Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Thị trường khách quốc tế: kỳ vọng lực đẩy từ dịch vụ nhà hàng khách sạn

Đã gần một năm ngành du lịch mở cửa trở lại sau đại dịch, thị trường kinh doanh nhà hàng khách sạn đang bắt nhịp vào guồng quay sôi động như những ngành nghề khác. Bên cạnh lo ngại khó khăn đến từ lạm phát toàn cầu, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng vào một tương lai sáng sủa cho ngành, khi lượt khách lẻ, khách đoàn tăng dần, rục rịch quay về trạng thái như xưa.

Thiếu nhân sự – bài toán nan giải kéo dài

Mùa dịch kéo dài liên tiếp hai năm trực tiếp ảnh hưởng đến nhân sự ngành dịch vụ. Nhiều chủ nhà hàng khách sạn “đau đầu” khi mở cửa lại nhưng việc luôn trong tình trạng thiếu người. Một vài đại diện nhận định chuyện tìm người giỏi chuyên môn lúc này như “đãi cát tìm vàng”.

Chia sẻ thách thức hậu dịch bệnh, bà Vũ Thị Thanh Hiền, Giám đốc khách sạn Kim Đô – Royal Hotel Saigon tâm sự đã qua giai đoạn ảnh hưởng nặng nề, nhưng dự kiến còn tiềm ẩn khó khăn trong tương lai như thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, vì vậy cũng ảnh hưởng nhiều đến thị trường du lịch nói chung và khách sạn Kim Đô nói riêng.

Phòng ốc bên trong khách sạn Kim Đô Royal Hotel Saigon. Ảnh: ĐVCC

Theo bà Thanh Hiền, việc tìm kiếm các thị trường mới để đáp ứng đa dạng nhu cầu ngày nay là điều cần thiết. Đối diện với nguồn nhân lực trong ngành du lịch cũng đang dần mất đi, chuyển sang các ngành nghề khác. Bà cho rằng vấn đề tìm giữ, phát triển, đào tạo các kỹ năng, nâng cao trình độ nhân sự là bài toán cấp thiết, tiếp đến bảo trì, nâng cấp các cơ sở vật chất trong và ngoài khách sạn.

Ở thành phố du lịch Hội An, ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc khối phòng Bellerive Hội An chung “nỗi niềm ” thiếu hụt nhân sự. Là khách sạn mới khai trương vào tháng 7 vừa qua, chưa từng vận hành trước đây, ông nhìn nhận sau dịch bệnh khách hàng yêu cầu dịch vụ, cũng như tâm lý mong được quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng hơn.

Du khách nghỉ dưỡng tại Bellerive Hội An Hotel & Spa. Ảnh: ĐVCC

“Khi tất cả khách sạn bắt đầu “chạy lại” cùng một lúc, muốn vận hành trơn tru, bảo trì cơ sở vật chất xuống cấp, dịch vụ tốt hơn cần nguồn lao động lớn để hoàn thành kịp. Đợt dịch nhìn chung rất khó tuyển người, khan hiếm ứng viên, đa số họ đã chuyển sang ngành nghề khác. Mặc dù khó khăn về nhân lực nhưng chủ khách sạn vẫn quyết định mở cửa, góp vào bức tranh khởi sắc chung của ngành”, ông Thắng nói thêm.

Giám đốc khách sạn 4 sao Sài Gòn Ban Mê cũng “tìm không ra người”, đặc biệt ở Đắk Lắk vùng nhân lực càng khan hiếm hơn. Ông kể hầu như đơn vị doanh nghiệp nào lúc bấy giờ cũng giảm 25% nhân sự. Việc thu hút người làm quay lại các khách sạn khó khăn, dẫn đến thiếu hụt lớn, đa số họ chuyển hẳn sang công việc khác chứ không phải đắn đo vì vấn đề phúc lợi, ông nhấn mạnh.

Trông chờ vào cơ hội từ nhóm khách hàng mới

Đưa ra chiến lược “thức thời” từ những ngày đầu bình thường mới, đại diện khách sạn Kim Đô cho biết tình hình dịch bệnh dần được kiểm soát, tuy nhiên vẫn còn một số quốc gia chưa thực sự mở cửa, gây ảnh hưởng đến du khách khi đến Việt Nam. Về phía ngành du lịch và khách sạn luôn mong muốn mọi thứ ổn định để có thể mở rộng kinh doanh, Kim Đô cũng không ngoại lệ khi luôn có những chương trình ưu đãi hấp dẫn cho du khách.

Các hội nghị, sảnh tiệc diễn ra tại khách sạn. Ảnh: ĐVCC

Những sản phẩm, dịch vụ sau dịch cũng được doanh nghiệp chú trọng phát triển thêm để phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường lúc này. Cụ thể, hệ thống luôn tuân thủ quy tắc phòng chống dịch, không chỉ đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ công nhân viên mà còn cho du khách lưu trú tại đây.

Ngoài ra, Kim Đô cũng đang trong quá trình hoàn thiện, chăm chút kỹ lưỡng thêm từ phòng ngủ đến các sảnh hội nghị, nhà hàng và những khu vực hồ bơi, sảnh chờ, tiểu cảnh… “Chúng tôi đã xây dựng nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng, như gói khuyến mãi ẩm thực, nhà hàng, hội nghị, phòng ngủ và khách MICE”, bà Thanh Hiền nói thêm.

