Thứ Ba, Tháng Năm 14, 2024

Thịt heo tăng giá và chuyện an toàn vệ sinh thực phẩm

(SGTT) Mặc dù đã hạ nhiệt trong khoảng một tuần trở lại đây nhưng giá thịt heo tăng cao trong thời gian vừa qua đã khiến chi phí đầu vào của không ít quán ăn tăng lên. Trước tình hình đó, một số nơi thông báo tăng giá, một số khác lại cam kết không tăng nhằm tri ân hay hỗ trợ khách hàng.

Chọn mua thịt heo ở một siêu thị tại TPHCM. Ảnh: Thành Hoa

Theo thông tin từ chợ đầu mối Hóc Môn, TPHCM, từ ngày 25-11 đến 5-12, giá thịt heo hơi nhập chợ giữ ở mức ổn định, không tăng nhanh như trước đó.

Nhiều món ăn tăng giá

Theo chủ một số cơ sở dịch vụ ăn uống, giá thịt heo dù đã hạ nhiệt nhưng vẫn còn ở mức cao. Do đó, việc tăng giá bán hàng ăn là việc chẳng đặng đừng. Nhiều quán ăn, nhà hàng bình dân chuyên bán cơm, hủ tiếu, bánh mì, bánh canh… ở các quận 3, quận Tân Bình, Bình Tân và Bình Thạnh… đều tăng giá. Mức tăng từ 3.000 đồng/phần trở lên.

Chị M.T., chủ một quán bún trên đường Hoàng Sa, quận Tân Bình, cho biết để không bị lỗ vốn, quán phải tăng giá mỗi tô thêm từ 3.000 đến 5.000 đồng. Ví dụ, bún mọc xương tăng giá 5.000 đồng; bún giò heo tăng 3.000 đồng mỗi tô.

Một quán cơm tấm trên đường Hiệp Bình, quận Thủ Đức, cũng mới treo bảng tăng thêm 5.000 đồng/dĩa. Anh Nguyễn Thanh Tấn, chủ quán, cho biết tình trạng thịt heo tăng giá nhanh khiến mỗi ngày trung bình quán bù lỗ xấp xỉ 700.000 đồng. Vì “chịu không thấu” nên quán phải tăng giá bán lên 35.000 đồng/dĩa. Tương tự, quán hủ tiếu trên đường Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức, cũng tăng giá từ 5.000 đến 10.000 đồng khoảng một tuần nay.

Và tất nhiên, giá một số loại sản phẩm sử dụng thịt heo làm nguyên liệu chính như giò, chả cũng tăng. Một cửa hàng chuyên phân phối giò, chả, lạp xưởng tại quận 3 cho biết đã tăng giá bán mỗi ký thêm 10.000 đồng. Một số sản phẩm khác như chả giò cũng tăng, như cơ sở tên T. tăng từ 55.000 đồng lên 60.000 đồng một hộp 20 cuốn.

Giữ giá để giữ chân khách

Theo chủ các cửa hàng và quán ăn kể trên, sở dĩ phải tăng giá là để đảm bảo chất lượng của món ăn. “Cân nhắc dữ lắm tôi mới lên giá vì không thể bù lỗ mãi được, cũng không thể mua miếng thịt heo lúc chợ chiều, không còn đảm bảo để bán cho khách”, anh Thanh Tấn chia sẻ.

Tuy nhiên, trong cơn bão giá, cũng có những nơi không tăng giá nhằm mục đích tri ân, cảm ơn khách hàng đã ủng hộ.

Ví dụ trên trang fanpage và trước cửa quán hủ tiếu Dì Năm Sa Đéc, đường Bùi Thị Xuân, quận 1, đều thông báo “Để tri ân quý khách hàng đã ủng hộ quán nhiều năm qua và san sẻ những khó khăn với quý khách nên Dì Năm quyết định không tăng giá bán trong thời gian này”. Theo đó, giá bán của quán vẫn được giữ ở mức 45.000 – 64.000 đồng/tô.

