Chủ Nhật, Tháng mười hai 15, 2024

Sinh viên cần chuẩn bị gì để ‘vào việc’ ngay sau khi ra trường?

(SGTT) - Các doanh nghiệp đều ưu tiên tuyển những lao động trẻ có kỹ năng làm việc tốt, nhiều kinh nghiệm thực tế hơn là xem xét bằng cấp. Vậy dưới góc nhìn doanh nghiệp, sinh viên cần chuẩn bị gì để có kinh nghiệm và sẵn sàng "vào việc" ngay khi được tuyển dụng?

Tuần trước SGTT đã có đăng tải bản tin về nhận định của các chuyên gia về việc sinh viên ra trường khó tìm việc vì thiếu nhiều kỹ năng. Vậy dưới góc nhìn của các nhà tuyển dụng, nhà trường và sinh viên cần điều chỉnh gì trong quá trình học tập để hoàn thiện kỹ năng, có được kinh nghiệm thực tế để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện nay?

Doanh nghiệp cần kinh nghiệm làm việc hơn bằng cấp

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hàng năm có hơn 400.000 sinh viên đại học tốt nghiệp. Tuy nhiên, hơn một nửa trong số sinh viên ra trường không tìm được việc làm hoặc làm các công việc ngoài chuyên môn, lao động tay chân.

Trao đổi với SGTT, bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghệ môi trường Wepar (TPHCM), cho biết thiếu kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm làm việc là thực trạng chung của nhiều sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Đây cũng là nỗi lo của các doanh nghiệp mỗi khi tuyển dụng nhân sự. Bởi điều này không chỉ khiến doanh nghiệp mất thời gian, chi phí để đào tạo lại sinh viên mới ra trường, mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động vận hành của mỗi bộ phận, phòng ban.

Những năm vừa qua, công ty của bà Mãi chấp nhận tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, công ty vẫn yêu cầu ứng viên đáp ứng những tiêu chí cơ bản để có thể làm việc, không đến mức phải “cầm tay chỉ việc”.

Bên cạnh những ứng viên có thành tích nổi bật, bà Mãi cho biết: “Thực tế trong quá trình tuyển dụng, công ty từng gặp không ít sinh viên mới tốt nghiệp đi phỏng vấn với thái độ, tinh thần thiếu nhiệt huyết với công việc. Cụ thể, ứng viên không tìm hiểu kỹ về công việc, liệu bản thân có phù hợp với vị trí việc làm trước khi bước vào buổi phỏng vấn hay không. Một số khác còn biện minh thiếu kinh nghiệm làm việc là do mới tốt nghiệp ra trường”.

Nhiều sinh viên có suy nghĩ bản thân mới tốt nghiệp ra trường nên chưa có kinh nghiệm làm việc, phải cần doanh nghiệp hướng dẫn. Lối suy nghĩ này sẽ khiến sinh viên chậm thời gian thành công.

Vì vậy, bà Mãi cho rằng không phải bằng cấp cao, xếp hạng giỏi hoặc xuất sắc mà kiến thức chuyên môn, kỹ năng lao động và thái độ làm việc là những yếu tố mà doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm khi tuyển dụng một lao động trẻ.

Để đáp ứng yêu cầu công việc, sinh viên mới tốt nghiệp được đào tạo lại tại Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghệ môi trường Wepar (TPHCM). Ảnh: DNCC

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu phần mềm, bà Phạm Thị Tuyết Loan, Giám đốc nhân sự Công ty Nash Tech Việt Nam cho biết, hiện nay, đào tạo nguồn lực cho ngành công nghệ thông tin đang vừa thừa, vừa thiếu. Hàng năm, có hơn 50.000 sinh viên tốt nghiệp từ các ngành liên quan đến công nghệ thông tin nhưng số lượng nhân lực chất lượng cao vẫn hạn chế.

Hiện nay, nhiều người vẫn thiếu các kỹ năng quan trọng như kỹ thuật chuyên môn sâu, tiếng Anh giao tiếp, khả năng làm việc nhóm và hiểu biết về quy trình quốc tế. Do đó, việc tuyển dụng nhân sự phù hợp cho nhu cầu của doanh nghiệp luôn chậm và không đủ. Tình trạng này cũng khiến các doanh nghiệp phải đào tạo thêm sau khi tuyển dụng để đáp ứng yêu cầu công việc.

Theo bà Trương Quỳnh Như, Phó Giám đốc TopDev - nền tảng chuyên tuyển dụng nhân sự ngành công nghệ thông tin (IT) tại Việt Nam, hai năm gần đây, số lượng vị trí công việc dành cho sinh viên mới ra trường trong ngành IT có sự suy giảm rõ rệt, càng làm tăng thêm mức độ cạnh tranh cao. Các tiêu chí tuyển dụng ngày càng được thắt chặt để tuyển chọn được người lao động phù hợp và gắn bó hơn.