Nhiều gia đình, nhóm khách lẻ đến nghỉ dưỡng ở nhà hàng, khách sạn. Ảnh: Bellerive Hội An Hotel & Spa

Bà tâm sự, ở ngay trung tâm du lịch của TPHCM, một năm qua lượt khách quốc tế không tăng trưởng như mong đợi nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến doanh thu. Tuy vậy, tín hiệu khả quan đến từ lượt khách nội địa hồi phục đáng kể, mang lại nhiều thuận lợi, cơ hội vực dậy cho doanh nghiệp.

Đại diện Bellerive Hội An cũng có những thay đổi thích nghi với đối tượng chính là khách Việt Nam. Ông Thắng cho hay sau mở cửa, lượng khách nội địa tập trung những người từ tỉnh thành lân cận hơn là khách từ phương xa, nước ngoài. Để ứng phó với tình hình chung, khách sạn đưa ra giá giảm với dịch vụ ẩm thực, nhà hàng, spa. Qua hai dịp lễ lớn trong năm, tình hình kinh doanh cũng khả quan hơn, khách chủ yếu là nhóm gia đình, số lượng đặt phòng tăng lên gấp ba, gấp bốn lần vì hoạt động lễ hội, sự kiện chào đón năm mới đa dạng không kém.

Ông chia sẻ khoảng tháng 11, 12 năm 2022, khách quốc tế bắt đầu quay trở lại phố cổ. Khác với thị trường truyền thống là khách châu Âu, Mỹ, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc trước đây, giờ Hội An thu hút được thêm khách Ấn Độ, Đài Loan. Trung bình khách sạn đón thêm khoảng 15-20% khách vào cuối tuần, thị trường trong khu vực cũng dần ổn định lại như trước 2019.

Ông Thắng nhận định: “Khách Đài Loan đã có từ trước nhưng vẫn còn ít, trong giai đoạn này đón nhiều hơn kèm theo khách mới từ Ấn Độ. Tôi nghĩ Việt Nam đã có chính sách mở cửa thông thoáng hơn so với một số quốc gia khác. Ngoài ra, Hội An cũng thu hút được thêm nhiều khách nước ngoài mới không chỉ dừng lại ở thị trường cũ cũng là tín hiệu đáng mừng. Điểm đến an toàn cũng là một trong nhiều yếu tố khiến du khách ghé thăm”.

Lý giải tại sao Việt Nam vẫn chưa đón nhiều lượt khách quốc tế như kỳ vọng, đại diện Bellerive cho rằng hiện vẫn còn nhiều quốc gia bị ảnh hưởng Covid-19, một số nước kinh tế suy giảm đang trên đà hồi phục vì vậy lựa chọn vui chơi giải trí chưa nhiều. Tuy nhiên, nhu cầu du lịch luôn tồn tại mãi mãi, chỉ khoảng hai ba năm nữa, đường bay ổn định, ngành du lịch sẽ quay trở về thời điểm trước đây, mạnh như lò xo nén rồi bung.

Trước sân chơi nhiều nơi đã sang tên đổi chủ, mất cân bằng doanh thu, lượng khách ghé thăm Việt Nam trong năm 2022 vẫn còn thấp, thị hiếu, sở thích du lịch sau dịch cũng có sự thay đổi. Quốc gia nào cũng tập trung kích cầu, tạo ra sản phẩm, xu thế mới thì du khách có nhiều lựa chọn hơn. Ông Thắng khấp khởi kỳ vọng năm mới, các doanh nghiệp nhà hàng khách sạn tin tưởng vào tiến triển tích cực của ngành du lịch Việt Nam. “Chúng ta đã đi qua giai đoạn cực kỳ khó khăn ngoài sức tưởng tượng, bây giờ dù trong hoàn cảnh nào cũng có thể chiến thắng, thích nghi tốt. Điều quan trọng vẫn là niềm tin vào chặng đường mới và không ngừng làm mình tốt lên vào năm tới”, ông gửi gắm.

Đại diện Kim Đô cũng tiếp lời tâm tư trước thềm năm Quý Mão, dự kiến tới đây du lịch Việt Nam sẽ ngày càng khởi sắc, nếu không có những lý do bất khả kháng thì ngày khôi phục kinh tế là một ngày không xa. “Hy vọng trong năm mới không những Kim Đô mà các khách sạn khác vẫn giữ vững tinh thần tiến lên phía trước và góp phần vào phát triển nền du lịch Việt Nam. Quảng bá du lịch nước nhà ngày càng vươn xa ra quốc tế”, bà Hiền bộc bạch.

Phấn khởi vì tình hình doanh thu 2022 hồi phục khoảng 75% so với năm 2019 ở Đắk Lắk, giám đốc khách sạn Sài Gòn Ban Mê, ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ đó là điều vượt ngoài mong đợi của doanh nghiệp tại đây. Được biết tình hình năm qua có khoảng 950.000 lượt khách dừng chân tại tỉnh, chủ yếu là khách lẻ, đi tự phát, tự túc. Dù đối diện nhiều lo lắng năm 2023 với dự đoán nền kinh tế chung bị suy thoái, ảnh hưởng, “Người dân tập trung vui chơi vào năm 2022 do hai năm liên tục ở nhà, đến năm tới thì lo làm ăn. Tuy vậy trước thời khắc giao thừa, tôi cũng hy vọng năm 2023 du lịch phát triển bền vững, để các doanh nghiệp được hồi phục sức khỏe”, ông Anh Tuấn tâm sự.

An Phú

Theo KTSG Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối