Trung Chánh -
Nói đến thất thoát sau thu hoạch, nhiều người chỉ nghĩ đến những hư hại trong quá trình tồn trữ, lưu kho mà ít khi nghĩ đến việc tiêu dùng không hiệu quả. Đây cũng là một dạng thất thoát. Vấn đề là làm thế nào để giảm thất thoát trong bối cảnh tình trạng này diễn ra phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Ở mức báo động
Tại hội thảo “Công nghệ sau thu hoạch của Israel- chìa khóa dẫn đến thành công” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Đại sứ quán Israel tổ chức tại thành phố Cần Thơ tuần qua, ông Ron Porat của Viện khoa học sau thu hoạch ARO thuộc Trung tâm Volcani của Israel, cho biết thất thoát sau thu hoạch trên phạm vi toàn cầu đang ở mức báo động.
Ông Porat dẫn một số nghiên cứu do Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) dẫn đầu cho thấy, có từ 33-50% (tương đương 1,3 đến 2 tỉ tấn) lương thực được sản xuất ra trên toàn cầu bị thất thoát trong chuỗi phân phối. “Đặc biệt đối với rau củ quả, tổn thất lên tới 55%, còn ngũ cốc (lúa gạo, lúa mì, bắp) bị tổn thất từ 20-35% trên phạm vị toàn thế giới”, ông cho biết và nói rằng nếu quy ra lượng đây cũng sẽ là một con số rất lớn.
Một nghiên cứu về các loại thiết bị nông nghiệp được thực hiện trong năm 2015 cho thấy, việc sử dụng các loại thiết bị này tạo ra tổn thất rất nhiều. “Một số nghiên cứu tại các nước Đông Nam Á cho thấy, lượng gạo bị thất thu khoảng 37-80% trên toàn bộ lượng gạo được sản xuất ra”, ông Porat cho biết. Tại Ấn Độ, có đến 21 triệu tấn lúa mì bị lãng phí hàng năm do không được bảo quản tốt và hệ thống phân phối yếu kém.
Còn ở Việt Nam, ông Nguyễn Phương Lam, quyền Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, dẫn báo cáo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hàng năm Việt Nam thất thoát khoảng 40-45% sản phẩm trong ngành nông nghiệp. “Riêng ngành lúa gạo, hiện nay cả vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khoảng 20 triệu tấn lúa sản xuất hàng năm và chúng ta thất thoát khoảng 10%, tương đương 2 triệu tấn/năm”, ông Lam cho biết.
Còn tính toán của CEL Consulting trong một cuộc khảo sát do đơn vị này thực hiện, mỗi năm, Việt Nam lãng phí 694.000 tấn thịt, 7 triệu tấn rau củ quả các loại, 805.000 tấn thủy hải sản trong quá trình bảo quản sau nuôi trồng, đánh bắt và vận chuyển. Bên cạnh đó, có 168 triệu trái chuối, 11.000 con heo và 139.000 con gà bị thất thoát mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo ông Porat, để đánh giá tổn thất lương thực, thực phẩm một cách toàn diện, cần đánh giá trên năm công đoạn khác nhau, từ sản xuất thu hoạch, bảo quản, chế biến đóng gói, buôn bán (tiếp thị) và tiêu thụ.
Chẳng hạn, với sản phẩm cà chua, phải có đánh giá tổn thất ở nhà vườn thế nào, tổn thất bảo quản ra sao, sau thu hoạch thế nào, trong quá trình đóng gói ra sao và cuối cùng là tổn thất trong quá trình tiêu thụ tại nhà hàng hoặc gia đình người tiêu dùng.
“Tổn thất có thể xảy ra từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ (bán hàng) và tiêu dùng ở nhà. Chính vì vậy, chúng ta cần tập trung xem bao nhiêu phần trăm tổn thất ở từng công đoạn và công đoạn nào nhiều hơn”, ông Porat nói. Trên cơ sở tính toán tổn thất lương thực, thực phẩm phát sinh nhiều nhất ở công đoạn nào sẽ tính toán cách ứng phó phù hợp với tổn thất ở mỗi công đoạn đó.
Đâu là giải pháp?
Theo ông Porat, cách thứ nhất để giảm tổn thất là bắt đầu từ giống. Giống tốt sẽ cho sản phẩm chất lượng tốt, năng suất cao và đồng thời giảm được thất thoát sau thu hoạch vì thời gian bảo quản được lâu. “Khi làm việc ở TPHCM, tôi thấy có một số loại xoài ăn rất ngon, rất ngọt nhưng thời gian bảo quản rất ngắn. Trong khi đó, một số loại có thời gian bảo quản được lâu thì ăn không ngon”, ông Porat nói và giải thích, loại có thời gian bảo quản ngắn do có vỏ mỏng hơn loại bảo quản được lâu.
Xử lý vấn đề trên, theo ông, cần lai tạo giữa giống có chất lượng ngon nhưng thời gian bảo quản ngắn với giống không ngon nhưng thời gian bảo quản lâu để cho ra sản phẩm vừa có chất lượng ngon vừa có thời gian bảo quản lâu.
Một cách khác để giảm tổn thất sau thu hoạch, theo ông Porat, là tiệt trùng và diệt khuẩn bám trên bề mặt trên sản phẩm. “Một trong những vấn đề quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến thời gian bảo quản của rau quả là vi khuẩn, côn trùng bám lên sản phẩm. Đó là vấn đề cần khắc phục”, ông Porat nói.
Theo ông, một trong những cách khắc phục vấn đề trên là sử dụng công nghệ nhiệt thông qua các thiết bị công nghệ hơi nước nóng để xịt rửa rau quả. “Bằng cách đó, trái ớt chuông có thể bảo quản được sáu tuần, trong khi không sử dụng công nghệ này chỉ bảo quản được ba tuần”, ông Porat nói và dẫn chứng Israel đã có thể xuất khẩu ớt chuông sang Canada và Mỹ, trong khi trước đây không làm được vì không bảo quản được lâu.
Một phương pháp khác, là thực hiện kiểm soát sinh học, nghĩa là thay vì dùng sản phẩm thuốc diệt nấm, các nhà khoa học Israle dùng công nghệ nấm men, không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng chống lại được vi khuẩn có hại bám lên bề mặt sản phẩm nông sản. “Nói một cách đơn giản, chúng tôi nghiên cứu ra một loại nấm có lợi và sử dụng chúng để tiêu diệt các bào tử nấm có hại bám lên bề mặt sản phẩm nông nghiệp”, ông Porat cho biết.
Ông cũng giới thiệu về công nghệ Mega Air, nghĩa là bảo quản nông sản thực phẩm trong một phòng lạnh, sau đó, hút hết không khi trong phòng ra và đưa khí sạch ngược trở lại. “Công nghệ này giúp loại bỏ vi khuẩn có trong không khí, và rau quả sẽ được bảo quản, giữ sạch trong phòng lâu hơn”, ông cho biết.
Ông Lam của VCCI Cần Thơ cho biết, trong bối cảnh áp lực các hiệp định thương mại tự do, các nước nhập khẩu sẽ có những yêu cầu cao hơn về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. “Vì vậy, doanh nghiệp cần phải tiếp cận và nhanh chóng ứng dụng công nghệ vào sản xuất và bảo quản sản phẩm, nhất là những doanh nghiệp nhắm đến xuất khẩu vào những thị trường khó tính”, ông Lam cho biết.