Thứ Năm, Tháng Mười 3, 2024

Tháng Giêng: đi lễ chùa gần, giãn lễ chùa xa

(SGTTO) - Tháng Giêng, người dân Hà Nội thường viếng các đền chùa để cầu may mắn, bình an cho gia đình. Nhưng do ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (nCoV-2019) hiện nay, người dân đã hoãn việc đi lễ chùa cũng như hạn chế đến những nơi đông người.

Theo ghi nhận của phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị, sự nhộn nhịp, đông đúc ở các khu vui chơi, đền chùa suốt từ mùng 1 đến mùng 5 Tết nay đã thưa dần, dù chưa tới ngày rằm tháng Giêng. Dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV-2019 đã giữ chân nhiều người ở nhà thay vì cùng gia đình, gia tộc hay bạn bè đi lễ chùa đầu năm như thường lệ. Họ hạn chế việc đến nơi đông người và chú ý giữ gìn sức khỏe hơn.

Khẩu trang là “thượng sách”

Du khách đi lễ đền Quán Thánh với khẩu trang luôn trên mặt; Nhưng chụp ảnh thì tạm thời tháo ra để còn tạo dáng. Ảnh: Tâm Anh

Chị Ngọc sống ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết theo thông lệ đầu xuân, chị vẫn đưa mẹ đi lễ đền Ngọc Sơn và Tứ trấn (gồm đền Quán Thánh, đền Bạch Mã, đền Thủ Lệ và đền Kim Liên). Năm nay, mẹ con chị vẫn đi lễ nhưng chị đã nhắc mẹ chị luôn phải đeo khẩu trang, kể cả khi vào trong đền. Vào ngày mùng 5 Tết, các cửa đền cửa phủ vẫn đông đúc. Tại đền Ngọc Sơn, mọi người vẫn phải xếp hàng dài để mua vé vào cửa. Nhưng cũng chỉ mới có lác đác vài người đeo khẩu trang như mẹ con chị.

Nhưng chị Ngọc cho hay từ mùng 6 trở đi thì tình hình đã thay đổi. Đi lễ Phủ Tây Hồ, mặc dù phải chen chúc nhau khá đông nhưng tỷ lệ người đeo khẩu trang đã tăng lên trông thấy. Mấy ngày trước mọi người khi khấn còn kéo khẩu trang xuống hoặc tháo khẩu trang nhưng đến hôm đó thì gần như khẩu trang luôn giữ nguyên vị trí. Thấy tình hình dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, chị Ngọc đã hủy chuyến đi lễ ở tỉnh Tuyên Quang.

Đeo khẩu trang khi đi lễ ở đền Quán Thánh. Ảnh: Tâm Anh

“Đầu năm đi lễ Thượng” là một tục lệ của người dân ở khu vực phía Bắc. Thượng ở đây nghĩa là các tỉnh miền núi như Lạng Sơn, Lào Cai, Tuyên Quang. Anh Bình, nhân viên của một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cùng với đồng nghiệp theo thông lệ cũng thực hiện  chuyến du xuân đi lễ ở Lạng Sơn nhưng cả đoàn ai cũng trang bị khẩu trang cẩn thận. Và theo anh Bình, các chùa, đền cũng vắng hơn mọi năm. Đoàn của anh dự kiến sẽ đi lễ trên Hà Giang vào tuần tới nhưng mọi người còn đang cân nhắc, nếu dịch trở nên nghiêm trọng hơn thì có thể sẽ hoãn chờ tháng sau.

Chị Vân, một Phật tử ở tổ Chính Tâm của chùa Quán Sứ, trong dịp tết cũng thường lên làm công quả trên chùa. Nghe tin về virus corona chủng mới, chị và mọi người trong tổ đã nhắc nhau phải đeo khẩu trang liên tục khi ngồi ghi công đức hay làm những việc khác ở chùa. Mọi người cũng mang theo nước rửa tay khô để rửa tay cho bảo đảm vệ sinh.

Tập luyện, củng cố chế độ ăn

Người dân đeo khẩu trang khấn vái khi đi chùa. Ảnh: Tâm Anh

Chị Thủy, làm việc tại một công ty truyền thông, chia sẻ về việc phòng tập thể hình vắng vẻ vì mọi người sợ dịch bệnh. Nhưng chị và một vài đồng nghiệp tập cùng phòng tập đã kêu gọi nhau cùng đi tập để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng.

