Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Thử thách bản thân cùng lặn biển

Lặn biển đang thu hút các bạn trẻ do nhiều lợi ích và sự thách thức của môn thể thao dưới nước này.

Ảnh: Viet Divers

Môn lặn biển giúp con người rèn luyện kỹ năng, nâng cao sức khỏe thể chất và ý thức bảo vệ môi trường biển, vì người tham gia được tận mắt chứng kiến môi trường dưới nước đang thay đổi xấu đi do phải gánh chịu tác động từ con người như thế nào.

Môn thể thao này có hai hình thức trải nghiệm là lặn với bình dưỡng khí (scuba diving) và lặn tự do (free diving). Hai loại hình này đều đòi hỏi người chơi phải có chứng chỉ quốc tế.
Sự khác nhau cơ bản nhất giữa lặn có bình dưỡng khí và lặn tự do là cách thở. Trong khi các thợ lặn với bình dưỡng khí không bao giờ được nín thở khi xuống nước vì có nguy cơ bị giãn nở phổi, các thợ lặn tự do lại làm ngược lại: giữ hơi xuyên suốt thời gian lặn. Lặn biển với bình dưỡng khí chủ yếu được thực hiện với mục đích khám phá, nghiên cứu đại dương và thực hiện các nhiệm vụ dưới nước.

Thợ lặn tự do gần như không phải phụ thuộc vào thiết bị lặn nào ngoài một cặp kính bơi và chân vịt, một sự tự do đúng nghĩa. Nhờ vậy, họ sẽ có cảm giác thoải mái và thư giãn hơn khi tiếp xúc với thế giới dưới nước vốn nhiều màu sắc và đa dạng. Nói một cách khác, lặn tự do mở ra nhiều sự trải nghiệm hơn – không chỉ cho phép người lặn đến gần nhiều loài động vật biển và kết nối với đại dương hơn mà còn là hoạt động giúp nâng cao sức khỏe, trau dồi kỹ năng bơi lội và luyện tập kiểm soát cơ thể.

Mặc dù có những khác biệt, lặn bình dưỡng khí và lặn tự do vẫn có nhiều điểm chung và một số kỹ năng và kỹ thuật bắt buộc người lặn phải nắm vững khi tham gia hai hình thức lặn nói trên.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất với người tham gia môn lặn là cần phải thoải mái và tự tin dưới nước. Khả năng duy trì sự thư giãn và di chuyển bình tĩnh dưới nước cũng rất quan trọng vì giúp người lặn tự do kéo dài thời gian nín thở, còn người lặn có bình dưỡng khí sẽ tránh được sự căng thẳng. Các kỹ thuật hô hấp khác nhau trong kiểu lặn tự do có thể sử dụng tốt khi lặn bình dưỡng khí vì giúp người lặn giảm tốc độ tiêu thụ khí ôxy có hạn trong bình.

Cả hai hình thức này đều hỗ trợ lặn thử dành cho người mới lặn lần đầu và chưa có chứng chỉ. Khi lặn thử với bình dưỡng khí, người tham gia vẫn được trang bị đầy đủ thiết bị cơ bản là quần áo lặn, mặt nạ, áo phao cân bằng độ nổi, bình dưỡng khí, dây chì, chân vịt, cùng với một hướng dẫn viên. Thậm chí, không cần biết bơi, họ vẫn có thể lặn thử. Còn với lặn tự do, người lặn chỉ cần mặt nạ lặn, ống thở và chân vịt nhưng phải có khả năng bơi tốt. Hướng dẫn viên sẽ đo khả năng nín thở của người lặn thử khi ở dưới nước, rồi từ đó hướng dẫn một số kỹ thuật để nín thở được lâu hơn.

Nếu có tiền sử bị bệnh tim hay cao huyết áp thì không nên tham gia hoạt động lặn biển. Khi xuống biển áp suất nước lên cơ thể sẽ tăng lên, cộng với sức khỏe không đảm bảo, người lặn sẽ dễ bị đuối sức và ngất. Giống như những môn thể thao khác, người chơi không nên lặn khi đang đói hoặc vừa ăn no. Thời điểm lý tưởng nhất để tham gia lặn biển là sau khi ăn khoảng một giờ. Ngoài ra, chỉ nên lặn khi tâm trạng thật thoải mái.

Những địa điểm lặn biển đẹp

  • Nha Trang

Vịnh Nha Trang có 12.000 ha vùng biển đầy đá ngầm được gọi là Khu bảo tồn biển Hòn Mun. Đây là nơi hoàn hảo cho người mới bắt đầu học lặn, do nước tương đối nông. Vùng biển này còn nổi tiếng với những rặng san hô đẹp cùng với hàng trăm loài động – thực vật. Chỉ riêng Hòn Mun có khoảng 15 điểm lặn. Ngoài ra, bạn cũng có thể lặn ở những đảo khác như Đảo Khỉ (Hòn Lao), Hòn Tằm…

  • Cù lao Chàm

Kể từ khi được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 2009, Cù lao Chàm nhanh chóng trở thành một địa danh du lịch biển nổi tiếng của miền Trung. Nơi đây vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ và là môi trường sinh sống tự nhiên của hàng ngàn loài sinh vật, đặc biệt là những loài sinh vật biển quý hiếm cùng những rặng san hô xinh đẹp. Chính sự giàu có về tài nguyên biển đã góp phần biến Cù lao Chàm thành điểm lặn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Cù lao Chàm có ba điểm lặn nổi tiếng là Hòn Tài, Hòn Dài và Hòn Mồ. Du khách có thể lặn sâu 5-8 m để khám phá vẻ đẹp của đại dương nơi đây.

  • Phú Quốc

Phú Quốc không chỉ nổi tiếng với những bãi biển tuyệt đẹp mà còn hấp dẫn người yêu lặn biển nhờ có nhiều rặng san hô độc đáo, những loài cá với màu sắc rực rỡ, ấn tượng. Điểm lặn ngắm san hô nổi tiếng nhất là cụm đảo An Thới với các điểm lặn ở Hòn Thơm, Hòn Roi, Hòn Dăm Trong…

  • Côn Đảo

Côn Đảo là một trong những hệ sinh thái thiên nhiên hoang sơ đầy màu sắc. Mật độ của rặng san hô và thảm thực vật ở Côn Đảo được đánh giá vào bậc nhất Việt Nam. Hòn Bảy Cạnh, Hòn Tài, Hòn Tre, Hòn Trứng, Hòn Trác, và Hòn Cau là những nơi hội tụ các rặng san hô đẹp nhất. Thời gian tốt nhất để lặn biển ở Côn Đảo là từ tháng 3 tới tháng 9 hằng năm.

Thiên Lâm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối