Thứ Hai, Tháng Năm 13, 2024

“Nên hướng trẻ đến những niềm vui thực tế!”

 thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

Gần đây nhiều phụ huynh lo lắng về việc con mình “nghiện” các thiết bị công nghệ, đặc biệt là máy tính bảng (MTB) bởi chúng cung cấp nhiều tính năng trò chơi (game) hấp dẫn. Máy tính bảng có ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và sự phát triển tư duy, trí tuệ ở trẻ vẫn là chuyện gây tranh cãi.

Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị có cuộc trao đổi với thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên khoa Tâm lý giáo dục, trường Đại học Sư phạm TPHCM) xoay quanh vấn đề trên.

Sài Gòn Tiếp Thị: Thưa ông, nên hiểu thế nào là “nghiện MTB”?

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu: – Khi thời gian trẻ sử dụng máy tính bảng ngày càng tăng và đặc biệt là không còn tự chủ dứt ra khỏi MTB được thì có thể được xem là “nghiện”. Các biểu hiện “nghiện” ở mức độ đầu tiên thường được thể hiện qua việc trẻ dùng dằng, khó chịu khi bị yêu cầu ngưng sử dụng MTB. Ở mức tiếp theo, trẻ sẽ tìm mọi cách để có thể sử dụng tiếp, như năn nỉ bố mẹ cho thêm vài phút nữa (mà thực chất là vài mươi phút)…, nói dối kiểu như con đang dùng MTB để tra từ điển, để học tiếng Anh… để kéo dài thời gian sử dụng. Đôi khi bố mẹ phải la mắng và phản ứng mạnh mẽ thì trẻ mới chịu buông tay.

Nặng nhất, trẻ không thể tự dứt ra khỏi MTB mà bắt buộc người lớn phải can thiệp lấy thiết bị ra khỏi tay trẻ.

Không thể phủ nhận được sự hấp dẫn của thiết bị công nghệ này đối với trẻ em?

– Thật ra trẻ “nghiện” các ứng dụng trong MTB thì chính xác hơn. Một là MTB mang đến những trải nghiệm mà những đồ chơi truyền thống khác không có được. Ví dụ, màu sắc âm thanh sinh động kích thích thị giác trẻ cực mạnh. MTB còn mang lại trải nghiệm xúc giác chạm – biết rất mới mẻ đối với trẻ. Các trò chơi trên MTB được thiết kế cuốn hút đến nỗi nhiều người trưởng thành còn “nghiện” huống hồ gì là trẻ nhỏ. Hai là, MTB mở ra một thế giới giải trí hầu như vô tận. Trẻ có thể chơi hết trò này đến trò khác mà không chán. Thậm chí, với chỉ một trò chơi, nhờ phân cấp theo độ khó tăng dần, trẻ có được niềm vui khi vượt qua từng mức độ và bị kích thích để tiếp tục chinh phục mức cao hơn. Thử hỏi một con robot hay búp bê trên tay có khả năng biến hóa bằng một cái MTB? Ba là, tính tự chủ của trẻ em còn yếu. Các em chưa được rèn luyện nhiều nên khó kiểm soát được các đam mê hứng thú của bản thân mình, chưa ý thức được mình có đang quá sa đà vào các trò chơi trong MTB hay không. Bốn là, trong thời buổi hiện đại bây giờ, ba mẹ thường hay dúi cho trẻ cái MTB là coi như xong nhiệm vụ. MTB trở thành một “vú em” để ba mẹ rảnh tay rảnh việc. Đây chính là nguyên nhân chủ quan quan trọng nhất khiến trẻ ngày càng “lậm” các món đồ công nghệ như MTB, ti vi.

“Nghiện” MTB ảnh hưởng như thế nào đối với sự phát triển của trẻ?

– Nếu “nghiện”, thời gian của trẻ với MTB sẽ thay thế thời gian vui đùa cùng gia đình, mối quan hệ với MTB càng “sâu đậm” bao nhiêu thì mối quan hệ với cha mẹ, anh chị, bạn bè giảm xuống bấy nhiêu. Đắm chìm vào thế giới ảo, trẻ mất đi những trải nghiệm thực – bài học thực trong cuộc sống. Thay vì hai giờ trẻ chơi MTB, trẻ được đi thảo cầm viên, ở đó trẻ được thực tập xếp hàng mua vé, tự đi mua nước, được chạy nhảy vận động, giao tiếp làm quen với mọi người, tận mắt nhìn thấy sự kỳ diệu của tự nhiên… Hàng trăm trải nghiệm thực sẽ giúp trẻ trưởng thành nhanh hơn – trí não phong phú hơn là chỉ đắm chìm trong chiếc MTB.

Đó là chưa kể việc ngồi tập trung vào một điểm quá lâu còn ảnh hưởng đến thị giác và xương sống.

Nếu có con cái trót “nghiện” MTB, theo ông, nên xử lý thế nào?

– Đầu tiên, cần hạn chế để trẻ ít tiếp xúc với thiết bị. Phụ huynh có thể giấu đi hoặc cài đặt mật khẩu. Nếu cho trẻ dùng MTB, cần thỏa thuận với trẻ về thời gian sử dụng và biện pháp kỷ luật khi vi phạm. Song song đó, cần dành nhiều thời gian để giao tiếp với trẻ, kể chuyện cho trẻ nghe, dẫn trẻ đi chơi và khám phá cuộc sống, cho trẻ đi xem phim, xem xiếc, đặc biệt là tập luyện thể thao như học võ, đá bóng, tập bơi… vừa rèn thể chất vừa học sinh tồn mà cũng được phát triển kỹ năng giao tiếp và tinh thần đồng đội. Nếu cha mẹ ít có thời gian ra ngoài, hãy tập cho trẻ có những trải nghiệm thú vị như tập làm vài việc nhà đơn giản, phụ giúp cha mẹ với tư cách là một “người lớn”. Những niềm vui thực tế sẽ giúp trẻ bớt phụ thuộc vào niềm vui từ MTB.

Có người cấm hẳn con em tiếp xúc với MTB. Ông thấy sao?

– Không nên cấm trẻ sử dụng MTB bởi nó không xấu, thậm chí còn khá tốt để giúp trẻ phát triển trí tuệ như óc phán đoán, kỹ năng phản xạ và xử lý tình huống… nếu được dùng chừng mực, hợp lý. Các bậc phụ huynh nên chủ động hướng trẻ lựa chọn các trò chơi trên MTB theo hướng giúp trẻ phát triển khả năng quan sát, tư duy sáng tạo (như ráp hình, tìm đường, tìm điểm khác nhau…) và tránh xa những trò chơi bạo lực. Tốt nhất, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen xin phép trước khi chơi và tự canh thời gian để tự dừng. Qua đó giúp trẻ dần hình thành và phát triển tính kỷ luật và tự chủ.

Xin cám ơn ông.

Đức Tâm thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Người kể những câu chuyện thần thoại thế giới qua game

0
(SGTT) - Với ai đó ở thế hệ 8x, 9x sẽ hiểu được rằng một đứa trẻ đam mê điên cuồng chơi trò chơi...

Chơi game online ngày càng khó

0
Chí Thịnh Kể từ ngày 12-2-2015, theo Thông tư 24 do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, những người chơi trò chơi trực...

Chơi game chuyên nghiệp trên thiết bị di động

0
Không chỉ chơi game trên thiết bị di động với màn hình cảm ứng, những người sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) còn...

Xem chơi game cũng hái ra tiền

0
Video trong video game (trò chơi điện tử) bỗng nhiên trở thành ngành kinh doanh có quy mô hàng tỉ đô la khi đầu...

Kết nối