Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Tìm lối ra cho bảo hiểm nông nghiệp

Thuỳ Dung –

Bảo hiểm nông nghiệp sau ba năm thí điểm vẫn gần như “nằm im”, thay vì được mở rộng trên cả nước như kỳ vọng. Những người trong ngành cho rằng điều này là do vẫn chưa xây dựng được một thị trường bảo hiểm theo cơ chế thị trường.

Án binh bất động

Nông nghiệp là lĩnh vực trọng tâm trong phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đóng góp 70% nguồn thu nhập cho dân số nông thôn Việt Nam. Ngành này đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều rủi ro. Sản xuất nông nghiệp ngoài việc phải chịu các rủi ro nội tại như nguồn giống, dịch bệnh, kỹ thuật, còn đang phải đối mặt với rủi ro rất cao từ bên ngoài như thời tiết, khí hậu bất thường, thiên tai bất ngờ.

Tác động của các hiện tượng thời tiết thất thường trong năm vừa qua diễn ra nhanh hơn dự kiến so với kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng, theo đó sẽ có khoảng 17,2% số hộ nông dân phải chịu những cú sốc từ thiên nhiên. Điều này đặt ra yêu cầu cấp bách cho ngành nông nghiệp phát triển ổn định và giữ mức tăng trưởng như hiện nay.

Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới chỉ ra rằng, bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) là một công cụ hiệu quả để giảm thiểu rủi ro trong sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội. Tại diễn đàn “Bảo hiểm nông nghiệp: nhận diện thách thức, thúc đẩy tăng trưởng” diễn ra gần đây, ông Tăng Minh Lộc, Phó chủ tịch Hội khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam, cho biết một trong những nguyên tắc của BHNN là những người tham gia phải thực hiện đầy đủ quy trình sản xuất đã được thống nhất, có như vậy thì khi gặp rủi ro do thiên tai mới được đền bù. Điều này vô hình trung bắt buộc người nông dân phải thực hiện đúng quy trình sản xuất, giúp cho sản xuất đảm bảo an toàn hơn, năng suất chất lượng hơn, giảm giá thành hơn, làm tăng thu nhập của nông dân.

Sau ba năm thí điểm, bảo hiểm nông nghiệp vẫn gần như “nằm im”, chưa được mở rộng trên cả nước như kỳ vọng. Ảnh: Trung Chánh

Nhận thức được tầm quan trọng của BHNN, trong giai đoạn 2011-2013, Chính phủ đã cho thí điểm BHNN theo Quyết định số 315 tại 20 tỉnh, với chín nhóm sản phẩm. Tháng 8-2014, Bộ Tài chính và Bộ NN&PTNT tổng kết thí điểm và sau đó, tháng 9-2014, Văn phòng Chính phủ đã thông báo ý kiến về việc tiếp tục triển khai BHNN. Thế nhưng từ thời điểm đó tới nay, việc thực hiện BHNN dường như vẫn “án binh bất động”.

Bà Hoàng Thị Tính, Phó chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC), cho biết sau ba năm thực hiện Quyết định 315, doanh thu phí bảo hiểm đạt 394 tỉ đồng nhưng phải giải quyết bồi thường lên tới 713 tỉ đồng cho người mua bảo hiểm, trong đó chủ yếu là lĩnh vực thuỷ sản, lên tới 306% doanh thu.

“Mô hình triển khai thí điểm BHNN này khó nhân rộng ra toàn quốc, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm thủy hải sản, bảo hiểm vật nuôi”, bà Tính nói và giải thích, mức độ tổn thất hàng năm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp rất cao, ước tính 1,5%-2% GDP. Rủi ro như vậy đòi hỏi doanh nghiệp bảo hiểm phải có mức vốn lớn và có rất đông người tham gia bảo hiểm để đảm bảo không bị lỗ trong kinh doanh.

Cơ sở dữ liệu thống kê quốc gia về quy mô và mức độ tổn thất lại không đầy đủ và chi tiết nên không có cơ sở định phí rủi ro phù hợp. Mô hình sản xuất nông nghiệp trong khu vực nông thôn phổ biến là quy mô nhỏ, manh mún, cách thức nuôi trồng không bài bản và không theo quy trình chuẩn, thiếu các giải pháp phòng vệ và quản lý rủi ro khi có thiên tai dịch bệnh xảy ra.

Các doanh nghiệp bảo hiểm và nhà tái bảo hiểm chưa có nhiều kinh nghiệm về BHNN ở Việt Nam, đặc biệt là khâu đánh giá rủi ro định phí bảo hiểm và giám định tổn thất… Cơ chế khuyến khích tham gia vào chương trình bảo hiểm nông nghiệp của khối ngân hàng còn thiếu, trong khi đây là chủ thể thực hiện các chương trình, chính sách lớn của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp nông thôn.

Nên tiếp tục thí điểm

Theo các chuyên gia, dù đã đạt được một số thành công nhưng Nghị quyết 315 còn gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là tình trạng trục lợi. Điều này một phần là do thị trường có quá ít doanh nghiệp tham gia, chỉ có hai tập đoàn lớn là Bảo Việt và Bảo Minh. Bên cạnh đó, số nông dân tham gia chủ yếu là hộ nghèo và cận nghèo, tham gia với mục đích được hỗ trợ phí từ phía Nhà nước mà không xuất phát từ nhu cầu muốn giảm thiểu rủi ro trong hoạt động sản xuất của mình.

“Đây không phải là thị trường bảo hiểm theo cơ chế thị trường với nhiều người bán và nhiều người mua”, ông Đặng Kim Khôi, chuyên gia Viện chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) nói.

Ông Lộc của Hội khoa học phát triển nông nghiệp Việt Nam cho rằng cần tiếp tục thực hiện thí điểm, nhưng nên chọn đối tượng tham gia bảo hiểm. Thay vì trước đây chọn đối tượng nghèo và cận nghèo thì nay phải quan tâm nhiều hơn đến đối tượng có kinh nghiệm sản xuất hàng hoá và có nhu cầu tham gia bảo hiểm để giảm thiểu rủi ro, chẳng hạn như những hộ nông dân, chủ trang trại và doanh nghiệp làm nông nghiệp.

Ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài Chính cho hay, bộ đang xây dựng dự thảo nghị định về bảo hiểm nông nghiệp theo hai hướng. Thứ nhất là BHNN phải được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thoả thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn.

Thứ hai là chính sách hỗ trợ BHNN được thực hiện phù hợp với khả năng cân đối ngân sách từng thời kỳ, thông qua việc hỗ trợ một phần phí bảo hiểm nông nghiệp cho một số tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và trong phạm vi địa bàn nhất định nhằm thực hiện chính sách an ninh xã hội và phát triển nông nghiệp bền vững của Chính phủ.

Đồng thời, dự thảo nghị định xây dựng các quy định cụ thể về kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng chống gian lận bảo hiểm nhằm đảm bảo hai chính sách nêu trên được triển khai mạnh, bền vững và hiệu quả.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối