Thứ ba, Tháng mười hai 10, 2024

Thắc mắc mùa dịch: Có nên tự thực hiện test nhanh Covid tại nhà?

(SGTT) - Lợi dụng tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, hiện nay trên các trang mạng xã hội liên tục rao bán tràn lan các bộ kit test nhanh Covid-19 với nhiều loại giá và có nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Trước những lời quảng cáo có cánh, nhiều người cũng đặt mua bộ thử nhanh Covid-19 về tự xét nghiệm. Một số người thắc mắc liệu có nên tự làm xét nghiệm nhanh tại nhà không? Kết quả này có thực sự chính xác và khác gì so với xét nghiệm PCR?

Test nhanh Covid-19: Sàng lọc sớm người dương tính với SARS-CoV-2

Test nhanh xét nghiệm Covid-19 là xét nghiệm tầm soát nhanh và phát hiện sớm các trường hợp nhiễm Covid-19 không triệu chứng thông qua một bộ công cụ xét nghiệm, nhằm phát hiện các phần cấu tạo của virus (xét nghiệm kháng nguyên) hay phát hiện các kháng thể được tạo ra khi tiếp cơ thể tiếp xúc virus (xét nghiệm kháng thể).

So với xét nghiệm RT PCR là xét nghiệm khẳng định nhưng mất nhiều thời gian, trung bình từ 4-6 giờ, test nhanh góp phần vào hỗ trợ trong giám sát và phát hiện trường hợp nghi ngờ một cách nhanh chóng.

Vì vậy, từ ngày 25-5, Bộ Y tế quyết định dùng test nhanh kháng nguyên thay thế cách xét nghiệm PCR nhằm giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực y tế. Các test nhanh có độ chính xác rất cao có khi đến hơn 99%, có nghĩa là trường hợp dương tính giả (kết quả là dương tính nhưng thực tế người đó không nhiễm) rất thấp.

Cách thực hiện rất đơn giản, dễ dàng, có thể làm được ngoài bệnh viện như tại các trạm kiểm dịch, nhà thuốc, phòng khám, phòng mạch tư, ở nhà hoặc trong bệnh viện: khoa khám bệnh, khoa cấp cứu, các khoa lâm sàng… rất lưu động và trả kết quả chỉ dưới 30 phút. Người ta dùng tăm bông là một que tăm dài, đưa sâu vào mũi để lấy dịch hầu họng, sau đó khuấy vào dung dịch đệm và nhỏ hỗn hợp dung dịch đã hòa mẫu thử lên khay thử, gần giống như “thử thai”.

Kit test nhanh Covid-19 được chào bán trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau. Ảnh chụp màn hình
Tỉnh táo lựa chọn kit test nhanh Covid-19 chất lượng

Trước việc sử dụng tiện lợi, tình hình dịch bệnh lại phức tạp, các cơ sở y tế quá tải xét nghiệm… đưa đến tình trạng người dân lo sợ, tự mua test về nhà thực hiện hoặc các cơ sở y tế tư nhân cũng thực hiện nhằm thu phí.

Đây được xem là một thị trường béo bở vì còn dịch bệnh là còn test, dịch càng bùng nổ khiến dịch vụ xét nghiệm càng hút khách. Đã có lúc, các bệnh viện tầm hạng I, II vẫn phải tìm nguồn “mượn” để phục vụ cho công tác sàng lọc tầm soát khám chữa bệnh cho người dân và phòng chống Covid-19.

Từ đây, tình trạng buôn bán, trao đổi các bộ test này trên các trang mạng xã hội trở nên bát nháo, nhiều loại không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, độ nhạy thấp, tự lấy mẫu không đúng kỹ thuật, người lấy mẫu cạn do sợ đau… sẽ tiềm ẩn nguy cơ người nhiễm Covid-19 không triệu chứng lại có kết quả test âm tính giả, chủ quan dựa vào kết quả không nghiêm túc thực hiện 5K.

Đáng lo ngại hơn, việc buôn bán một số sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc chưa được kiểm định... nhiều loại test nhanh đang bán trên thị trường chỉ có độ nhạy khoảng 25%.

Đến nay, theo Công văn số 5288/BYT-TB-CT ban hành ngày 2-7-2021, có tổng cộng 7 chủng loại bộ test nhanh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cả nhập khẩu (6) và nội địa (1) đã được Hội đồng thẩm định, Vụ Trang thiết bị và công trình y tế (Bộ Y tế) thẩm định và cấp phép được lưu hành. Các nhà thuốc phải có chức năng kinh doanh trang thiết bị y tế đã được đăng ký ở một khu vực được Sở y tế địa phương công nhận mới được bán các bộ test trong danh mục.

Trên thực tế đã có nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng đại dịch để mua bán các bộ test nhanh Covid-19 cả trong danh mục lẫn hàng nhái là hành vi phạm pháp, gây hại cho cộng đồng.

7 loại test nhanh được Bộ Y tế thẩm định và cho phép lưu hành.

Nhiều vụ buôn bán các bộ test không rõ nguồn gốc, có cả hàng nhập lậu điển hình như NASOCHECKcomfort, Singlean GT good test, SD Biosensor, Testsealabs… mà quản lý thị trường đã phát hiện ở nhiều tỉnh thành nên cơ quan quản lý đã ra quân để chấn chỉnh việc mua bán test nhanh trên tất cả các địa phương nhất là tại Hà Nội và TPHCM cùng với các địa phương có dịch đang bùng phát mạnh khác.

Đại diện một số bộ test nhanh hàng trôi nổi, nhập lậu.

Trên thực tế, dù đã được kiểm định chất lượng, các loại test nhanh hay phương phép xét nghiệm PCR đều trả kết quả tính từ thời điểm lấy mẫu trở về trước. Kết quả hiện lên một vạch hoặc cầm giấy kết quả âm tính, ngay từ phút đầu tiên sau khi lấy mẫu nếu có tiếp xúc người nhiễm bệnh nhưng không đảm bảo 5K (Khẩu trang, khoảng cách, khử khuẩn, không tụ tập, khai báo y tế) vẫn sẽ không có giá trị đảm bảo người xét nghiệm không bị lây nhiễm. Do đó, việc sử dụng kết quả xét nghiệm này để đi và tiếp xúc nhiều người sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm và phát tán mầm bệnh nếu chẳng may nhiễm Covid-19.

Dù việc sử dụng test nhanh khá tiện dụng nhưng vẫn phải đảm bảo kỹ thuật lấy mẫu test chuẩn, các thao tác trên khay đúng, đọc kết quả theo thời gian chuẩn khuyến cáo của nhà sản xuất và dùng đúng mục đích của test là tầm soát và phát hiện sớm các trường hợp nhiễm không triệu chứng.

Nếu quá lo lắng về nguy cơ nhiễm bệnh, người dân vẫn có thể mua các loại test tại những cơ sở được phép buôn bán, các bộ xét nghiệm phải trong danh mục cho phép. Người dân tự thực hiện xét nghiệm tại nhà phải cẩn trọng và nên có sự tham vấn của nhân viên hoặc cơ quan y tế để kiểm tra kĩ càng, tránh nhầm lẫn dẫn đến những hậu quả không mong muốn.

BS Đoàn Nhật Trung

CKI Y học Gia đình – Ths Tâm lý học Lâm sàng và Y Khoa  

Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á 

Video: Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối