Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Tìm cách cứu ngành cá tra

Trung Chánh

Sau giai đoạn phát triển mạnh, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã bộc lộ nhiều yếu kém, đòi hỏi phải tái cấu trúc để tạo ra đột phá mới.

Mất thế độc quyền

Trước đây Việt Nam gần như là quốc gia duy nhất sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra nhưng hiện nay loại thủy sản này đã được một số nước trong khu vực sản xuất thành công. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius), hiện sản lượng cá tra nuôi tại Indonesia đã đạt khoảng 500 tấn/năm, Ấn Độ khoảng 700 tấn/năm. Còn theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, hiện sản lượng cá da trơn (Catfish) của Việt Nam (mà chủ yếu là cá tra) chỉ còn chiếm khoảng 80-85% tổng sản lượng toàn cầu.

Giá xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm, kéo giá cá nguyên liệu trong nước giảm theo. Trong ảnh: nông dân Cần Thơ cho cá tra ăn. Ảnh: Trung Chánh
Giá xuất khẩu cá tra liên tục sụt giảm, kéo giá cá nguyên liệu trong nước giảm theo. Trong ảnh: nông dân Cần Thơ cho cá tra ăn. Ảnh: Trung Chánh

Không chỉ mất thế độc quyền, ngành cá tra gần đây cũng xuất hiện nhiều yếu kém, ảnh hưởng lớn đến khả năng phát triển chung của chuỗi ngành. Ông Võ Hùng Dũng, Tổng thư ký VN Pangasius, cho biết từ năm 2008 khó khăn của ngành cá tra đã xuất hiện và kéo dài cho đến nay, biểu hiện thông qua giá xuất khẩu liên tục sụt giảm, từ mức trên dưới 4 đô la Mỹ/kg xuống chỉ còn trên dưới 2,5 đô la Mỹ/kg. Điều này kéo theo giá cá nguyên liệu trong nước cũng liên tục sụt giảm.

Ngoài ra, theo ông Dũng, việc thị trường EU suy giảm, các vụ kiện chống bán phá giá ở thị trường Mỹ, sự cạnh tranh không lành mạnh trong nội bộ ngành… cũng là những nguyên nhân đẩy ngành hàng cá tra vào tình cảnh khó khăn như hiện nay.

Trên thực tế, báo cáo của VCCI Cần Thơ cho thấy từ năm 2011 đến nay xuất khẩu cá tra của Việt Nam tăng trưởng hầu như không đáng kể, kim ngạch xuất khẩu chỉ quanh mức 1,7-1,8 tỉ đô la Mỹ/năm.

Làm lại toàn bộ các khâu

Từ những yếu kém nói trên, VN Pangasius cùng các bộ, ngành liên quan đã đề ra kế hoạch tái cấu trúc ngành cá tra. Trong hai năm 2014 và 2015, hàng loạt hội thảo, hội nghị đã được tổ chức nhằm tìm cách giúp ngành này phát triển bền vững hơn.

Tại một hội nghị được tổ chức tại Đồng Tháp vào tháng 2-2015, nhiều nhà chuyên môn và doanh nghiệp đã khẳng định trong chuỗi ngành cá tra, từ con giống, nuôi, chế biến cho đến phát triển thị trường đều đang có vấn đề nên cần phải tái cấu trúc ở tất cả các khâu.

Đối với con giống, theo bà Trương Thị Lệ Khanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn, dù thời gian qua đã được Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 bổ sung đàn cá bố mẹ có chất lượng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; tình trạng dịch bệnh bùng phát ở các vùng nuôi vẫn xảy ra khá thường xuyên.

Trong khi đó, ông Dũng khuyến cáo nên tập trung phát triển tốt khâu phân phối bởi đây là điều kiện giúp giảm áp lực cạnh tranh phá giá giữa các doanh nghiệp. “Khâu sản xuất chiếm tỷ lệ giá trị gia tăng thấp nhất, còn khâu bán lẻ chiếm tỷ lệ cao nhất. Vì vậy, phát triển khâu bán lẻ hay mở rộng hệ thống phân phối là yếu tố sống còn, cần ưu tiên hiện nay”, ông Dũng nêu ý kiến.

Theo ông Dũng, sau khi xây dựng được hệ thống phân phối tốt thì sẽ quay trở lại tái cơ cấu khâu sản xuất giống, thiết lập quy trình nuôi hoàn chỉnh, chế biến theo tiêu chuẩn chất lượng. Song song đó, cũng cần sắp xếp luôn cả ngành chế biến thức ăn, thuốc thú y để tạo ra mặt bằng giá bán hợp lý và sản phẩm chất lượng hơn; ngành ngân hàng thì cần tạo điều kiện đáp ứng nguồn vốn thuận lợi hơn. “Trên cơ sở như vậy mới có thể giúp ngành cá tra phát triển bền vững được”, ông nhấn mạnh.

Ông Vũ Trọng Bình, Vụ trưởng Vụ Kinh tế địa phương thuộc Ban Kinh tế Trung ương, cho rằng cần giảm sản lượng bởi những khó khăn của ngành cá tra hiện nay là do cung vượt cầu. “Chúng ta cần phải xác định lại ngành cần bao nhiêu diện tích sản xuất, từ đó đưa cá tra vào diện sản xuất phải có điều kiện, phải được cấp giấy chứng nhận vùng nuôi”, ông nói.

Bên cạnh đó, cũng theo ông Bình, cần có cơ chế chống bán phá giá ngay trong nội bộ ngành và bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm. Mặt khác, cần mạnh tay cho phá sản, sáp nhập những doanh nghiệp yếu kém. Những đơn vị có khả năng vực dậy được thì nên có chính sách hỗ trợ vốn để phát triển sản xuất. “Chúng ta nên xây dựng một trung tâm nghiên cứu-phát triển để sản xuất giống có chất lượng; cung cấp những thông tin dự báo, đánh giá thị trường để doanh nghiệp chủ động hơn”, ông Bình đề xuất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Tuần hàng cá tra và đặc sản Đồng Tháp tại Hà...

0
(SGTT) - “Tuần hàng cá tra và đặc sản Đồng Tháp tại Hà Nội” sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11-10-2020...

Cá tra đồng bằng “đấu” cá thanh châu Âu

0
Huỳnh Kim Sản phẩm cá tra ở ĐBSCL, tới cuối năm 2014, với tên Pangasius, đã được xuất khẩu đến 151 quốc gia và vùng...

Loay hoay với chất lượng cá tra xuất khẩu

0
Trung Chánh Những người trong cuộc cho rằng việc lùi thời gian áp dụng quy định về tỷ lệ mạ băng và hàm ẩm trong...

Cá tra “dính lưới” vì kháng sinh

0
 Mới đây, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) dẫn nguồn tin từ hệ thống cảnh báo nhanh (RASFF)...

Doanh nghiệp chưa muốn áp dụng

0
Lấy lý do nhu cầu thấp và đối tác chưa chấp nhận nâng giá mua, nhiều doanh nghiệp chế biến cá tra vẫn chưa...

Tìm cách gia tăng giá trị cá tra

0
Một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra đang chuyển hướng, đầu tư vào công nghệ để gia tăng...

Kết nối