Chánh Tài -
Ngày càng có nhiều công ty khởi nghiệp trên thế giới đang nhảy vào lĩnh vực kinh doanh khá mới mẻ: môi giới chỗ gửi đồ đạc. Thông qua các trang web, các công ty này đứng ra kết nối người có nhu cầu gửi đồ đạc và người muốn cho thuê không gian trống, không dùng đến, theo BBC.
Kiếm tiền từ không gian không sử dụng
Nhiều chủ nhà có thể tận dụng gác xếp để cho thuê chỗ gửi đồ.
Khi Anthony Paine chia tay bạn gái và dọn ra khỏi căn hộ mà họ sống chung, anh cần kiếm gấp một nơi để cất giữ đồ đạc của anh. Mặc dù biết chắc chắn sẽ có một số nhà ở khu vực xung quanh có chỗ trống để gửi đồ nhưng anh không biết bằng cách nào để tiếp cận họ.
Một ý tưởng đã nảy ra từ trường hợp của mình, thế là Paine và người bạn David Mantle bắt tay thành lập công ty Stashbee ở London (Anh) để giúp kết nối những người có ga-ra, gác xép hoặc nhà kho không dùng đến với những người đang tìm chỗ gửi đồ có giá thuê rẻ.
Dougal Shaw, một phóng viên, đang tu sửa nhà cửa và cần tìm chỗ gửi ba thùng đồ, một ba lô và một bộ gậy chơi golf. Shaw vào trang web stashbee.com và kết nối được với bà Rowena, sống gần chỗ của anh. Nhà bà có một gác xép để trống và Shaw đã thuê chỗ này để gửi đồ trong hai tháng với giá 56 bảng. Nếu thuê chỗ gửi đồ ở công ty chuyên nghiệp sở hữu các kho chứa và tủ chứa đồ, Shaw sẽ mất khoảng 75 bảng.
Phí gửi đồ mà Stashbee đưa ra trung bình khoảng 5 bảng/thùng đồ nhỏ/tháng. Phí gửi những món đồ có kích cỡ trung bình như xe máy, bàn phòng ngủ và kích cỡ lớn như gường, máy giặt lần lượt khoảng 8 bảng/tháng và 12 bảng/tháng. Stashbee quảng bá giá cho thuê chỗ gửi đồ mà công ty này giới thiệu có thể rẻ hơn đến 90% so với các chỗ gửi đồ khác.
Nhà của chị Tanith Carey ở London có một tầng hầm và nhiều đồ đạc của vợ chồng chị cùng hai đứa con nhỏ được cất ở đó nhưng không gian trống vẫn còn nhiều. Chị đã tìm đến trang web stashbee.com để đăng ký cho thuê chỗ gửi đồ và kiếm được trung bình khoảng 200 bảng/tháng.
Anthony Paine, người đồng sáng lập Stashbee, cho biết những khách hàng thường xuyên của công ty là những người muốn gửi sách và áo quần trong khi họ tu bổ nhà cửa hoặc đang trải qua một biến động lớn trong cuộc sống, chẳng hạn ly dị.
Ngành kinh doanh chỗ gửi đồ có doanh số hàng năm khoảng 440 triệu bảng ở Anh và 16 tỉ bảng ở Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn thị phần trong ngành kinh doanh này do các công ty cho thuê chỗ gửi đồ chuyên nghiệp và có tên tuổi kiểm soát.
Stashbee là một trong nhiều công ty khởi nghiệp trên thế giới đang tận dụng công nghệ để khai thác nhu cầu thuê và cho thuê chỗ gửi đồ từ cộng đồng.
Lo ngại tính an toàn
Song, có ý kiến cho rằng gửi đồ cho những nơi không chuyên nghiệp sẽ có những bất tiện. Carlos Sousa, giám đốc kinh doanh ở công ty chuyên cho thuê chỗ gửi đồ Access Self Storage (Anh), nói: “Liệu bạn có thể tiếp cận để lấy đồ đạc của mình bất cứ khi nào 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần? Nếu bạn gửi đồ ở nhà người lạ, sẽ không có điều gì đảm bảo họ sẽ có ở nhà khi bạn muốn tới lấy đồ”.
Carlos Sousa cũng lo ngại về mức độ an toàn của những chỗ cho thuê chỗ gửi đồ nghiệp dư, chẳng hạn liệu đồ có mất mát, hư hỏng?
David Mantle, người đồng sáng lập Stashbee, ghi nhận vấn đề lớn ở đây là mọi người được giáo dục từ nhỏ rằng không nên tin người lạ. Mantle cho rằng nền kinh tế chia sẻ buộc chúng ta phải vượt qua nghi ngại này và phải tin rằng hầu hết người lạ không muốn gây hại cho chúng ta.
Trong khi đó, Anthony Paine nhấn mạnh những người đăng ký dịch vụ của Stashbee phải ký hợp đồng cam kết tuân theo các quy định pháp luật. Anh cho biết, khách hàng gửi đồ phải cam kết “tôi không gửi bất cứ món đồ phi pháp nào” và chủ nhà cho thuê chỗ gửi đồ cũng cam kết “tôi không ăn cắp bất cứ thứ gì của khách hàng”.
Đó là lý do tại sao, không giống như các công ty đối thủ khác, trang web stashbee.com của David Mantle ưu tiên đăng ảnh chân dung của chủ nhà cho thuê chỗ gửi đồ thay vì đăng ảnh không gian cất giữ đồ. Để khách hàng yên tâm, Công ty Stashbee kiểm tra chặt chẽ lý lịch của chủ nhà cho thuê chỗ gửi đồ. Stashbee cũng cung cấp chính sách bảo hiểm tùy chọn cho đồ đạc của người gửi với mức phí khởi điểm 3,77 bảng cho món đồ có giá trị đến 1.500 bảng. Tại các công ty cho thuê chỗ gửi đồ chuyên nghiệp như Access Self Storage, khách hàng bắt buộc phải mua bảo hiểm.
Ngoài Stashbee, còn có công ty khởi nghiệp tương tự mới thành lập trong những năm gần đây bao gồm Costockage (Pháp), Storemates (Anh), Roost (Mỹ), Spacer (Úc), những nơi mà mọi người có thể kiếm tiền bằng cách cho người khác thuê không gian không sử dụng để gửi đồ đạc.
Trong khi phần lớn các công ty này khai thác mạng lưới những gia chủ có không gian trống, một công ty mới có tên gọi CityStasher (Anh) đang xây dựng một chuỗi ki-ốt gần các trạm xe buýt, ga tàu để hành khách có thể gửi hành lý trong khi chờ xe tàu hoặc để rảnh tay đi thăm thú thành phố hoặc mua sắm. CityStasher quảng bá mức phí gửi đồ ở các ki-ốt của công ty sẽ rẻ hơn 60% so với các nơi gửi đồ khác, đồng thời cam kết bồi thường tối đa 100 bảng trong trường hợp đồ bị hư hại trong khi gửi. Trong tháng 11 vừa qua, các ki-ốt của CityStasher đã nhận giữ hơn 700 món hành lý.