Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Thót tim chinh phục Kiều Liêu Ti

Thu Hường –

Hà Giang, vùng đất địa đầu Tổ quốc, thường làm mê đắm du khách bằng mùa hoa tam giác mạch trên cao nguyên đá, dòng Nho Quế xanh biếc uốn lượn giữa các hẻm núi. Nhưng Hà Giang còn nhiều điều quyến rũ khác chờ đón du khách khám phá, chinh phục như Kiều Liêu Ti (Hoàng Su Phì).

Những thửa ruộng bậc thang giữa núi rừng xanh thẳm

Tôi từng rất ấn tượng với cái tên Kiều Liêu Ti được nhắc đến trong sách giáo khoa môn Địa lý cấp 3. Ngọn núi này ở độ cao 2.402 m so với mực nước biển, nằm trên cánh cung Tây Bắc của phía Bắc Việt Nam và thuộc hệ các dãy núi cao phía Tây kéo dài xuống phía Nam. Nhưng tên gọi chính thức ấy chỉ hay được dùng trong sách vở, văn bản mang tính hàn lâm còn các phượt thủ gọi ngọn núi này bằng những cái tên quen thuộc như Chiêu Lầu Thi, Núi Chín Tầng Thang, Nàng Thi…

Sau một đêm nghỉ chân ở Thị trấn Vinh Quang để dưỡng sức sau khi di chuyển một quãng đường dài từ Hà Nội, nhóm chúng tôi gồm cả nam và nữ đi trên bốn chiếc xe máy bắt đầu hành trình khám phá Kiều Liêu Ti vào lúc sáng sớm. Đoạn đường đầu tiên khá bằng phẳng, êm ái mà người ngồi sau xe có thể ngủ nướng trên lưng đồng đội. Nói vậy thôi chứ không một ai trong chúng tôi có thể bỏ qua cảnh những khu rừng trúc tuyệt đẹp đến nao lòng.

Đoạn đường hẹp nhiều sỏi đá với độ dốc là một trong những thử thách cho những ai muốn chinh phục Kiều Liêu Ti

Khi vượt qua xã Hồ Thầu một đoạn và bắt đầu rẽ lên núi là lúc tài năng của các “xế” được thử thách và người ngồi sau xe phải ôm chặt lấy “xế” nếu không muốn bị văng ra khỏi xe bất cứ lúc nào vì đường đi đầy đất đá lởm chởm, uốn lượn, gấp khúc zíc zắc. Tất cả chúng tôi đều phải về số thì xe mới có thể bò từ từ lên núi.

Tạo hóa không phụ lòng người vì ở độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển là cảnh tuyệt sắc. Đó là cảnh núi rừng hoang sơ, xanh thăm thẳm trải ra trước mắt chúng tôi, xen kẽ vào đó là các thửa ruộng bậc thang mùa nước đổ và dòng sông Chảy uốn lượn mềm mại như lụa quanh hẻm núi.

Đoạn đường ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển thì hoang vắng đến lạnh người, có chăng chỉ là tiếng chim rừng hòa vào trong gió rừng ào ào. Thỉnh thoảng chúng tôi mới bắt gặp một lán của người La Chí dựng để nuôi dê.

Vì độ dốc ngày càng cao và đất đá lởm chởm nên nhiều lúc người ngồi sau xe phải xuống đi bộ. Phải mất hơn hai giờ chúng tôi mới kết thúc một đoạn đường núi chỉ dài gần 15 km từ chân núi lên đến độ cao 2.000 m. Vào lúc 8 giờ sáng ở độ cao 2.000 m, bức tranh phong cảnh thiên nhiên bao la hùng vĩ hiện ra trước mắt chúng tôi. Tán rừng già nguyên sinh đầy những cây cổ thụ rêu phong bám trên thân. Gió rừng lồng lộng thổi vào cơ thể đã mệt nhoài của cả bốn chúng tôi. Nhưng chúng tôi không dừng lại ở đây vì vẫn còn đó chóp inox trên đỉnh núi ở độ cao 2.402 m đang chờ đón. Muốn lên đến đó từ điểm dừng 2.000 m chỉ có cách đi bộ theo con đường mòn và mọi loại xe đều hết tác dụng. Sau khi uống xong ly nước la hán quả mát lạnh và nghe xong mấy lời căn dặn của chủ một homestay, chúng tôi bắt đầu chuẩn bị gậy, nước mát và mũ nón để lên đường. Chúng tôi được báo trước là sẽ mất khoảng 1-2 giờ cho đoạn đường leo dài hơn 2 km để chinh phục 400 m độ cao còn lại.

Đường đất đá không có lan can dẫn lên đỉnh núi

Đi được một đoạn thì chúng tôi “lạc” vào những cánh rừng già nguyên sinh với hệ thực vật vô cùng phong phú. Khí hậu quanh năm mát mẻ rất thích hợp cho loại cây Tống Quán Sủ sinh trưởng và phát triển. Khi tới được đoạn núi cao trên 2.000 m so với mực nước biển thì những cây chè Shan tuyết bắt đầu xuất hiện. Người Dao Đỏ và La Chí bản địa thường xuyên đi bộ lên núi để hái chè về sử dụng và bán ở các chợ phiên.

Trong quá trình leo, chúng tôi bắt gặp những tảng đá khổng lồ bên sườn núi và đây chính là những điểm nghỉ chân để ngắm cảnh tuyệt vời. Đứng ở đây nhìn ra phía trước là cảnh trùng trùng điệp điệp núi non trải dài xa đến tận chân trời. Đó là bức tranh phong cảnh tiêu biểu của vùng cao huyện Hoàng Su Phì và Xín Mần của tỉnh Hà Giang.

Sau khoảng 1 giờ 30 phút vừa đi vừa nghỉ ngắm cảnh, chúng tôi cuối cùng đã chạm được tay vào chóp inox gắn ở đỉnh Kiều Liêu Ti. Chóp ghi thông số 2.402 m cùng cái tên Chiêu Lầu Thi chứ không phải là Kiều Liêu Ti như trong các văn bản, sách vở. Những tia nắng thỉnh thoảng lại xuyên qua đám mây để rọi vào chóp inox trên đỉnh núi, tạo ra cảnh sắc vô cùng ấn tượng.

Chóp inox ghi độ cao 2.402 m lấp lánh trong ánh nắng

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết lí do người dân bản địa hay sử dụng tên Chiêu Lầu Thi là bởi theo tiếng Hán “Chiêu Lầu” có nghĩa là chín tầng, 9 bậc, còn “Thi” là tảng đá to. Những ai đang đứng ở đây đã chinh phục được đỉnh núi cao thứ hai ở Hà Giang (sau đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2.427 m).

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối