ai, Tô Hoài, Phương Nam Book & NXB Hội nhà văn, 2014).

Và điều đó làm cho ông được bạn bè văn giới, dù đứng về phía nào, cũng có cái nhìn gần gũi thân thiện (hay ít ra, không oán ghét). Sự điềm đạm (và cả khéo léo nữa) giúp cho ông đi qua những lắt léo của thế giới quyền lực văn-nghệ-công-cụ một thời, vẫn hoàn thành nhiệm vụ, sứ mệnh một cách trọn vẹn.

Có lẽ phía sau con người hài hòa đó, ngoài một bản lĩnh, tài năng, còn là cái tâm thế nhân ái. Và cũng điều đó tạo nên một sự tỉ mỉ, chu đáo trong văn phong, tinh tế trong lối kể, từ những tác phẩm trước năm 1945 như Giăng thề (1943), Xóm Giếng ngày xưa (1944) cho đến sau này, Truyện Tây Bắc (1953) hay Miền Tây (1967)… Dù mô tả cảnh nghèo nông thôn, sự bức bách của thực tế dẫn đến những chọn lựa lý tưởng sống của người nông dân miền núi hay những trang văn cố gắng hướng đến sự trung thực và thấu hiểu đời sống ở chừng mực cao nhất có thể.

Ngoài mảng truyện đồng thoại, viết lại truyền thuyết cho thiếu nhi, thì có thể nói, suốt đời văn Tô Hoài là sự trung thành với hành trình khám phá và phản ánh hiện thực. Từ đây, ông quá hiểu hiện thực để trở nên khéo léo trong mọi hành xử đời sống. Và ông trong hành xử với cá nhân mình, ông cũng quá hiểu điều gì quan trọng nhất cho một đời văn.

Hơn 150 tác phẩm để lại cho nền văn học có thể sẽ chỉ là một con số khổng lồ về sự lao động nhiệt thành. Nhưng điều đáng nói hơn, ông tạo ra một nghệ thuật kể chuyện bậc thầy trong văn xuôi Việt Nam hiện đại, ông để lại cho văn học, văn hóa những trang tư liệu quý giá về giai thoại, phong tục, đời sống từ Tây Bắc đến Hà Nội, cả những tư liệu văn chương ở vào một thời đoạn đầy phức tạp, theo cách nói của ông là “vào quãng giữa thế kỷ này, thành phố và con người đều trải nhiều quãng đời chằng mắt xích với nhau” (Cát bụi chân ai)…

Cuối cùng, cái đáng nói nhất trong sự nghiệp của một nhà văn, vẫn là tác phẩm. Con dế mèn vô danh từng gáy đâu đó bên bờ đê Nghĩa Đô năm 1941, tới nay đã cất tiếng gáy ở khoảng 30 quốc gia trên thế giới, như một đặc sản đến từ nền văn học Việt Nam hãy còn chìm khuất trên bản đồ văn học thế giới hiện đại. Quan trọng hơn, đó cũng là thanh âm đồng quê trong trẻo mà nhiều thế hệ tuổi thơ Việt Nam mê say, muốn được nghe.

Khi hay tin nhà văn Tô Hoài qua đời vào trưa 6-7-2014, tâm trí tôi sáng lên nụ cười hồn hậu, giọng kể tỉ mỉ mà thật thâm thúy của ông. Và nghe đồng vọng những câu trong đoạn kết của Dế mèn phiêu lưu ký:

“Rồi tôi bàn với Trũi một cuộc đi mới.

Ngày nào, cuộc đi mới ấy, cuộc phiêu lưu rời quê hương lần thứ ba ấy xong, bấy giờ chúng tôi mới thực sự la đà theo bước chân mình”.

Hình như có cả một lời hò hẹn dài lâu với người đọc: “Ước ao trong cuộc đi vô cùng hào hứng đương tới, chúng ta còn được gặp nhau”.

[box] “Tô Hoài là người viết đều, viết nhiều, sử dụng nhiều thể loại văn xuôi trong khi viết. Có vẻ như ông coi trọng lượng hơn trọng chất, nhưng nếu xét cho kỹ, ở thể loại nào ông cũng có một số cuốn có đóng góp đáng kể. Ông là người góp phần khai thác đề tài miền núi và có những tác phẩm đặt thành tựu chắc chắn cho đề tài này. Ông cũng có nhiều tác phẩm cho thiếu nhi được bạn đọc nhỏ tuổi ưa thích. Năng lực quan sát và miêu tả tinh tường, sắc nhạy, vốn hiểu biết đời sống và phong tục các dân tộc phong phú, lối văn giàu hình ảnh và biến đổi nhịp điệu nhanh hoạt, những tìm tòi sáng tạo mới mẻ, độc đáo về từ ngữ, về phương ngữ… có thể coi đó là những nét nổi bật trong sáng tác của Tô Hoài góp vào văn xuôi hiện đại Việt Nam”.

(Nguyễn Văn Long và Nguyễn Huệ Chi, trang 1749, Từ điển Văn học, Bộ mới, do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Trần Hữu Tá, Phùng Văn Tửu chủ biên, thư ký: Đặng Thị Hảo, Vũ Thanh; NXB Thế giới ấn hành năm 2004)[/box]

 Nguyễn Vĩnh Nguyên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Kết nối