Thứ Năm, Tháng Chín 12, 2024

Thân thương bếp củi

(SGTT) – Có một thời gian dài, người miền quê ở Phú Yên không còn nấu bếp củi, nhà nào cũng sử dụng bếp gas, ấm điện. Gần đây khu vực gò đồi trồng keo, bạch đàn, khi khai thác bán gỗ nguyên liệu, nông dân tận dụng cành nhánh chặt về làm củi vừa tiết kiệm điện vừa giảm chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Bây giờ ở miền quê cháy lại bếp củi đã tắt. Nhiều người ở xa có dịp về quê ngồi quây quanh bếp lửa hồng, chụm củi nhìn lửa hừng lực cháy sáng, nghe tiếng ấm nước sôi…

Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Cháy lại bếp lửa đã tắt

Ngồi chụm củi cho bếp cháy bùng ngọn lửa, ông Nguyễn Văn Vinh, ở xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân (Phú Yên), kể hồi còn ở nhà cũ gần sông Trà Bương, chiều đi học về bỏ cái cặp trên thùng phuy lúa rồi ra đầu ngõ chơi. Lúc đi ngang qua chỗ bếp củi thấy má đang nướng thịt. Khói bếp rải mùi thơm thịt lụi từ sau hè đến tận ngoài ngõ, bụng cồn cào đòi cơm sôi chạy cả luồng. Lúc đó làm ruộng hứng nước trời, năm nào lúa được mùa, bếp nhà đỏ lửa ngày ba bữa: sáng, trưa, chiều, năm mất mùa thì bữa sáng ăn cơm nguội. Thịt lụi thì năm thuở mười thì mới có nướng một bữa.

Lấy ống tre thổi lửa, anh Vinh nói tiếp về sau miền quê ở đây không còn bếp củi nữa, nhà nào cũng sử dụng bếp ga. Tôi mua cho má nồi cơm điện, bếp gas, lò nướng để tiện nấu nướng. Nhà dời vô xóm Gò cách xa sông Trà Bương tránh lụt, sân vườn rộng má trồng dừa, tàu dừa khô rơi xuống má chặt từng đoạn ngắn chụm lửa. Hàng cây bạch đàn, keo lá tràm trồng viền theo hàng rào xung quanh nhà, má anh nhờ người mé nhánh rồi chất đống để dành củi nấu nướng.

“Má nói, cơm nấu nồi điện không ngon miệng, má chuyển sang nấu cơm lửa. Má kêu thợ lai bên hông nhà lợp tấm tôn làm cái bếp. Không chỉ nhà má mà bây giờ ở miền quê nhà nhà cháy lại bếp lửa đã tắt”, anh Vinh nói.

Sau khi ra trường, anh Vinh công tác ở TP Tuy Hòa, cuối tuần về quê thăm má, bếp củi này lúc nãy do má anh nhóm, thấy củi tàn anh phụ má chụm củi cho lửa cháy bùng.

Nông dân ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên dùng cành nhánh keo chụm lửa. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

“Tuần trước tôi về quê, má lui cui nhóm lửa rồi bắc nồi cơm lên bếp, cơm cạn vần xuống bếp than hồng rồi lui cui nướng thịt lụi. Cậu Hai ở dưới thị trấn La Hai lên thăm chơi, vừa đến đầu ngõ nghe thơm mùi thịt lụi, cậu đi thẳng đến chỗ bếp củi, xuýt xoa “Lâu quá mới có mùi thịt lụi nướng “lọt” ra ngoài”. Nhà ở thị trấn lâu lâu thèm thịt lụi thì nướng trong lò điện kín mít”, anh Vinh kể.

Chiều, ông Nguyễn Văn Trí, ở xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân) ngồi nướng cá trên bếp củi cho rằng, cá rô đồng đem nướng trên than củi cho tới khi chuyển sang màu vàng bay mùi thơm lừng, còn nướng trên lò vi sóng không bay mùi gì.

“Đang là mùa mưa lụt, thả lưới bắt cá rô đồng bơi lội trong nước bạc đem nướng lửa than bay mùi thơm cả làng. Cá nướng chín đem dằm trong chén nước mắm ngò rồi luộc rau lang chấm. Nấu nồi cơm bếp củi cháy sém đít nồi ăn với rau lang chấm nước mắm dằm cá rô đồng thì gia đình bốn người vét sạch nồi cơm nấu hai lon rưỡi gạo”, ông Trí khen bếp củi.

Ấm tình bên bếp lửa

Chị Bùi Thị Thùy, ở xã An Xuân, huyện Tuy An nấu ấm nước trên bếp lửa cháy bùng, cho hay “Gần đây nhà tôi nấu nướng bằng củi tiết kiệm tiền điện, giảm chi phí gia đình. Như nhà tôi, sáng nấu ấm nước pha trà, chiều nấu hai ấm để tắm rửa cho con và pha trà tối uống. Nếu không có củi mà ấm siêu tốc thì một tháng trung bình nấu 90 ấm nước bằng ấm siêu tốc thì tiền điện trong nhà tăng cao. Đó là chưa kể những lần rang đậu phộng, luộc thịt, nấu cơm lửa. Nhờ bếp củi nhà tôi giảm chi phí tiền điện”.

Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Chị Thùy cũng nhớ lại hồi má còn sống, một ngày của chị luôn bắt đầu bằng ấm nước sôi. Mờ sớm tinh sương, má chị dậy, việc đầu tiên má nhóm bếp và bắc ấm nước. Nấu nước bằng ấm trên bếp củi thì gần sôi phát ra âm thanh réo rắc nhẹ nhàng, má chị gọi là nước kêu ấm. Khi hơi nước đội nắp ấm bung ra thì nước sôi. Má nhắc ấm chế bình thủy, pha trà rồi bắc luôn nồi cơm hay nồi xôi cho gia đình có bữa ăn sáng. Mùa Đông, sáng sớm lạnh cóng, chị dậy ngồi ấm bên bếp lửa. Có một thời gian dài ở miền quê tắt bếp lửa vì khan hiếm củi chụm, chị nhớ da diết tiếng nước kêu ấm.

“Sáng sớm tôi thức dậy nhóm lửa nấu một ấm nước, ngồi chụm củi nghe tiếng nước sôi như hồi nhỏ. Chỉ cần có ấm nước sôi là cả nhà có bữa ăn sáng ngon lành với mì gói, phở hay hủ tíu ăn liền. Thịt bò ướp sẵn để trong tủ lạnh, sắp bánh phở ra tô, cho thịt bò lên trên, rồi chế nước sôi, thêm ít hành lá và vài lá rau xà lách, chút tiêu xay có màu mè. Ăn xong con cái đi học, vợ chồng tôi đi làm. Nấu nước bằng củi vừa tiết kiệm điện vừa giảm chi phí gia đình”, chị Thùy phân trần.

Mạnh Hoài Nam

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Văn hóa đại chúng – Bí mật đằng sau sự thành...

0
(SGTT) - Khi văn hóa không còn nằm trong lãnh thổ vốn có của nó mà bắt đầu du nhập vào một cộng đồng...

Tại sao việc viết giúp phát triển tư duy và tạo...

0
(SGTT) - Ngày 21-6-2024 chúng ta sẽ kỷ niệm 99 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ngày này nhắc cho chúng ta...

Gặp người ‘hồi sinh’ cho sách cũ suốt 40 năm ở...

0
(SGTT) - Tiệm đóng sách của ông Võ Văn Rạng, 64 tuổi, dường như quá quen thuộc với những người đam mê sách cũ...

Phát động cuộc thi ảnh, video ‘Việt Nam hạnh phúc’ năm...

0
(SGTT) - Nhằm lan tỏa vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, ngày 20-3-2024, Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và...

Giúp chợ truyền thống giữ vững vị thế

0
(SGTT) - Bối cảnh kinh doanh thật khốc liệt khi các siêu thị và chuỗi cửa hàng dần lấy đi thị phần của chợ...

Đã là phong tục mới?

0
(SGTT) - Cuối năm vừa qua, lúc kinh tế khó khăn, nhiều chủ doanh nghiệp đã chật vật xoay xở tiền thưởng Tết tượng...

Kết nối