Trong thời buổi chống dịch bệnh, chị Hằng, nhà ở quận Tây Hồ, cũng luôn nhắc nhở chồng con phải giữ ấm cho cơ thể. Chế độ ăn uống thì chị luôn chế biến các món ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo đủ vitamin. Chị nói: “Cơ thể khỏe mạnh thì virus nào muốn vào cũng khó”. Bên cạnh đó, vợ chồng chị vẫn cùng nhau đến phòng tập bình thường vào mỗi buổi chiều sau khi tan sở. Chị chỉ hạn chế ra đường nếu không thực sự cần thiết.

Với chị Hằng, việc chen lấn nhau để mua khẩu trang hay dung dịch sát khuẩn là không nên. Nhà chị mọi người vẫn dùng khẩu trang vải như mọi khi, chú ý rửa tay sạch sẽ mỗi khi ra đường về hay trước bữa ăn. Mọi hoạt động gần như không có gì bị xáo trộn so với lúc chưa có dịch bệnh.

Anh Minh, chủ một trang bán hàng qua mạng, mấy ngày này cũng uống thêm mật ong pha chanh tươi, chú ý ăn uống đủ chất và đi ngủ sớm. "Tôi đọc thông tin biết rằng sức đề kháng yếu thì virus dễ tấn công nên tôi và người nhà luôn chú ý nạp năng lượng, nghỉ ngơi hợp lý mỗi ngày".

Không nên lo lắng quá mức

Nhiều người khi được hỏi đã cho rằng, với thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, việc tiếp nhận và chọn lọc thông tin là rất quan trọng. Những thông tin gây nhiễu loạn về virus nCoV khiến mọi người lo lắng, đổ xô nhau đi mua khẩu trang, dung dịch khử khuẩn và cả thực phẩm chức năng tăng sức đề kháng. Việc này đã gây ra không chỉ sự khủng hoảng về tinh thần mà còn gây tốn kém về vật chất. Đến mức trên mạng xã hội, nhiều người còn khuyến cáo rằng đừng để chết vì “khô máu” (hết tiền) trước khi chết vì… virus.

Các chuyên gia y tế Việt Nam đã khuyến cáo người dân nên bình tĩnh tiếp nhận, xử lý thông tin. Việc cứ đổ xô đi mua khẩu trang y tế nhưng lại không tìm hiểu kỹ về cách sử dụng khẩu trang đúng cách thì cũng chỉ mệt người, tốn tiền.

Bên cạnh đó, một số bác sĩ cũng khuyên nếu không có khẩu trang y tế, chúng ta có thể tự chế khẩu trang bằng giấy ăn và dây thun, hoặc dùng khẩu trang vải nhưng phải giặt thường xuyên. Không có nước sát khuẩn y tế, chúng ta có thể tạo dung dịch sát khuẩn từ cồn y tế 70 độ và nước. Chúng ta cần bình tĩnh, khôn ngoan để đối phó với dịch bệnh.

Tâm Anh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thảo Điền lọt top những khu phố thú vị nhất thế...

0
(SGTT) - Mới đây, tạp chí du lịch của Anh Time Out vừa công bố danh sách 38 khu phố thú vị nhất thế...

Tò mò món mì trà sữa trân châu bắp bò, giá...

0
Giống trân châu trong trà sữa, nước dùng màu như trà sữa, giá gần bằng hai tô phở, có nên thử không mọi người?......

Michael Learns To Rock sẽ có đêm diễn tại TPHCM vào...

0
(SGTT) - Ngày 17-11-2024, Michael Learns To Rock, nhóm nhạc huyền thoại của Đan Mạch, sẽ chính thức có đêm diễn đặc biệt Take...

Hoa hậu Nguyễn Thúc Thùy Tiên là Đại sứ Du lịch...

0
Cục Du Lịch Đài Loan tại Việt Nam thông báo sự kiện họp báo công bố Đại sứ Du lịch Đài Loan diễn ra...

Đi chợ nổi, ngắm cảnh từ tàu hỏa nổi bật trong...

0
(SGTT) – Trải nghiệm tuyến tàu hỏa kết nối Huế - Đà Nẵng, đi chợ nổi ngắm bình minh trên phá Tam Giang hay...

Bình Thuận có bảo vật quốc gia

0
(SGTT) - Tại Lễ hội Katê năm 2024, Bình Thuận đã tổ chức lễ đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ về...

Kết nối