Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Thảm họa được báo trước

Hoàng Xuân Phương

Thứ Bảy, ngày 25-4, một trận động đất kinh hoàng 7,9 độ richter đã xảy ra tại Saurpani, nằm giữa thành phố du lịch Pokhara và thủ đô Kathmandu của Nepal. Tâm chấn nằm sâu 15 km dưới trạm địa chấn Bharatpur. Ba mươi hai dư chấn xảy ra liên tiếp sau đó đã tàn phá thủ đô Kathmandu.

Nepal là quốc gia nằm ngay trên đầu của rặng Himalaya (Hi Mã Lạp Sơn), nơi nổi lên ngọn núi cao nhất thế giới, đỉnh Everest. Những dư chấn tiếp tục lan rộng và người ta cảm nhận được những rung động đến tận Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, và vùng Tây Tạng.

Thiệt hại nặng nề

Những hình ảnh đầu tiên do khách du lịch tải lên mạng xã hội Twitter cho thấy cảnh tang thương, tàn phá và sụp đổ không thể tưởng tượng ở khắp mọi nơi. Kathmandu cùng những thành phố và làng mạc bên trong thung lũng trở thành những đống đổ nát. Tuyết lở phá hủy toàn bộ hạ tầng du lịch leo núi của ngọn Everest, các khu trại bên dưới chân núi bị chôn vùi. Toàn bộ thung lũng Kathmandu và thủ đô Nepal dịch hẳn về phía Nam đến 3 m.

Chỉ trong vài giây, toàn bộ thành phố Kathmandu dịch chuyển 3 m về phía Nam.
Chỉ trong vài giây, toàn bộ thành phố Kathmandu dịch chuyển 3 m về phía Nam.

Tin về số người thương vong tăng lên vùn vụt, sau mỗi giờ, ở cả Kathmandu và các thành phố cùng làng mạc trong vùng. Trong số những người chết trên đỉnh Everest có cả một giám đốc của Google, ông Dan Fredingburg, nữ bác sĩ Eve Girawong và nhà đạo diễn Tom Taplin đang quay cảnh cho một bộ phim tài liệu về Everest. Chính phủ Nepal công bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi quốc tế cứu trợ.

Facebook và Google thành lập ngay những trang mạng cứu sinh. Các báo điện tử thông báo và cập nhật địa chỉ các cơ quan cứu trợ và đại sứ quán các nước chung quanh vùng thảm họa. Nepal là đất nước du lịch, có đến hàng ngàn du khách đến từ các nước đang mắc kẹt lại đó. Trong khi hàng chục tổ chức quốc tế tìm đủ mọi cách để sớm tiếp cận vùng thảm họa thì hàng trăm ngàn người từ Kathmandu tìm đường thoát ra khỏi thung lũng chết chóc.

Hiện số người chết tại Nepal đã vượt quá con số 7.000 và tiếp tục tăng cao, hàng ngàn người bị thương đang cần chữa trị. Trong khi đó con số người chết tại các vùng lân cận ở Ấn Độ là 72, ở Trung Quốc là 25. Hàng vạn người vẫn còn mất tích đâu đó trong các làng mạc hay dưới các đống đổ nát. Người ta buộc phải hỏa thiêu tập thể trước khi nhận dạng từng người. Các đập nước đã bị phá vỡ. Người dân không còn nước uống, thức ăn, và các bệnh viện không còn đủ chỗ nằm, thuốc men.

Theo sau thảm họa động đất năm 2010 tại Haiti, các nhà khoa học đã cảnh báo về một thảm họa tương tự có thể xảy ra cho Nepal trong tương lai gần, tại Kathmandu. Thông báo lúc đầu từ trạm địa chấn Bharatpur cho biết cường độ chấn động lên đến 7,8 độ richter, nhưng các nhà địa chấn sau đó điều chỉnh lên 7,9 độ richter. Năm 1934, một chuyển động tương tự cũng đã xảy ra trên rặng Himalaya, làm gần 10.000 người tử vong.

Không bất thường,chẳng bất ngờ

Chúng ta đã biết chắc rằng một trận động đất kinh hoàng sẽ xảy ra nơi đây. Các nhà địa vật lý đã đo được tốc độ di chuyển 1,8 inch mỗi năm của cả mảng lục địa Ấn Độ khổng lồ về phía mảng lục địa đối diện, và chúi xuống khi hai bên gặp nhau tại bên dưới vỏ đất Nepal. Chính hiện tượng các mảng lục địa trôi dạt, va chạm vào nhau cả hàng triệu năm đã tạo nên rặng núi Himalaya, chạy dài từ Pakistan đến Myanmar. Trận động đất hôm thứ Bảy (25-4) tại Kathmandu không hề là bất thường và cũng chẳng bất ngờ.

Sau 81 năm kể từ trận động đất lớn năm 1934, mảng lục địa Ấn Độ đã đẩy sâu 12 feet vào mảng lục địa đối diện, bên dưới Nepal, tạo nên lực nén lò xo khủng khiếp. Kỳ rung chuyển này đã xảy ra khi toàn bộ năng lượng nén ép đó xô đẩy được một mặt đứt gãy cắt qua vỏ trái đất trước đó nơi vùng Kathmandu, và tai họa khủng khiếp đã xảy ra.

Năm năm trước, thảm họa động đất Haiti đã giết chết khoảng 100.000 người trong phạm vi thủ đô Port-au-Prince. Cả hai thảm họa, tại Nepal và tại Haiti, có hai điểm chung: trước hết cùng được gây nên bởi việc các mảng lục địa trôi dạt va chạm vào nhau; và thứ hai là dân chúng ở cả hai nước đó đều rất nghèo, quá trình đô thị hóa đã diễn ra một cách vô tổ chức, vội vã với sự yếu kém cả về quy hoạch hạ tầng lẫn xây dựng kiến trúc.

Trận động đất ngày 25-4 tại Kathmandu đã ảnh hưởng trực tiếp lên khoảng 1.000-2.000 dặm vuông nằm ngay trên một đới đứt gãy, kéo dài thành một trục chạy qua thủ đô Nepal và thành phố du lịch Pokhara. Kathmandu là nơi sinh sống của khoảng 1,4 triệu người, phần lớn họ nghèo, rất nghèo, phải sống trong những không gian chật hẹp và kiến trúc cổ lâu đời chưa được cải tạo.

Những vết nứt lịch sử

Thực ra toàn vùng thung lũng Kathmandu đã bị động đất tàn phá một lần vào năm 1255, xóa đi vương triều Abhaya Malla lúc đó cai trị toàn cõi Himalaya. Những khảo sát gần đây cho biết tốc độ va chạm giữa hai mảng lục địa lúc bấy giờ là 50 cm mỗi năm và sự kiện xảy ra vào ngày 7-7-1255. Sáu thế kỷ sau, vào năm 1934 nơi đây tiếp tục hứng chịu một trận động đất kinh hoàng mới với cường độ vào khoảng 8-8,2 độ richter.

Một cuộc khảo sát của Dự án quản lý rủi ro động đất thung lũng Kathmandu (KVERMP) thực hiện vào khoảng năm 2003 đến năm 2004 đã cảnh báo một trận động đất lớn sẽ xảy ra nơi đây, có thể đạt mức 8,4 độ richter và làm chết khoảng 40.000 người. Cuộc khảo sát này cũng cho biết 60% những công trình kiến trúc tại đó sẽ bị sụp đổ, 95% đường ống dẫn nước bị vỡ, 50% số cầu và 10% đường sá bị hư hại. Rất may trận động đất thực tế hiện nay chỉ 7,9 độ richter nhưng đi kèm theo rất nhiều dư chấn kéo dài hàng ngàn cây số theo đường đứt gãy.

Tháng 9-2011, theo sau một trận động đất nhỏ hơn trên dãy Himalaya, các nhà khoa học cảnh báo Kathmandu đang tiến dần đến khả năng hứng chịu một trận động đất rất mạnh, gọi là The Big One. Nhà địa chất Dave Petley đã lưu ý rằng Kathmandu có thể bị cắt liên lạc với thế giới, bởi nơi đây chỉ có một sân bay và ba con đường nối với bên ngoài. Đầu năm 2012, chính phủ triển khai một chương trình giảm nhẹ thiên tai. Nhưng tất cả đã trở nên quá muộn.

Tháng 1-2014, Cơ quan nghiên cứu động đất cho biết Kathmandu nhảy lên đứng đầu danh sách những thành phố sắp bị tàn phá bởi động đất và thảm họa đã thực sự xảy ra vào ngày 25-4 cho một trong các nước nghèo nhất thế giới với GDP đầu người chỉ tương đương 1.350 đô la Mỹ. Thiệt hại từ trận động đất không dưới 5 tỉ đô la Mỹ, trong khi tổng thu nhập quốc dân của Nepal trong năm 2014 chỉ ở mức 19,3 tỉ đô la Mỹ. Hạ tầng kỹ nghệ du lịch leo núi bị tàn phá, phải nhiều năm nữa mới có khả năng phục hồi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Năm 2023, nửa triệu người phải tiêm vaccine phòng dại, chi...

0
(SGTT) - Thời gian gần đây, số người tử vong do bệnh dại liên tục tăng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, cả nước...

Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo sẵn sàng thông xe...

0
(SGTT) - Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo dài gần 79km, đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận đã...

Nhà hàng, quán ăn tự tin sẽ ‘hốt bạc’ dịp 30-4...

0
(SGTT) - Kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay kéo dài 5 ngày là cơ hội “hốt bạc” cho các chuỗi kinh doanh...

Đầu tư để xử lý nước ở ĐBSCL cần gấp hơn

0
(SGTT) - Mỗi khi mùa hạn mặn bắt đầu xuất hiện, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước vào quá trình chuyển đổi quản...

Show giải trí truyền hình tăng nhiệt nhờ nền tảng số

0
(SGTT) - Nhờ hoạt động truyền thông, quảng bá trên các nền tảng số, giờ đây các chương trình truyền hình giải trí, gameshow...

TPHCM tăng chuyến xe, chuyến tàu phục vụ người dân dịp...

0
(SGTT) - Dự báo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ tăng cao, Sở Giao...

Kết nối