Tuần tới, Thái Lan sẽ đón đoàn du khách nước ngoài đầu tiên sau sáu tháng đóng cửa biên giới. Đây là phần đầu của kế hoạch thử nghiệm nhằm mở cửa trở lại cho du khách quốc tế vào năm sau. Cả thế giới đang quan tâm là Thái Lan có thể là mô hình để học hỏi về kích hoạt du lịch an toàn. Trong khi đó, du lịch thế giới cũng đang đi tìm một mô hình phát triển mới, an toàn hơn và bền vững hơn sau dịch…

“Xứ chùa vàng” mở cửa dè dặt

Chuyến bay thuê bao từ Quảng Châu đến đảo du lịch Phuket vào ngày 8-10 tới sẽ mang theo  đoàn 150 khách Trung Quốc đầu tiên. Một đoàn khác từ Trung Quốc sẽ đến ngày 25-10 và đoàn khách đầu tiên từ châu Âu đến vào đầu tháng 11.

Có thể thấy sự dè dặt của chính phủ Thái Lan trong việc mở cửa trở lại sau sáu tháng đóng biên vì dịch Covid-19. Hôm qua, chính phủ nước này cũng gia hạn sắc lệnh tình huống khẩn cấp thêm một tháng nữa, cho đến ngày 31-10. Đây là lần gia hạn thứ sáu từ khi dịch bùng phát đến nay.

Thái Lan đã tái khởi động ngành du lịch quốc tế vào tháng 5 và tháng 7, nhưng đành hoãn lại. Chính phủ hiện chỉ cho phép một số lượng hạn chế du khách trong vài tháng, sau đó mới xem xét gỡ bỏ hoàn toàn các lệnh cấm – Chủ tịch Hội đồng Du lịch Thái Lan Chairat Trirattanajarasporn tuyên bố với báo chí trong hôm qua 30-9 tại Bangkok. Ông cũng nói rằng ngành du lịch không kỳ vọng sẽ mở cửa hoàn toàn 100% trước khi thế giới có đủ nguồn vaccine ngừa Covid-19.

Nền kinh tế Thái Lan phụ thuộc khá lớn vào ngành du lịch, vốn chiếm đến gần 20% GDP của đất nước. Kế hoạch tái mở cửa, tái khởi động ngành du lịch của xứ chùa vàng có thể được xem là hình mẫu về việc mở cửa an toàn đối với nhiều nền kinh tế trên thế giới.

Bảo hiểm có mức chi trả đến 100.000 đô la cho chữa trị Covid-19 đang làm khó du lịch Thái Lan khi mở cửa trở lại. Ảnh: Bangkok Post

“Việc mở cửa trở lại là thật sự cần thiết cho nền kinh tế, dù rằng chỉ là thử nghiệm. Sau khi mở được một tháng, chúng tôi sẽ xem xét và đánh giá khả năng mở rộng, cho phép nhiều khách nhập cảnh hơn”, ông Chairat phát biểu.

Giới hạn trần số lượng du khách nhập cảnh nhằm kiểm tra sự sẵn sàng của Thái Lan trong việc mở cửa đón khách nước ngoài khi nội các chính phủ Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha tăng cường các nỗ lực để vực dậy ngành du lịch ngã quỵ vì dịch.

Cũng như nhiều nền kinh tế mà ngành du lịch chiếm tỉ trọng lớn, theo Bloomberg, Thái Lan đang cố gắng có được sách lược cân bằng giữa giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và mở cửa trở lại để kích hoạt ngành du lịch. Khách nhập cảnh sẽ bị cách ly ngay khi đến trong hai tuần và cần ở lại Thái Lan ít nhất là 90 ngày. Một số cơ quan chính phủ đã đề nghị thời gian cách ly y tế còn 7 ngày, nhưng việc giám sát sẽ chặt chẽ hơn và khách phải nộp lịch trình làm việc và đi lại.

Ngành du lịch Thái Lan hy vọng đón 50.000 khách trong quý 4 năm nay. Vì thế, ông Chairat cho rằng lượng khách dự kiến trong năm sẽ chỉ đạt 6,74 triệu lượt khách, giảm đến 83% so với năm 2019.

Doanh số kỳ vọng sẽ đạt 10,6 tỉ đô la, sụt giảm đến 82,6%. Ông cũng nhấn mạnh rằng sự vắng bóng lâu dài khách quốc tế tại những điểm đến nổi tiếng như Phuket, Samui, Pattaya và Chiang Mai sẽ khiến nhiều doanh nghiệp địa phương phải đóng cửa hay phá sản trong vài tháng tới.

Đã qua thời “du lịch đại chúng”

Liệu nền du lịch Thái Lan sẽ khởi sắc và trở thành mẫu hình cho thế giới? Các nhà phân tích nói chính sách cách ly 14 ngày mà Thái Lan và các nước đang áp dụng khi mở cửa với du lịch quốc tế “rất đắt đỏ” và ngoài tầm với của đa số du khách, dù rằng một số ít tha thiết muốn đi. Bên cạnh đó, không phải ai cũng đủ sức mua bảo hiểm y tế có mức chi trả đến 100.000 đô la trong trường hợp khách bị nhiễm Covid-19.

Khao San Road, khu phố du lịch đông đúc và nổi tiếng của Bangkok, giờ đây vắng lặng. Các chuyên gia đặt câu hỏi rằng liệu Bangkok sẽ tiếp tục phụ thuộc vào mô hình du lịch số đông (mass tourism) sau khi mở cửa trở lại. Sau dịch, du khách sẽ có xu hướng tránh một Bangkok ồn ào và đông đúc. Họ chỉ ở đây một hoặc hai đêm và lại rong ruổi đến những vùng biển xanh, cát trắng.

Tiến sĩ Tony Matthews, giảng sư ngành quy hoạch môi trường và đô thị tại Đại học Griffith ở Brisbane, Úc nhận xét rằng: Đây là câu hỏi mà nhiều thành phố du lịch trên thế giới phải đối diện khi tương lai của du lịch ở đô thị là “vô cùng bất định” trong tương lai ngắn hạn đến trung hạn.

“Các đô thị phụ thuộc quá nhiều vào du lịch đang đối diện với cuộc khủng hoảng phi thường. Họ sẽ đợi đến khi du lịch đại chúng hồi sinh, hoặc họ sẽ sớm bắt đầu phát triển các ngành công nghiệp và kinh tế mới?”, Tiến sĩ Matthews trả lời phỏng vấn của Thomson Reuters Foundation.

“Nhưng không dễ dàng chút nào cho việc cải tổ nền kinh tế đô thị. Tách ra xa khỏi mô hình nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch không phải là dễ dàng, trừ phi có sẵn một ngành nào đó thay thế và sẵn sàng tạo ra việc làm, tạo ra lợi nhuận”, ông nói.

Nguồn ngoại tệ mà du lịch mang lại cho các nước. Nguồn: UNWTO / How Much
Chú trọng “chất hơn lượng”

Hàng không giá rẻ tiếp thêm sức cho bùng nổ du lịch những năm gần đây. Các thành phố từ Amsterdam đến Sydney đã và đang chật vật để cân bằng nhu cầu của dân địa phương với mong muốn của du khách – vốn thúc đẩy kinh tế địa phương nhưng cũng có thể gây hại cho các điểm đến.

Hãng tư vấn McKinsey nói rằng du khách quá đông đúc có thể làm cư dân địa phương khó chịu, giá thuê nhà tăng, tạo thêm áp lực với cơ sở hạ tầng, gồm giao thông công cộng và quản lý chất thải. Hệ sinh thái, di sản kiến trúc và văn hóa địa phương cũng bị tổn hại.

Các thành phố trên thế giới đang thay đổi chiến lược khai thác du lịch sau dịch. Thành phố Barcelona ở Tây Ban Nha nhấn mạnh sẽ đặt “chất lượng lên trên số lượng”, quảng bá ẩm thực địa phương và thu hút nhiều hơn du khách hạng sang.

Còn chính quyền thủ đô Amsterdam của Hà Lan nói sẽ phát triển mô hình có tên “bánh doughnut” ưu tiên các mục tiêu xã hội và sinh thái để tạo môi trường sống tốt hơn: chất lượng nơi ở, chăm sóc y tế, đa dạng sinh học hay kế hoạch hành động chống tác hại biến đổi khí hậu.

“Nguồn thu nhập từ du khách trong tương lai sẽ ít đi. Vì thế, Amsterdam cần thiết phải cải thiện các yếu tố cơ bản của nền kinh tế bằng cách khác. Nhưng các thành phố đang sống tốt khi dựa vào du lịch và dịch vụ liên quan trong thời gian dài. Họ trở nên phụ thuộc và không muốn thay đổi trừ phi bị bắt buộc”, Tiến sĩ Matthews nói.

Ricky Hồ

Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây