Thứ tư, Tháng mười hai 4, 2024

Tiêu “du lịch” giá cao vẫn hút khách

Cuối tuần rồi, các sạp bán tiêu ở chợ đêm Phú Quốc (Kiên Giang) và ở một số “vườn tiêu du lịch” trên đảo này đã thu hút khá đông du khách ghé tham quan và mua về dùng hoặc làm quà tặng, mặc dù giá tiêu đang ở mức cao nhất từ trước tới nay.

Một sạp đặc sản Phú Quốc ở đầu chợ đêm bán các túi tiêu đóng bao nylon nhãn hiệu Huỳnh Phước, ghi giá 280.000 đồng/kg tiêu đen, 320.000 đồng/kg tiêu sọ. Cô chủ sạp nói: “Đây là loại tiêu đặc biệt, bán theo giá niêm yết” và lưu ý khách đọc kỹ địa chỉ sản xuất trên bao bì.

Chúng tôi quan sát, trong vòng một giờ, có hơn 20 du khách trong nước ghé vào đây và có hai người mua mỗi người nửa ki lô gam tiêu đen; người kia mua một túi tiêu sọ, một túi tiêu đen loại nửa ki lô gam. Cô chủ sạp nói túi loại 250 g và nửa ki lô gam bán chạy hơn túi một ki lô gam.

Nhiều du khách đi theo đoàn, có cả khách nước ngoài, đã ghé “Điểm tham quan du lịch – Vườn tiêu Đức Phát” cặp tuyến lộ 47 (suối Đá, Dương Tơ). Sau khi đưa khách ra vườn tiêu tham quan, chụp ảnh, chủ nhà mời khách uống trà, thử vài món đặc sản như cóc chấm “muối hồng tiêu”, sau đó để khách tự chọn mua sắm.

Khách tham quan vườn tiêu Đức Phát. Ảnh: Huỳnh Kim
Khách tham quan vườn tiêu Đức Phát. Ảnh: Huỳnh Kim

Những du khách nước ngoài tỏ ra thích thú khi nghe giới thiệu nghề trồng tiêu mặc dù các vị khách này không mua, có lẽ không chuộng loại gia vị này đối với món ăn hàng ngày của họ. Còn du khách người Việt thì thích mua những hủ “muối hồng tiêu”, “tiêu chín ngào đường”, “muối tiêu”... có giá 15.000-30.000 đồng một hủ nhựa dán nhãn bắt mắt. Đa phần các sản phẩm này là của cơ sở Bảy Đông, riêng muối hồng tiêu do Công ty TNHH MTV Biên Hải, cùng ở trên đảo sản xuất.

Ông Trần Đức Niên, chủ vườn tiêu Đức Phát, nói: “Bán kèm như vậy để du khách dễ chọn lựa thay vì chỉ mua riêng tiêu chín”. Khách thắc mắc sao giá tiêu đen ở đây mắc hơn ngoài chợ đêm tới 20.000 đồng/kg, bà Hồng Loan, vợ ông Niên, nói: “Vì tiêu này không bị pha trộn, chỉ rặt một loại tiêu thu từ vườn Đức Phát”.

Vợ chồng ông Niên cho biết ngoài vườn tiêu 500 bụi ở gần nhà, gia đình ông còn trồng ba thiên (3.000 bụi) trên Khu Tượng ở Bắc đảo. “Nhà tôi đã năm đời trồng tiêu. Giá tiêu năm 2006 xuống còn 22.000 đồng/kg, dân trồng tiêu chết ngắt. Còn giá xuất khẩu bây giờ lên tới 175.000 đồng/kg, dân vườn tiêu làm ăn ổn định lắm!”, ông Niên nói.

Ở điểm du lịch này, theo ông Niên, nhiều hôm có khoảng 500 khách ghé, doanh thu 17-18 triệu đồng, lời 3-4 triệu đồng. Còn ở vườn tiêu bán sỉ, năm nay ông tính, lời khoảng 30% trong số hơn 4,5 tấn tiêu.

Nhiều nhà vườn trồng tiêu khác trên đảo cũng cho biết tiêu năm nay trúng mùa, trúng giá; nhiều vườn tiêu cho tới 4 kg hạt mỗi bụi, năng suất tăng gần gấp đôi hai năm trước. Điều này là nhờ gần đây nông dân nghe các nhà khoa học, bón phân hữu cơ nhiều lần trong năm kèm phân hóa học và bắt đầu áp dụng “tưới nước nhỏ giọt” kiểu Israel.

Đề cập tới chuyện này, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Quốc, cho biết Phú Quốc hiện có khoảng 427 ha tiêu, nhiều nhất ở Cửa Dương và Cửa Cạn. Tới cuối năm nay, có thể thu hoạch trên 1.000 tấn hạt, tăng hơn năm rồi 50 tấn. Dự tính, đến năm 2015 sẽ có 500 ha vườn tiêu, sản lượng khoảng 1.200 tấn, nhiều vườn làm theo chuẩn GlobalGAP. Ngoài xuất khẩu, theo ông Hưng: “Đặc sản này còn được kinh doanh gắn với du lịch sinh thái trên đảo Phú Quốc, vì du khách sáu tháng rồi đã tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái, cho doanh thu hơn 1.014 tỉ đồng”.

Huỳnh Kim

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối