VŨ YẾN -
Thời gian gần đây, rủ nhau đi ăn mì cay 7 cấp độ rộ lên như một trào lưu ẩm thực ở TPHCM. Người ta đố nhau, thách nhau ăn với các cấp độ cay tăng dần. Vào quán, thay vì hỏi người bạn đi cùng ăn món gì thì người ta sẽ hỏi “chọn cấp độ cay mấy?”...
Thích cay cỡ nào cũng chiều
Các quán mì cay hiện mọc lên khá nhiều tại TPHCM. Có những con đường như Phạm Văn Đồng, Ba Tháng Hai, Lê Văn Sỹ… có ít nhất ba, bốn quán.
Càng gần tới 12 giờ trưa thứ Sáu tuần rồi, quán Larva House, đường Phạm Văn Hai, quận Tân Bình càng đông khách. Thực khách nhiều người tò mò, thắc mắc về độ cay của mì, còn nhân viên của quán thì luôn miệng tư vấn. Một nhân viên cho biết món mì cay có xuất xứ từ Hàn Quốc, được chủ quán học và biến tấu cho phù hợp với nguyên liệu ở Việt Nam. Độ cay của mì được chia từ cấp độ 0 đến cấp độ 7. Tùy cấp độ sẽ có sự gia giảm nước ớt hiểm ép sao cho thích hợp.
“Hiện nay mỗi ngày quán bán khoảng 250 thố mì cay các loại. Cấp độ từ 0 đến 3 là cấp độ mà nhiều người chọn, cấp độ 4 trở lên thì ít hơn. Nói ít hơn tức so với cấp độ 0 đến 3 chứ cũng nhiều khách chọn cấp độ 7 lắm. Mà thực tế, quán ghi cấp độ 7 thôi chứ khách muốn ăn ở cấp độ nào cũng có. Thậm chí thực khách còn thách đố nhau ăn ở cấp độ 15, ăn xong run tay luôn”, nhân viên này kể.
Buổi tối cuối tuần, các quán mì cay trên đường Phạm Văn Đồng, quận Bình Thạnh đông kín người. Theo người chủ một quán mì cay trên đường này, trung bình mỗi ngày quán bán ra gần 200 thố mì, số lượng này đã giảm gần một nửa so với lúc cao trào cách đây khoảng hai tháng.
Món mì cay nói trên sử dụng sợi mì là mì Hàn Quốc, thường được nấu thành các loại: mì kim chi hải sản, mì kim chi bò hay mì kim chi hỗn hợp. Những nguyên liệu cơ bản là kim chi cải thảo, mì, bắp non, nấm kim châm, bò viên, xúc xích… Và đương nhiên, nguyên liệu quan trọng nhất làm nên tên món ăn đó là ớt. Có quán chọn ớt hiểm ép lấy nước, có quán chọn bột ớt Naga Viper, Carolina Reaper – hai loại ớt có độ cay cao của nước ngoài. Cũng có quán chọn phối hợp giữa các thứ ớt này. Sự gia giảm lượng ớt ít hay nhiều sẽ quyết định cấp độ cay. Giá một thố mì dao động trong khoảng 39.000-79.000 đồng.
Vừa tò mò, vừa muốn thử sức
Để thu hút thực khách, nhiều quán đưa ra chương trình khuyến mãi, ví dụ ăn mì cay tặng kèm trà sữa, ăn hết tô mì cay cấp độ 7 nhận được phần thưởng 1 triệu đồng, miễn phí cho người ăn mì cấp độ 7...
Chị Thùy Linh, nhà ở đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, cho biết thời gian gần đây đi đâu cũng nghe nói tới mì cay 7 cấp độ, bạn bè đi ăn chụp hình rồi đăng lên Facebook khiến chị cũng tò mò nên tìm tới một quán ăn thử. Chị chọn cay cấp độ 1 nhưng cũng chỉ ăn nửa thố rồi bỏ vì không chịu nổi cay.
Anh Thái Minh, ở đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình, cho biết cũng vì tò mò nên anh đi ăn thử. Là người miền Trung, ăn cay tốt nên ngay lần đầu tiên anh chọn cấp độ 4, nhưng cay đến mức đau quặn bụng, đỏ tía tai mặt mũi nên phải bỏ dở. “Người ăn cay tốt như tôi mà mới chỉ tới cấp độ 4 đã bỏ cuộc, những người ăn cấp độ 7, thậm chí hơn, không hiểu tác động đến dạ dày như thế nào nữa”, anh Minh nhận xét.
Không chỉ tò mò, anh Trực ở đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức tìm tới mì cay còn do “nóng mũi” với lời thách thức của bạn. Anh chọn ngay cấp độ cao nhất khi ăn lần đầu tiên. “Phản ứng đầu tiên của tôi là mặt đỏ, vã mồ hôi, tiếp theo là nóng rát ở cổ họng và đau bụng. Tuy vượt qua lời thách thức nhưng nói thật chắc chỉ mạo hiểm một lần cấp độ 7, lần sau muốn ăn chỉ ăn cấp độ thấp”, anh Trực nói.
Dễ tổn thương vị giác
TS.BS. Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, cho biết có một số nghiên cứu cho thấy vai trò kháng viêm, chống ô xy hóa, tác dụng kéo dài tuổi thọ của ớt. Tuy nhiên, các nghiên cứu này vẫn chưa đầy đủ để đưa đến kết luận cuối cùng. Mặt khác, ăn cay quá nhiều cũng có thể dẫn đến một số nguy cơ. Ớt có thể làm tổn thương nụ vị giác ở lưỡi, về lâu dài gây mất cảm giác ngon miệng.
Cũng theo ông Niên, mặc dù ớt được xem là không gây viêm loét dạ dày nhưng có thể làm xấu hơn tình trạng viêm loét dạ dày ở người đã có bệnh. Vì vậy, những người bệnh viêm loét dạ dày, bệnh trĩ hoặc viêm đại tràng kích thích nên tránh dùng ớt. Những người bệnh đang dùng thuốc chống đông cũng nên tránh dùng ớt vì ớt làm giảm tác dụng của các loại thuốc này.
“Mức độ chấp nhận cay tùy thuộc vào mỗi người, do đó các biểu hiện triệu chứng khi ăn cay với các cấp độ cũng phụ thuộc vào từng người. Hãy dừng ăn khi cảm giác đau do cay quá nhiều, đó là tín hiệu cơ thể không chấp nhận được mức độ cay. Đặc biệt trẻ em có kích thước khối cơ thể nhỏ hơn người lớn, các thụ thể vị giác cũng nhạy hơn, theo đó nên cân nhắc hoặc tránh ăn cay”, bác sĩ Niên khuyến cáo.
BS. Đào Thị Yến Thủy, Phó trưởng khoa Truyền thông giáo dục sức khỏe thuộc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, cho biết ăn cay quá sẽ gây bỏng đường tiêu hóa từ miệng, họng, thực quản, dạ dày và ruột (có khi đi tiêu còn thấy nóng bỏng ở hậu môn), tổn thương dạ dày rất nhiều.
[box type="download"] Mới đây trên mạng YouTube lan truyền clip một thanh niên thực hiện thách thức ăn món mì hải sản cay cấp độ 7 tại một quán ăn ở thành phố Rạch Giá, Kiên Giang. Trong clip, anh đã vã mồ hôi, mặt đỏ lên dần trong quá trình ăn. Trả lời một tờ báo, người thanh niên trong clip cho biết sau khi ăn món mì cay toàn thân anh nóng bừng như lửa đốt, dạ dày đau thắt từng cơn, nôn ói trong nhiều giờ và suýt phải nhập viện.[/box]
Theo bà Thủy, ở mức độ nào đó ăn cay giúp kích thích tiêu hóa, giúp ngon miệng, nhưng không cần thiết phải tập ăn cay và không nên ăn quá cay, đặc biệt những người bị viêm loét dạ dày. “Thực tế đã có người nhập viện vì viêm loét dạ dày do ăn quá cay”, bác sĩ Thủy cho biết.