Mỹ Loan
Cây bắt mồi đang trở thành “mốt” chơi cây cảnh của các bạn trẻ ở TPHCM hiện nay. Với hình dáng ngộ nghĩnh, màu sắc đa dạng và đặc biệt có thể bắt các loại côn trùng, cây bắt mồi đang được săn lùng cho những bộ sưu tập thực vật độc đáo...
Đa dạng cây bắt mồi
Ngoài hình thù đa dạng, nhiều màu sắc, bắt được côn trùng bằng những chiếc bẫy độc đáo, các loại cây bắt mồi thường sống lâu, dễ trồng và có hoa đẹp lại không mất nhiều thời gian chăm sóc, nên nhiều người chọn trồng trong vườn, trong nhà làm thú vui.
Trong số các cây bắt mồi, cây nắp ấm là phổ biến nhất vì dễ trồng trong điều kiện thời tiết của thành phố. Cây nắp ấm có nhiều loài, kích cỡ và màu sắc ấm khác nhau, nhưng khá giống nhau về cấu trúc. Phần vỏ bên ngoài khô ráo, trơn, giống như được phủ một lớp sáp và có mùi hương ngọt ngào và đó là “cái bẫy” để thu hút con mồi. Thân của chúng rất đặc biệt, có thể tích từ vài mililít lên đến gần 2 lít, chứa một loại dung dịch dùng để dìm chết con mồi. Khi con mồi bị hút vào, nó sẽ dần kiệt sức và chết thân cây.
Không có bình ấm, cây gọng vó có rất nhiều lông tuyến, ở đầu những lông tuyến này có một chất lỏng giống như giọt nước giúp thu hút các loài côn trùng và đó chính là cái bẫy. Nếu côn trùng sa bẫy, chúng sẽ chết trong vòng 15 phút do bị ngạt trong đống chất nhầy bao quanh. Những cọng lông tuyến của cây bắt đầu tiết ra chất tiêu hóa và con mồi sẽ bị “ăn” hoàn toàn trong vòng 1-2 ngày.
Khác với cây nắp ấm và gọng vó, cấu tạo bẫy của loài cây bắt ruồi gồm hai chiếc lá dính với nhau ở gân lá, xung quanh viền lá có chứa những lông nhỏ giúp cho việc bắt mồi dễ dàng hơn. Khi con mồi xuất hiện, chạm vào phần lông của những chiếc lá, chúng nhanh chóng khép lại và nhốt chặt con mồi ở bên trong.
Trong lúc đó, cây cỏ bơ lại sử dụng những chiếc lá có chất dính để thu hút, bẫy và tiêu hóa côn trùng.
[box type="bio"] Hiện nay trên thị trường, cây bắt mồi được bán với giá từ vài chục ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng và giống cây bắt mồi thường là cây ngoại nhập.
Người yêu thích cây bắt mồi có thể liên hệ Võ Nhật Phương tại địa chỉ 121 Đường số 30, phường 6, quận Gò Vấp (số điện thoại: 0121 4820204) để mua và tìm hiểu cây bắt mồi do Phương tự nhân giống.[/box]
Bắt mồi hay gọi mồi?
Võ Nhật Phương đã có hơn năm năm trồng và sưu tập cây bắt mồi, cho biết anh đã thành công trong việc nhân giống từ nhánh và cây con trên một diện tích khá lớn ở Nhơn Trạch, Đồng Nai. Chàng trai này say mê ngành sinh học từ thời sinh viên, yêu thích các loài hoa, xương rồng và cây bắt mồi. Chia sẻ kinh nghiệm trồng cây bắt mồi, Phương cho biết: “Trồng cây bắt mồi, quan trọng nhất là phải cung cấp đủ nước và ánh sáng, không cần nhiều chất dinh dưỡng vì chỉ khi thiếu dưỡng chất, cây mới bắt mồi”.
Phương còn cho biết các loại cây bắt mồi có nhiều hoa và hạt, nhưng chúng được nhân giống bằng việc phân nhánh chồi non hay các mắt cây. Chính vì thế, bất cứ ai cũng có thể dùng chính cây bắt mồi mình đang trồng để nhân giống.
Phương chia sẻ: “Mình rất thích trồng cây, đặc biệt cây bắt mồi vì nó có những điều thú vị mà bất cứ người yêu thực vật nào cũng muốn khám phá. Mình trồng vì đam mê, vì thú vui chứ hoàn toàn không phải để bắt côn trùng”.
Cũng là một “tín đồ” cây bắt mồi, Đinh Xuân Dung, nhân viên thiết kế của hệ thống siêu thị Vinmart cho biết: “Mình trồng cây bắt mồi vì tò mò muốn biết cây bắt và ăn thịt côn trùng như thế nào”. Thống Trang Trường, sinh viên trường Đại học Kỹ thuật TPHCM ưa thích trồng cây bắt mồi cũng vì tò mò, trồng nhiều thành đam mê, muốn sưu tập nhiều giống cây, chứ hoàn toàn không phải vì công dụng đặc biệt của giống cây này.
Cũng như nhiều đam mê, thú vui khác, các bạn yêu thích trồng và sưu tập cây bắt mồi cũng thành lập một câu lạc bộ cây bắt mồi hay các diễn đàn, các trang mạng xã hội dành riêng cho người yêu thích loài cây này.
Anh Tuấn, chủ diễn đàn Câu lạc bộ Cây bắt mồi chia sẻ: “Tôi mê mẫn cây bắt mồi từ thuở nhỏ khi xem trên chương trình “Thế giới đó đây” về câu chuyện một nhà thực vật học người Pháp chuyên sưu tầm cây bắt mồi. Niềm đam mê đến từ đó. Tôi lập trang mạng xã hội để chia sẻ đến các bạn cùng sở thích. Các bạn chơi và sưu tầm cây bắt mồi vì khả năng đặc biệt của nó, có thể biến đổi hình dáng màu sắc của các bộ phận bắt mồi để phù hợp với điều kiện bắt mồi khác nhau”.
Các bạn thường xuyên có những buổi gặp gỡ cuối tuần để trao đổi về loài cây mới hay cách thức chăm sóc cây. Trên các diễn đàn hay mạng xã hội, các thành viên thường xuyên cập nhật hình ảnh cây, hoa và những kiến thức, kinh nghiệm thực tế trong quá trình trồng cây để chia sẻ đam mê của mình.
“Sau khi tiếp xúc với một bạn trong câu lạc bộ, mình cũng bắt chước trồng. Mỗi ngày chờ nó lớn, hồi hộp xem nó bắt mồi, thật thú vị và “ghiền” lúc nào không hay. Mình muốn bộ sưu tập của mình ngày càng phong phú để chia sẻ cùng các bạn”, Trần Quang Hải sống tại quận 7, TPHCM chia sẻ.