Thứ Ba, Tháng Ba 19, 2024

Sân khấu nghệ thuật cho thiếu nhi ‘mở màn’ mùa hè sôi động

Ba tháng hè là thời điểm nhiều sân khấu nghệ thuật tại TPHCM tận dụng cơ hội sáng đèn phục vụ cho trẻ em. Đại diện các đơn vị cho rằng đây không chỉ là đối tượng thu hút bán vé trong dịp hè mà còn là tiền đề nuôi dưỡng những khán giả, diễn viên tương lai cho các loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Nhiều kịch bản mới, nhiều sự lựa chọn

Tại sân khấu kịch Quốc Thảo, vừa vào hè, đội ngũ truyền thông đang liên tục giới thiệu đến khán giả là đối tượng phụ huynh, trẻ nhỏ vở diễn mới tựa Siêu thú tranh tài trên đa dạng nền tảng. Theo đạo diễn, giám đốc sân khấu kịch, nghệ sĩ Quốc Thảo, mức đầu tư cho vở này có chi phí hơn 100% so với những vở người lớn có chủ đề khác trước đây. Bởi lẽ vở kịch thiếu nhi lần này là tâm huyết của ông cùng đội ngũ diễn viên trẻ khi thai nghén tác phẩm trong suốt 6 tháng liền.

Ông tâm sự các em nhỏ ở TPHCM đã trải qua hai, ba mùa hè không trọn vẹn vì dịch Covid-19 nên thời điểm hè 2023 rất phù hợp để hồi sinh mạnh nhất các loại hình vui chơi giải trí. Điều này thỏa mãn được nhu cầu thực tế của các phụ huynh khi vừa thêm lựa chọn địa điểm cho con trải nghiệm các hoạt động bên ngoài, vừa là cơ hội cho phòng vé sân khấu nhộn nhịp, thu hút lượng khán giả mới.

Khán giả trẻ thích thú với tình huống trong vở. Ảnh: An Phú

Vở Siêu thú tranh tài này lần này lấy đề tài xoay quanh cuộc thi tài năng của muôn thú trong thành phố, các diễn viên hóa thân lần lượt tạo ra những tình huống, câu chuyện hài hước, tình cảm gợi lên nhiều bài học, cảm xúc cho các em thiếu nhi về tình bạn, sự gắn kết nhờ tình yêu thương giữa con người với nhau. Chương trình diễn sẽ kéo dài liên tục vào ba ngày cuối tuần, mỗi ngày hai suất trong hai tháng 6,7.

Vở diễn Siêu thú tranh tài tại sân khấu kịch Quốc Thảo. Ảnh: An Phú

Lý giải về mức đầu tư lớn lần này, giám đốc sân khấu kịch Quốc Thảo cho biết để hóa trang làm kịch thiếu nhi cần rất nhiều vật phẩm, phục trang, ánh sáng cũng như hệ thống kỹ thuật hơn bình thường. Cụ thể, một người hóa trang thành nhân vật thú chắc chắn không dễ, đoàn làm chỉn chu, kỹ lưỡng mới giống, không thể làm hời hợt để bán vé một lần cho xong. Trẻ em rất nhạy và dễ có ấn tượng không tốt trong lần xem đầu. Tuy vậy giá vé vẫn rất “mềm” chỉ từ 120.000-150.000 đồng/ghế, không gian sân khấu khoảng 150 ghế. Với những nỗ lực của đoàn, vở kịch tự tin đem đến món quà nhỏ cho các em thiếu nhi trong những ngày nghỉ hè trước thềm năm học mới, ông Quốc Thảo tâm sự.

Các diễn viên hóa thân thành nhân vật một cách chỉn chu trong vở. Ảnh: An Phú

Bên cạnh đó, tại sân khấu kịch Idecaf, Trương Hùng Minh, nhà hát kịch 5B cũng liên tục diễn vở thiếu nhi mới. Cụ thể, Idecaf có chương trình Ngày xửa ngày xưa với vở Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai do NSƯT Thành Lộc đảm nhiệm vai diễn Ác tiên Mắc Ma. Vở kịch thiếu nhi Bí mật trăm đốt tre do nghệ sĩ Huỳnh Lập làm tác giả, đạo diễn tại sân khấu kịch Trương Hùng Minh, sẽ diễn liên tục 17 suất trong mùa hè, đang trong tình trạng “cháy vé”. Nhà hát kịch 5B diễn vở Đại náo Long Cung… Trung bình một vé xem kịch tại các sân khấu hiện nay có giá dao động từ 120.000 – 300.000 đồng tùy chỗ ngồi và vở diễn.

Mùa hè – mùa “thừa thắng xông lên” của sân khấu

Sau đợt dịch Covid-19, từ những ảnh hưởng nặng nề lên toàn ngành nghề lĩnh vực, nhiều đại diện sân khấu, nhà hát cho biết đơn vị may mắn có tình hình khả quan khi được khán giả ủng hộ, quan tâm đến những loại hình nghệ thuật truyền thống nhiều hơn, đặc biệt dịp Tết Nguyên Đán 2023 cũng có những tín hiệu tích cực về doanh thu.

