VÂN LY -
Thị trường thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ di động (MPOS) có nhiều tiềm năng nhưng hiện chưa phát triển mạnh do còn nhiều rào cản, theo nhận xét của một số chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng.
Máy MPOS của TPBank, một trong hai ngân hàng đã triển khai dịch vụ này.
Do không thích cầm nhiều tiền mặt theo người vì sợ rủi so, chị Minh thường chọn cách thanh toán các giao dịch bằng thẻ ngân hàng. Song chị chỉ có thể thanh toán bằng thẻ tại các cửa hàng lớn. Nhưng gần đây khi mua hàng qua mạng, lúc nhân viên mang hàng giao tận nhà chị vẫn có thể thanh toán bằng thẻ (không cần thanh toán bằng tiền mặt như trước) do đơn vị bán hàng sử dụng MPOS.
Với MPOS, các đơn vị có nhu cầu sử dụng dịch vụ chỉ cần mua đầu đọc thẻ MPOS. Khi thanh toán, người dùng chỉ cần cắm đầu đọc thẻ vào điện thoại thông minh có kết nối Internet và thực hiện các thao tác thanh toán tương tự như với máy chấp nhận thẻ thanh toán truyền thống (POS). Đây được xem là thiết bị thanh toán thẻ thích hợp cho doanh nghiệp nhỏ, bởi mức giá của đầu đọc thẻ MPOS rẻ hơn nhiều (khoảng hơn 2 triệu đồng, giá cụ thể tùy theo từng đơn vị cung cấp dịch vụ) so với máy thanh toán thẻ POS truyền thống (khoảng 5 triệu đồng/thiết bị có dây và 10 triệu đồng với thiết bị không dây).
Nhiều tiềm năng và cơ hội
Ông Nguyễn Minh Tâm, Phó tổng giám đốc Sacombank – một đơn vị cung cấp MPOS – cho biết hiện tiềm năng của dịch vụ POS, đặc biệt là MPOS tại thị trường Việt Nam còn rất lớn. Máy POS của Sacombank đang được triển khai và đáp ứng khá tốt nhu cầu thanh toán tại nhiều doanh nghiệp và cửa hàng lớn. Còn MPOS chủ yếu phục vụ cho những mô hình kinh doanh có tính di động (thu phí bảo hiểm, giao hàng tận nơi…). Hiện do nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của người tiêu dùng ngày càng tăng nên nhu cầu thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ cũng tăng theo.
Cùng chung quan điểm trên, khi so sánh doanh số thanh toán qua POS và MPOS hiện nay với tổng doanh số thanh toán tiêu dùng của dân cư, ông Đinh Văn Chiến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TPBank, cũng nhận định tiềm năng của thị trường POS và MPOS vẫn còn lớn. Với sự phát triển của công nghệ mới và sự tham gia tích cực của nhiều ngân hàng, tương lai thanh toán POS và MPOS hứa hẹn sẽ có nhiều đột phá trong thời gian tới, trong đó có thanh toán qua MPOS.
Ông Chiến cho biết, sau gần hai năm triển khai cung cấp dịch vụ, TPBank đã cung cấp ra thị trường hàng chục ngàn thiết bị MPOS. TPBank tập trung vào đối tượng các đơn vị chấp nhận thẻ nhỏ là các hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, TPBank cung cấp giải pháp MPOS cho các doanh nghiệp là các công ty cung cấp dịch vụ và triển khai thu phí, cước. Theo ông Chiến, số lượng thiết bị MPOS mà ngân hàng này cung cấp ra thị trường đang tăng trưởng mạnh mẽ hàng tháng.
Còn Sacombank đã triển khai dịch vụ MPOS từ tháng 3-2014. Hiện ngân hàng này đã cung cấp khoảng 1.500 thiết bị chấp nhận thẻ MPOS các loại. Các đơn vị kinh doanh sử dụng MPOS của Sacombank chủ yếu là các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm, tiêu dùng và dịch vụ thu tiền khi giao hàng tận nơi. “Tuy con số trên chưa thật sự ấn tượng nhưng đã đạt được phần nào kỳ vọng của Sacombank. Đó là ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm đến dịch vụ MPOS”, ông Tâm nói.
Trở ngại từ thói quen
Một số chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng cho rằng hiện số lượng khách hàng sử dụng MPOS tại Việt Nam còn ít so với tiềm năng và tiện ích của dịch vụ này mang lại.
Theo ông Tâm của Sacombank, MPOS chưa phổ biến tại Việt Nam là vì mới xuất hiện từ đầu năm 2014 nên các nhà đầu tư và ngân hàng còn thận trọng trong việc định hướng phát triển, tìm kiếm phân khúc khách hàng cũng như tinh chỉnh phù hợp với nhu cầu của đơn vị chấp nhận thẻ; việc sử dụng tiền mặt để mua sắm vẫn phổ biến với người tiêu dùng. Để thay đổi thói quen này – chuyển qua thanh toán không dùng tiền mặt, cần phải có thời gian và các giải pháp đồng bộ trong việc bán hàng cũng như các công cụ thanh toán; người tiêu dùng vốn đã quen với việc nhận hóa đơn giấy và cho rằng hóa đơn giấy mang tính đảm bảo cao.
Trong khi đó, khi thanh toán qua MPOS lại nhận hóa đơn điện tử (nhận qua e-mail) và người tiêu dùng thì vẫn chưa thấy được tính hữu ích của hóa đơn điện tử (dễ bảo quản, tiện cho việc truy lục và đối chiếu); nhiều doanh nghiệp cho rằng chi phí đầu tư MPOS cao và công nghệ hiện đại gây cản trở trong việc thanh toán cho một số khách hàng không có thói quen tiếp cận với công cụ hiện đại. Tuy nhiên, trên thực tế doanh nghiệp chỉ cần đầu tư một số tiền vài triệu đồng để mua đầu đọc thẻ MPOS cùng với điện thoại thông minh có sẵn là có thể sử dụng được.
Ông Chiến của TPBank cho rằng dịch vụ MPOS chưa phổ biến do ở Việt Nam chỉ có một vài đơn vị triển khai cung cấp dịch vụ. Theo ông Chiến, Ngân hàng Nhà nước đã có định hướng và mục tiêu rất rõ ràng cho phát triển MPOS. Vì vậy cần sự tham gia của nhiều ngân hàng và các tổ chức có liên quan trong phát triển, khuyến khích MPOS. Đồng thời, các ngân hàng cùng nhau tạo ra các chương trình, hoạt động để gia tăng nhận biết về MPOS, đơn vị chấp nhận thẻ tiếp nhận MPOS trong các giao dịch thanh toán hàng hóa dịch vụ, từ đó tạo được niềm tin và thay đổi thói quen thanh toán chi tiêu của người tiêu dùng.
Còn theo ông Tâm, để phổ biến dịch vụ POS và MPOS, các ngân hàng cùng cơ quan hữu quan cần phổ biến nhiều hơn về lợi ích và tính an toàn của việc dùng thẻ. Khi tỷ lệ người sử dụng thẻ giao dịch càng nhiều thì nhu cầu chấp nhận thẻ của doanh nghiệp sẽ ngày càng cao.