Ông Huy Nguyễn, chủ nhà hàng CoChin trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, cho biết giá thịt heo tăng làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của nhà hàng, bởi một phần ba số món trong thực đơn của nhà hàng sử dụng thịt heo làm nguyên liệu chính. Có thể kể tới chả nem, bún chả, giả cầy, thịt kho…. Tuy nhiên, nhà hàng vẫn giữ giá để giữ chân khách hàng.

“Chúng tôi vẫn phải đảm bảo nguồn thịt heo an toàn, chất lượng nên trong thời gian này, với những món sử dụng nguyên liệu chính là thịt heo chúng tôi không có lời và duy trì tiền lời từ những món khác”, ông Huy chia sẻ.

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Trong khi nguồn cung thịt heo trong nước có những biến động, không ít người đặt ra vấn đề an toàn đối với nguồn thịt heo kể cả trong nước và nhập khẩu.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Tiển, Phó giám đốc chợ đầu mối Hóc Môn, cho biết để vào được chợ này, nguồn heo đã được kiểm tra kỹ lưỡng, phải đảm bảo an toàn thực phẩm; có giấy tờ đóng dấu của chi cục sở tại thú y nếu từ các tỉnh như Long An, Đồng Nai… có đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Tiển, nguồn heo nhập lậu và heo bệnh không được phép vào và kinh doanh tại chợ. “Qua kiểm tra, chúng tôi cũng đã phát hiện có trường hợp đưa heo nhập lậu, heo bệnh vào chợ. Tuy nhiên các trường hợp này đều bị xử lý nghiêm khắc. Theo đó, chúng tôi đảm bảo nguồn heo đã vào chợ và đi ra thị trường từ chợ đầu mối Hóc Môn đều đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm”, ông nhấn mạnh.

Tổng cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố về việc mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2019 và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Theo chỉ đạo của cơ quan này, các địa phương sẽ tập trung lực lượng kiểm tra, kiểm soát đối với những mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp cuối năm và tết, trong đó có mặt hàng thịt heo cũng như sản phẩm chế biến từ thịt heo.

Dù có nhiều ý kiến lo ngại sản lượng thịt heo trong dịp Tết Nguyên đán 2020 sẽ bị thiếu hụt, nhưng theo khẳng định của lãnh đạo Sở Công Thương TPHCM, thị trường TPHCM sẽ không thiếu thịt heo mùa lễ tết dù nguồn cung khan hiếm.

Vũ Yến

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thực phẩm Tết ‘nhà làm’: mua bằng niềm tin, chất lượng...

0
(SGTT) – Hiện nay, nhiều người tiêu dùng lo ngại hoá chất công nghiệp có trong thực phẩm nguy hại đến sức khoẻ nên...

Phạt hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm...

0
Năm 2022, cơ quan quản lý đã thanh tra 27.574 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy...

Góc nhìn người đầu bếp sau vụ ngộ độc thịt gà...

0
(SGTT) - Mới đây, đội điều tra ngộ độc thực phẩm TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo ban đầu về...

Chỉ đạo khẩn về kiểm tra, xác minh rau củ quả...

0
Trước tình trạng hàng trôi nổi hoặc hàng từ các chợ gắn mác “VietGAP” bán tại các hệ thống phân phối lớn, Cục Quản...

Kiểm soát chất lượng rau nhập vào siêu thị: cơ quan...

0
(SGTT) - Qua vụ việc một số công ty đã đi gom rau ở chợ, dán nhãn VietGAP để bán cho các hệ thống...

Doanh nghiệp cần kiểm soát chất ethylene oxide trong sản xuất...

0
Những ngày gần đây, liên tiếp xuất hiện các thông tin về thu hồi và tiêu hủy các thực phẩm có chứa chất ethylene...

Kết nối