Đến tháng 6, ngoài du lịch hè cùng nhau, cho con trải nghiệm nghệ thuật cũng là thói quen của nhiều gia đình ở TPHCM. Từ chính động lực đó, các ông bầu mạnh dạn chi thêm kinh phí, đầu tư nhiều vở diễn, đặc biệt là hướng đến đối tượng trẻ em, gieo sự nhận diện, niềm yêu thích nghệ thuật truyền thống cho những thế hệ khán giả tương lai đồng thời là nguồn lực trẻ của sân khấu kịch nói, nhà hát.

Chia sẻ với KTSG Online, Giám đốc Sân khấu kịch Quốc Thảo cho hay những anh em hoạt động trong sân khấu kịch đều rất vui mừng vì nhà nào cũng đang có vở diễn hè cho thiếu nhi, cùng nhau tạo nên không khí, kích thích lại thói quen xem kịch ở TPHCM. “Như thông lệ nhiều năm về trước, cứ đến mùa hè, chúng tôi luôn có sẵn các vở diễn mới, nhưng có giai đoạn thói quen đến sân khấu bị mai một nên đây là thời điểm thích hợp chúng tôi cùng nhau diễn nhằm lan tỏa và tạo ra sân chơi lành mạnh trở lại. Để khán giả không chỉ có lựa chọn đến với các điểm diễn lâu năm, có sức hút như ở sân khấu kịch Idecaf”, nghệ sĩ Quốc Thảo bộc bạch.

Không chỉ là mùa hè nhộn nhịp của sân khấu kịch, nhà hát nghệ thuật Phương Nam cũng tổ chức thêm nhiều chương trình và hoạt động cho các em thiếu nhi có dịp trải nghiệm sâu hơn về loại hình múa rối. Đại diện nhà hát, anh Trần Được, phó trưởng đoàn múa rối rồng Phương Nam – nhà hát nghệ thuật Phương Nam nhận định ba tháng hè năm nay khả quan hơn hè hai năm trước. Đoàn tập trung thêm nhiều diễn viên, nhân lực chuẩn bị biểu diễn và thay rối mới, bỏ rối cũ, đầu tư chỉn chu hơn về nghệ thuật như tập tuồng kĩ hơn. Song song với công tác chuẩn bị, hoạt động quảng cáo cũng tiếp cận nhiều không gian hiện đại hơn chứ không đơn thuần trong nhà trường nữa. Mùa hè này có bốn chương trình biểu diễn tùy từng tháng như như kịch lịch sử Anh hùng Nguyễn Trung Trực, vở Cá chép hóa rồng, diễn các trò múa rối cổ truyền Việt Nam, vở rối mới Trước ngọn sóng

Các suất diễn múa rối nước tại múa rối nước rồng Phương Nam, nhà hát nghệ thuật Phương Nam. Ảnh: DNCC

Ông Được cho biết thêm nhà hát cũng tăng suất diễn vào cuối tuần phục vụ khán giả trẻ em, học sinh đến ủng hộ đầu hè. Nhà hát vẫn hoạt động tốt các mùa trong năm, mỗi mùa có một đối tượng khán giả khác nhau để diễn đều, đây là tín hiệu vui mừng sau thời gian dịch bệnh.

Ngoài ra, nhà hát cũng liên tục có hoạt động mới bắt kịp xu hướng khán giả, tăng cường  tương tác cho em nhỏ như trải nghiệm một ngày làm nghệ sĩ múa rối nước, thử sức với chương trình dân gian…

Các đại diện điểm sân khấu, nhà hát hy vọng với sự đầu tư chỉn chu chào sân chơi dịp hè lần này, họ sẽ có mùa làm ăn kinh doanh phấn khởi và giúp các em nhỏ được tận hưởng thời gian hè đúng nghĩa, sau nhiều mùa giãn cách, xa rời hoạt động nghệ thuật.

An Phú

Theo Kinh Tế Sài Gòn Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nỗi niềm và hy vọng từ sân khấu kịch mùa Tết

0
(KTSG Online) - Nếu diễn viên được xem là linh hồn của các vở diễn thì khán giả chính là người nuôi dưỡng nên...

Gameshow nội ngoại sôi nổi hút khán giả qua sóng truyền...

0
(SGTT) - Bên cạnh việc phát sóng trên các nền tảng trực tuyến, các chương trình truyền hình thực tế, gameshow phiên bản mới...

‘Thủy phủ’ đạt giải UOB Painting of the Year năm đầu...

0
(SGTT) - Sau 6 tháng khởi tranh, cuộc thi UOB Painting of the Year lần đầu tổ chức tại Việt Nam đã đi đến...

Sôi động gameshow, chương trình truyền hình kết hợp quảng bá...

0
Những năm gần đây, các chương trình truyền hình thực tế, gameshow tổ chức lưu động tại các điểm đến du lịch ngày càng...

Thành Lộc và nhạc, Đức Trí và kịch

0
Nói chuyện Thành Lộc và nhạc hay Đức Trí và kịch cứ tưởng như nhầm chuyện. Vì Thành Lộc được mệnh danh là phù...

Sân khấu xiếc, múa rối: vẫn loay hoay bài toán nguồn...

0
Ba tháng hè luôn là mùa cao điểm doanh thu của nhà hát với loại hình biểu diễn xiếc, múa rối tại Việt Nam....

Kết nối