Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Tăng viện phí từ 1-3: Bớt lo nếu có bảo hiểm y tế

BAN CAO –

Giá dịch vụ y tế sẽ tăng khoảng 30% từ ngày 1-3 và 50% từ ngày 1-7 so với mức giá hiện nay. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này trước mắt chỉ nhắm đến đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) và tác động cũng không nhiều, thậm chí có lợi vì mức đồng chi trả sẽ giảm.

Tăng đồng loạt nhiều dịch vụ

hinh-bia-sgtt-22-2-2016Trong đợt tăng phí khám chữa bệnh lần này, người bệnh có BHYT sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do chi phí tăng hầu hết được BHYT chi trả.

Theo Thông tư 37/2015/TTLT-BYT-BTC của liên bộ Y tế-Tài chính, mức giá gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù được thực hiện từ ngày 1-3. Còn bắt đầu từ ngày 1-7, sẽ tính thêm chi phí tiền lương của nhân viên y tế vào viện phí.

Có 1.887 dịch vụ kỹ thuật y tế được điều chỉnh giá, bao gồm giá khám bệnh, giá ngày giường bệnh, giá các dịch vụ kỹ thuật.

Cụ thể, viện phí cho các ca phẫu thuật, thủ thuật sẽ tăng thêm so với hiện hành từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/ca, tiền khám thông thường sẽ tăng 3-4 lần, tiền ngày giường cũng sẽ tăng 2-3 lần so với hiện hành.

Tiền khám bệnh ở bệnh viện hạng I là 20.000 đồng/lượt, bệnh viện hạng II 15.000 đồng, bệnh viện hạng III 10.000 đồng và bệnh viện hạng IV 7.000 đồng. Từ ngày 1-7, giá sẽ tăng lên tương ứng với các hạng bệnh viện nêu trên là 39.000, 35.000, 31.000 và 29.000 đồng.
Tiền ngày giường sẽ tăng khá mạnh, tiền giường bệnh nội khoa loại 1 (truyền nhiễm, hô hấp, ung thư, nhi, tiêu hóa, tim mạch…) hiện nay là 80.000 đồng/ngày sẽ tăng lên 215.000 đồng; giường loại 2 (cơ xương khớp, da liễu, dị ứng, mắt, tai mũi họng…) từ 65.000 đồng lên 192.300 đồng; giường hồi sức tích cực, ghép tạng, ghép tủy từ 335.000 đồng lên 677.000 đồng.

Các dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm cũng được điều chỉnh tăng giá. Chẳng hạn, giá nội soi dịch vụ có sinh thiết từ 410.000 đồng tăng lên 525.000 đồng từ ngày 1-3 và 621.000 đồng từ ngày 1-7; giá nội soi ổ bụng cũng tăng lần lượt từ 575.000 đồng lên 684.000 đồng và 793.000 đồng; giá dịch vụ đỡ đẻ thường từ 525.000 đồng lên 567.000 đồng và 675.000 đồng. Nhiều dịch vụ tăng tiền triệu với mức giá gấp đôi hiện hành, như phá thai to (13-22 tuần tuổi) từ 430.000 đồng lên 877.000 đồng và 1 triệu đồng…

Tác động tới người bệnh ra sao?

Theo ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Bộ Y tế, mức giá tăng này trước mắt chỉ dành cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), còn với nhóm đối tượng trả viện phí trực tiếp (chiếm khoảng 25% dân số) sẽ được điều chỉnh sau, khi đó đây sẽ là nhóm chịu tác động rất lớn.

Với mức viện phí mới kể trên, kể từ ngày 1-3 trung bình mỗi bệnh viện sẽ có ba mức giá, gồm viện phí với bệnh nhân có BHYT, viện phí khám chữa bệnh theo yêu cầu và viện phí cho nhóm chi trả trực tiếp.
Nhóm người bệnh có thẻ BHYT cũng sẽ chịu tác động khác nhau. Cụ thể, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng vì đã được BHYT thanh toán 100%.

Với người cận nghèo, mức độ tác động cũng không nhiều vì khi đi khám chữa bệnh họ cũng được quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí, chưa kể ngân sách nhà nước hỗ trợ tới 70% mệnh giá thẻ BHYT.
Còn lại, nhóm phải đồng chi trả 20% (mua BHYT tự nguyện), sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Tuy nhiên, mức chi trả là không nhiều, vì khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm phần chênh lệch cho bệnh viện, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm.

Với các dịch vụ kỹ thuật được cung cấp từ trang thiết bị đầu tư từ nguồn xã hội hóa thì người bệnh cũng trả ít hơn. Ví dụ, dịch vụ chụp CT Scanner 64 đang có giá là 2,5 triệu đồng, giá phê duyệt BHYT hiện nay là 1,7 triệu đồng, người có thẻ BHYT phải trả chênh lệch là 800.000 đồng. Nhưng từ 1-7, mức giá phê duyệt BHYT nâng lên là 2,266 triệu đồng, như vậy, người bệnh chỉ còn phải trả chênh lệch là 234.000 đồng (giảm tới 2/3 so với mức đóng hiện nay).

Trong một số trường hợp, người bệnh nếu sử dụng cùng một dịch vụ thì khi càng khám nhiều, mức chi trả càng ít hơn. Ví dụ, nếu bệnh nhân thực hiện nhiều can thiệp trong cùng một lần phẫu thuật thì viện phí sẽ chỉ tính 100% đối với dịch vụ có mức giá cao nhất, còn các kỹ thuật khác sẽ lấy giá 50% nếu kỹ thuật đó vẫn do một ê-kíp thực hiện, còn nếu phải thay ê-kíp khác thì lấy giá bằng 80% so với mức giá quy định.

Ông Nguyễn Nam Liên cho rằng việc điều chỉnh giá viện phí lần này không phải là tăng chi phí để thực hiện các dịch vụ y tế mà là chuyển các khoản chi trước đây Nhà nước bao cấp trực tiếp cho các bệnh viện vào giá, chuyển phần ngân sách này sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, người bệnh có BHYT sẽ có lợi.

Áp lực đối với bệnh viện

Trao đổi với báo chí về việc tăng viện phí, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho rằng việc tăng phí dịch vụ khám chữa bệnh tới đây thực chất sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người bệnh có BHYT, mà sẽ khiến nhiều bệnh viện lo lắng.

Sở dĩ có nhận định này, theo ông Thượng, là vì tăng viện phí đồng nghĩa với việc bệnh viện bị giảm ngân sách từ Nhà nước. Chi phí để hoạt động của bệnh viện chính là nhờ vào nguồn thu từ hoạt động khám chữa bệnh. Trong khi đó, các bệnh viện phải tích cực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải tiến kỹ thuật, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh để “hút” bệnh nhân.

Việc người dân được lựa chọn nơi khám bệnh ban đầu theo quy định thông tuyến khám chữa bệnh BHYT cũng là một áp lực với các bệnh viện, vì nếu không nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, bệnh nhân sẽ không đến nữa, hậu quả là không có nguồn thu, không có kinh phí hoạt động.

Một số bệnh viện cũng đồng tình với ý kiến trên, rằng tăng viện phí thì phải đi đôi với tăng chất lượng khám chữa bệnh, vừa phải phát triển kỹ thuật vừa phải nâng cao chất lượng dịch vụ, đây là thách thức lớn. “Tuy nhiên, các bệnh viện không được lợi gì từ việc tăng phí khám chữa bệnh tới đây. Vì thực ra các bệnh viện bị cắt ngân sách từ Nhà nước, chuyển sang tự chủ bằng nguồn thu phí khám chữa bệnh”, giám đốc một bệnh viện nói.

Còn khi được hỏi về việc sẽ tăng lương cho nhân viên y tế hay không, vị giám đốc này lắc đầu, “rất khó nói được vì nguồn thu của bệnh viện có tăng đâu!”.

Ông Nguyễn Nam Liên cho biết, với việc tăng viện phí lần này, bộ sẽ tính toán để quy định lại về mức bắt buộc bệnh viện phải đầu tư lại để nâng chất lượng dịch vụ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Học nấu món miền Tây bên dòng sông Tiền

0
(SGTT) - Nằm êm đềm bên dòng sông Tiền, du khách đến Mekong Riverside Boutique Resort & Spa (thành viên Sáng kiến Điểm đến...

Ngắm tulip nở rộ tại vườn hoa lớn nhất thế giới

0
(SGTT) – Vườn hoa tulip lớn nhất thế giới Keukenhof (Hà Lan) đang thu hút đông đảo du khách ghé thăm nhờ hàng triệu...

Trưa nay ăn gì: Đổi vị bữa trưa với món há...

0
(SGTT) – Bên cạnh sushi, sashimi hay các loại mì soba, udon, ramen… ẩm thực Nhật Bản còn có món há cảo với hương...

Kết nối