Với ngành IT phần mềm, cơ hội về các công việc nền tảng như phát triển phần mềm; kiến trúc sư dữ liệu, phần mềm; chuyên viên phân tích kinh doanh… vẫn luôn là những mảng có nhu cầu lao động ổn định nên cơ hội sẽ mở ra rất nhiều. Tuy nhiên, sau nhiều cột mốc thăng trầm của thị trường, những yêu cầu ứng viên sẽ khắt khe hơn nhiều như năng lực, thái độ, mức độ gắn bó… để đáp ứng nhu cầu vận hành của công ty. Các kỹ năng mềm và khả năng ngoại ngữ (phổ biến nhất là tiếng Anh) cũng là những yếu tố quan trọng được công ty mong muốn khi tuyển dụng lao động.

Theo báo cáo mới nhất của TopDev về thị trường IT Việt Nam, tiếng Anh vẫn là một trong những yếu tố được các nhà tuyển dụng coi trọng khi tìm kiếm ứng viên

Đào tạo đại học chưa gắn với nhu cầu thực tế?

Một số đại diện doanh nghiệp cho rằng tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học khó tìm được việc làm cũng một phần do các cơ sở giáo dục tổ chức đào tạo chưa quan hệ chặt chẽ với thị trường lao động. Việc đào tạo đại học vẫn chưa chú trọng thực hành và thiếu kết nối với doanh nghiệp trong chương trình học để cập nhật được nhu cầu hay nhưng thay đổi về mô hình công việc trên thực tế.

Chia sẻ với SGTT, ông Nguyễn Thanh Đảo, Tổng giám đốc Công ty cổ phần quảng cáo và xúc tiến thương mại Đông Nam, kiêm Chủ tịch Hội quảng cáo TPHCM cho biết, hiện nay, tình trạng sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi, xuất sắc nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc của doanh nghiệp là khá phổ biến. Nguyên nhân là do sự khác nhau giữa kiến thức học ở trường và áp dụng với thực tế. Trong quá trình học, đa số sinh viên chỉ chăm chỉ học tập, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ nhưng không chú trọng khâu ứng dụng vào công việc thực tế.

Vì vậy, ông Đảo mong muốn các trường cần tăng thời gian cho sinh viên thực tập ở doanh nghiệp, học đi đôi với ứng dụng. Theo đó, khối kỹ thuật cần xuống nhà máy. Khối kinh tế xã hội đi thực tập tại các doanh nghiệp phù hợp để có thể cọ xát, nắm được công việc thực tế. Từ đó, sinh viên điều chỉnh những thiếu sót của bản thân.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Xuân Mãi, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn công nghệ môi trường Wepar, nhấn mạnh chỉ có thực hành, làm việc trong môi trường thực tế thì sinh viên mới dễ làm quen với công việc, dễ học được kỹ năng làm việc mà doanh nghiệp cần. Do đó, các trường nên đưa sinh viên đến các nhà máy, cơ sở kinh doanh càng sớm càng tốt để trau dồi kiến thức và kinh nghiệm ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cùng với đó, trong thời gian đại học năm thứ 3 và 4, sinh viên nên kiến tập, thực tập một cách nghiêm túc thay vì chỉ để có một con dấu, lời phê hay và bảng điểm đẹp. Nếu thời gian thực tập ngắn, chưa đủ để trải nghiệm, sinh viên có thể xin đi làm ở các công ty liên quan đến chuyên ngành mà bản thân đang theo học.

Ngoài ra, ông Đảo cho rằng các trường cũng cần mạnh dạn phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THPT. Đối với học sinh không học tiếp lên đại học, họ có thể lựa chọn các trường trung cấp, cao đẳng nghề. Với đặc điểm đào tạo sâu về thực hành và gắn với doanh nghiệp, sinh viên học nghề có thể rộng cửa việc làm ngay sau khi tốt nghiệp.

Đối với bậc đại học, nhà trường phải làm tốt công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu nhân lực ngành nghề của xã hội. Theo đó, nhà trường không nên coi ngành nào dễ tuyển sinh để chạy theo với đầu vào không cao, trong khi nhu cầu xã hội không cần. Điều này có thể dẫn đến tình trạng sinh viên ra trường dư thừa, thất nghiệp. Nhà trường nên đầu tư chiều sâu vào những khối ngành thị trường lao động đang cần để nâng cao chất lượng đào tạo.

Minh Thảo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối