Thứ Ba, Tháng Tư 16, 2024

Thị trường bình ổn giúp doanh nghiệp chủ động

Từ những khó khăn ban đầu, chương trình bình ổn thị trường của UBND TPHCM và Sở Công Thương đến nay đã tạo được niềm tin, với những lợi ích mang lại không chỉ cho người tiêu dùng mà cả những doanh nghiệp tham gia. Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH San Hà (SanHafoods), đã nhận xét như vậy về chương trình này, trong cuộc trao đổi với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị mới đây.

Sài Gòn Tiếp Thị: Xin bà cho biết bà quan tâm và đã quyết định tham gia chương trình bình ổn thị trường ra sao?

– Bà Phạm Thị Ngọc Hà: Hơn 23 năm trước, chúng tôi lập cơ sở ở quận 8, TPHCM, chuyên thu mua gà sống từ các trang trại lớn, nhỏ khắp các tỉnh, thành. Đến năm 2008, chúng tôi chính thức thành lập Công ty TNHH San Hà để đáp ứng nhu cầu quản trị. Ngoài việc thu mua, công ty còn phân phối các loại thực phẩm tươi sống, đông lạnh và thực phẩm chế biến. Song song đó, chúng tôi cũng đầu tư vào dây chuyền giết mổ hiện đại tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An và một nhà máy giết mổ ở Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Với ngành nghề kinh doanh của công ty là cung cấp thực phẩm thiết yếu đến bữa ăn gia đình hàng ngày, việc bình ổn thị trường là việc làm vô cùng cần thiết và quan trọng. Không chỉ riêng công ty chúng tôi, mà bất cứ doanh nghiệp nào trong ngành kinh doanh lương thực thực phẩm cũng mong bình ổn.

Nhưng trên thực tế, một doanh nghiệp không thể làm bình ổn được. Vì vậy, khi chương trình bình ổn thị trường ra đời tôi đã muốn tham gia ngay, nhưng do lúc đó doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm nên mãi đến năm 2011 San Hà mới tham gia.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH San Hà (SanHafoods).
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Giám đốc điều hành Công ty TNHH San Hà (SanHafoods).

Những ngày đầu tham gia, công ty gặp những khó khăn gì, thưa bà?

– Khi mới tham gia chương trình, những khó khăn, lúng túng đầu tiên đối với tôi là… không quen với việc họp hành. Lúc trước chúng tôi làm tư nhân, chỉ biết kinh doanh, nay tham gia vào chương trình, ngoài việc kinh doanh còn phải tham gia chung nhóm, hội, phải đi họp giống như nhân viên, viên chức. Tâm lý ban đầu cũng ngại ngùng, cũng không biết nói gì, bàn gì trong đó.

Những khó khăn tiếp theo đó là làm sao tạo được nguồn hàng ổn định, với giá luôn thấp hơn thị trường 5-10% để cung cấp cho người tiêu dùng. Đây là một trong những khó khăn lớn nhất, đòi hỏi chúng tôi, đơn vị sản xuất, phải biết xây dựng nguồn hàng, điều tiết làm sao không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu hàng xảy ra.

Quản trị doanh nghiệp, điều hành hệ thống quản lý, quản lý nhân viên… cũng là những điều khó khăn mà mọi phía San Hà phải học hỏi thêm khi tham gia vào những hoạt động chung, trong đó các doanh nghiệp hoạt động có sự đan xen, liên kết với nhau.

Giá cả thị trường lên xuống, trong khi doanh nghiệp đã đăng ký giá ổn định. Công ty làm thế nào để thực hiện điều này, thưa bà?

– Giá thị trường lên xuống, trong khi doanh nghiệp vẫn phải giữ mức giá đã đăng ký từ ngày đầu, nhưng đối với San Hà, chúng tôi không thấy khó khăn. Bởi ngay từ đầu khi khi tham gia chương trình, những doanh nghiệp như chúng tôi đã chuẩn bị được nguồn hàng, do vậy, sự biến động về giá không ảnh hưởng. Nhất là, sự biến động này trong thời gian gần đây đã giảm nhiều hơn so với những năm trước, thời gian biến động không kéo dài. Hơn nữa, nếu giá cả lên xuống, các doanh nghiệp tham gia chương trình được quyền kiến nghị lên UBND TPHCM cũng như Sở Công Thương về mức giá mới cho hợp lý với thị trường. Vì vậy, tôi không cho rằng đây là khó khăn.

Thế còn những thuận lợi, hiệu quả đem lại từ khi tham gia chương trình?

– Đầu tiên phải kể đến việc, khi tham gia chương trình, chúng tôi đã học hỏi, giao lưu kinh nghiệm với các doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực. Từ quá trình giao lưu học hỏi đó, San Hà kết nối giao dịch kinh doanh với các đơn vị khác.

Song song đó là việc phân phối sản phẩm có những bước chuyển đáng kể. Trước khi tham gia chương trình bình ổn, San Hà phân phối sản phẩm ở kênh truyền thống. Cá nhân, doanh nghiệp nào có nhu cầu đến đâu thì chúng tôi cung cấp sản phẩm đến đó. Ở thời điểm làm ăn thuận lợi thì không sao, nhưng nếu phía đối tác gặp khó khăn, chúng tôi sẽ bị ứ đọng tiền vốn, không xoay kịp nguồn vốn để kinh doanh tiếp. Nói cách khác, khi thị trường mất cân đối, không ổn định, những nhà cung cấp như San Hà sẽ khó có thể thu hồi vốn về.

Nhưng khi tham gia vào chương trình, việc cung cấp các sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại hay hệ thống tư nhân đều có hợp đồng rõ ràng, kế hoạch chi tiết. Theo đó, việc thu hồi vốn khá chủ động, giá cả theo đó cũng bình ổn hơn. Đặc biệt khi vào hệ thống phân phối hiện đại cũng tham gia chung trong chương trình bình ổn, việc cung cấp hàng giữa San Hà và nhà phân phối sẽ được bảo đảm bằng hợp đồng ký kết giữa ba bên, đó là San Hà-hệ thống phân phối-Sở Công Thương TPHCM. Sự ký kết ổn định này, giúp mọi hoạt động được chủ động, nguồn hàng cung ứng cho nhà phân phối chủ động, ổn định, đồng tiền không mất giá theo biến động của thị trường. Theo đó, hoạt động chung của công ty, đời sống nhân viên cũng bớt đi những bấp bênh vốn có.

Thêm một thuận lợi then chốt mà San Hà nhận được, đó là chúng tôi được vay nguồn vốn với lãi suất chỉ 6%/năm, thủ tục nhanh gọn từ hệ thống các ngân hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường. Đã kinh doanh thì bất cứ doanh nghiệp nào cũng cần vốn, với những doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm nguồn vốn này không những cần dồi dào mà còn phải xoay vòng nhanh để đáp ứng quá trình đầu tư từ chăn nuôi đến sản xuất, phân phối. Với chương trình bình ổn thị trường, San Hà được vay nguồn vốn vì vậy tạo bước đệm vững chắc cho San Hà yên tâm đầu tư, sản xuất.

Hiệu quả từ chương trình có đong đếm bằng thực tế doanh thu ra sao, thưa bà?

– Nếu tính theo doanh thu lợi nhuận thì có giảm so với trước đây, nhưng xét về doanh thu tổng ngành nghề, phát triển ngành nghề, điều hành công việc thì mức tăng trưởng của chúng tôi đã gấp 10 lần từ ngày tham gia chương trình bình ổn thị trường. Lợi nhuận về thương hiệu, tên tuổi là một lợi nhuận không thể đong đếm bằng số tiền cụ thể.

Một cái lợi và hiệu quả nữa, theo tôi, là niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của San Hà ngày càng được nâng lên theo sự phát triển của chương trình bình ổn thị trường. Trên mỗi sản phẩm của công ty giờ đã gắn thêm logo của chương trình bình ổn thị trường. Người tiêu dùng nhìn vào đó, thêm tin tưởng. Với chúng tôi, thế là sự thành công không nhỏ.

Xin cảm ơn bà!

Nhật Linh thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nhìn về cơ hội trong một thị trường không mấy lạc...

0
(SGTT) - Giới quan sát cho rằng thị trường năm 2024 vẫn khó, buộc các doanh nghiệp phải xoay chuyển đáp ứng những thay...

Thị trường dừa khởi sắc sau nhiều tháng giảm mạnh

0
Giá dừa khô nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã dần khôi phục trở lại sau nhiều tháng giảm mạnh. Dừa khô...

Nhân rộng chuỗi đồ uống: cơ hội cho nhà kinh doanh...

0
Kể từ khi xuất hiện, trà sữa đã tạo ra cơn sốt lớn trên thị trường đồ uống. Một loạt các thương hiệu lớn...

Payoo: Quí 1, doanh số F&B và trang sức vẫn tăng...

0
(SGTT) - Theo dữ liệu của nền tảng thanh toán Payoo, trong quý 1 năm 2023, dịch vụ ăn uống (F&B) và trang sức...

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ...

0
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2022 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.679,9 ngàn...

Cuối năm, chủ kinh doanh dịch vụ vệ sinh nhà cửa...

0
(SGTT) – Càng về cuối năm, lượng tin nhắn đổ dồn vào điện thoại, hộp thư trên fanpage của anh Nguyễn Minh Khoa, chủ...

Kết nối