Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Tăng phí, chất lượng dịch vụ có tăng theo?

LÊ ANH – 

Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), doanh nghiệp đang quản lý 22 sân bay trên cả nước, vừa đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho tăng phí sân bay. Vấn đề nhiều người quan tâm là liệu với chất lượng dịch vụ như hiện nay thì việc tăng phí có hợp lý?

Tăng liên tục

sanbayPhuQuocHiện nay trong cơ cấu giá vé máy bay nội địa có các loại thuế phí như thuế giá trị gia tăng, phí sân bay, phí soi chiếu an ninh, phí phục vụ khách của các hãng hàng không…

Phí phục vụ hành khách, gọi tắt là phí sân bay, là loại phí được các hãng hàng không thu hộ vào giá vé và sẽ nộp lại cho sân bay sau khi hành khách thanh toán tiền vé. Giải thích cho đề xuất tăng phí sân bay này, ACV cho biết hiện nay mức phí sân bay đối với hành khách đi các chuyến nội địa thấp hơn từ 2,5 lần đến 8 lần so với khách đi chuyến bay quốc tế. Trong khi chi phí đầu tư của sân bay nội địa và sân bay quốc tế chỉ chênh nhau từ 20% đến 30%.

Cụ thể, mức phí sân bay đối với chuyến bay nội địa được quy định trong mức khung cho phép 40.000-70.000 đồng. Tuy nhiên, hầu hết các sân bay đều thu kịch trần ở mức 70.000 đồng/hành khách là người lớn và 35.000 đồng đối với trẻ em. Chỉ có một số sân bay như Thọ Xuân (Thanh Hóa) và Phù Cát (Bình Định) thu 60.000 đồng/lượt.

Đối với các chuyến bay quốc tế, mức thu tại sân bay Nội Bài đang áp dụng là 25 đô la Mỹ/người, sân bay Đà Nẵng thu 16 đô la/người, còn sân bay Tân Sơn Nhất thu 20 đô la/người. Ngoài phí sân bay, hành khách còn phải trả phí soi chiếu an ninh là 10.000 đồng/người (đi nội địa) và 1,5 đô la/người đối với các chuyến bay quốc tế.

Với sự chênh lệch đó, ACV cho rằng cần tăng phí để thu hẹp khoảng cách giữa quốc nội và quốc tế xuống 2-4 lần trong vòng năm năm. Điều đáng nói là phí sân bay đã tăng liên tục trong năm năm qua.

Cụ thể, đối với một số sân bay lớn như Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, mức phí sân bay năm 2010 là 40.000 đồng/người, năm 2012 tăng lên 60.000 đồng/người, năm 2014 tăng lên 70.000 đồng/người. Đối với chuyến bay quốc tế, tại sân bay Nội Bài năm 2010 là 14 đô la Mỹ, năm 2011 và 2012 tăng lên 16 đô la và đến năm 2014 đã tăng lên 25 đô la/người. Còn sân bay Tân Sơn Nhất  năm 2010 và 2011 thu 18 đô la, từ năm 2012 đến nay đã tăng lên 20 đô la/người.

Không thể tăng mãi

Hiện nay, mức tăng cụ thể cho từng sân bay chưa được xây dựng vì ACV mới xin chủ trương và vẫn đang chờ Bộ GTVT xem xét. Thế nhưng, khi thông tin tăng phí sân bay xuất hiện, nhiều hành khách cho rằng việc tăng phí sân bay chưa hợp lý, vì chất lượng phục vụ ở các sân bay chưa tương xứng với số tiền hành khách bỏ ra.

Một hành khách tên Tuấn ở quận Thủ Đức, TPHCM nhận xét, hiện nay các dịch vụ ở nhiều sân bay còn thiếu, chất lượng dịch vụ chưa tốt. Chẳng hạn, sân bay Cam Ranh chỉ có vài chiếc xe chở khách từ sân bay vào nhà ga, mỗi khi có nhiều chuyến bay hạ cánh, hành khách phải chờ 20-30 phút mới có xe đến để chở vào nhà ga.

Theo vị hành khách này, hành khách đi máy bay hiện nay chỉ sử dụng những dịch vụ cơ bản như ghế ngồi, nhà vệ sinh, Wi-Fi mà phải trả 70.000 đồng/lượt là quá cao. Trong khi những dịch vụ này là dịch vụ tối thiểu ở các nhà ga xe lửa, bến xe. Đó là chưa kể phí soi chiếu an ninh. “Lẽ ra phí này do Nhà nước chi trả vì thuế của người dân đã đóng để phục vụ an ninh rồi, giờ lại bắt hành khách đóng thêm là vô lý”, vị hành khách này nói.

Hiện nay trong cơ cấu giá vé máy bay nội địa có các loại thuế phí như 10% thuế giá trị gia tăng (căn cứ vào giá vé ở từng thời điểm), phí sân bay (70.000 đồng/người lớn, 35.000 đồng/trẻ em), phí soi chiếu an ninh (10.000 đồng/hành khách), phí phục vụ khách của các hãng hàng không (tùy theo hãng thu). Đối với các hãng giá rẻ hành khách còn phải trả thêm phí hành lý ký gửi.

Đại diện của một hãng hàng không cho biết, khi hành khách chọn mua vé ở thời điểm khuyến mãi của các hãng giá rẻ thì tổng các loại thuế phí thậm chí còn cao hơn cả giá vé. Nhiều hành khách thường thắc mắc rằng vì sao giá vé trần của hãng niêm yết trên trang web thì rẻ, song khi thanh toán tổng số tiền lại tăng lên khá cao. Nguyên nhân là do các khoản thuế, phí đã nói ở trên.

Vị này cũng cho rằng, đối với các sân bay xây mới có chất lượng phục vụ tốt thì việc tăng phí là phù hợp. Song đối với những sân bay không phải xây mới mà tăng phí là bất hợp lý. Hơn nữa, ACV cần minh bạch số vốn đầu tư cho sân bay đó, cần nói rõ sau bao nhiêu năm thu hồi vốn thì phải giảm phí xuống chứ không thể giữ mãi mức tăng cao trong thời gian dài. Các khoản thuế, phí đều gộp chung vào giá vé và cuối cùng hành khách phải chịu.

ACV giải thích cho việc tăng phí sân bay sau khi doanh nghiệp này cổ phần hóa vào năm 2014 để bảo đảm hiệu quả đầu tư tăng tích lũy, thúc đẩy quá trình tái đầu tư. Song nhiều người cho rằng giải thích này không thuyết phục, bởi mục đích của việc cổ phần hóa để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cải thiện chất lượng dịch vụ, tăng nguồn thu bằng các dịch vụ mới, chứ không phải tăng phí để tăng nguồn thu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

EU thất thu lớn vì giá tín chỉ carbon giảm sâu

0
(SGTT) - Giá carbon ở Liên minh châu Âu (EU) giảm mạnh trong năm nay khiến doanh thu bán tín chỉ carbon của EU...

Tăng cường 2.000 chuyến bay đêm, giá vé ‘hạ nhiệt’ dịp...

0
(SGTT) - Hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết đang mở bán tăng cường 2.000 chuyến bay đêm (từ sau 21:00 giờ) trên các...

Thơm lừng góc chợ Phạm Văn Hai với tô bánh đa...

0
(SGTT) - Bánh đa là sợi bánh thân quen trong một số món ăn của người dân Hải Phòng. Theo dòng chảy văn hóa...

Thảo Cầm Viên tổ chức lễ hội ẩm thực ba miền...

0
Với quy mô hơn 50 gian hàng, cùng 149 món bánh truyền thống, lễ hội ẩm thực "Non sông thống nhất" diễn ra từ...

Loạt sự kiện du lịch tại các địa phương dịp lễ...

0
(SGTT) - Lễ hội Diều khổng lồ tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa – Vũng Tàu), lễ hội Tháp Bà Ponagar (Khánh Hoà) hay...

Nghĩ về cuộc đấu giá 3 mỏ cát với mức trúng...

0
(SGTT) – Vụ đấu giá ba mỏ cát ở Hà Nội với giá trúng cao gấp hàng trăm lần giá khởi điểm đã trôi...

Kết nối