Thứ Năm, Tháng Tư 25, 2024

Sàn giao dịch vận tải chưa như kỳ vọng

Lê Anh-

Nhiều sàn giao dịch vận tải đã được lập ra để kết nối nhu cầu vận tải giữa chủ hàng và chủ xe nhằm giảm lượng xe chạy rỗng một chiều, tăng hiệu quả trong vận tải. Tuy nhiên, sau hơn hai năm đi vào hoạt động, số lượng giao dịch qua sàn chưa được bao nhiêu.

Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, số lượng giao dịch qua sàn vận tải chưa được bao nhiêu. Ảnh: Lê Anh

Giao dịch lác đác

Cuối tháng 12-2015, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã cấp phép cho sàn giao dịch vận tải Vinatrucking đi vào hoạt động. Sau đó, một số các sàn giao dịch vận tải cũng ra đời như sanvanchuyen.vn, sàn giao dịch hanel…

Sau hơn hai năm đi vào hoạt động, qua thống kê của sàn giao dịch Vinatrucking, sàn giao dịch này mới chỉ có 1.092 thành viên, trong đó thành viên chủ hàng là 209, thành viên chủ xe là 834. Tính đến nay mới chỉ có 642 giao dịch được thực hiện qua sàn.

Trên trang web sàn vận chuyển, tính đến ngày 13-3, con số thống kê cho thấy có 805 công ty vận tải đăng ký với số đầu xe vận chuyển là 1705, số giao dịch là 202, số tiền giao dịch qua sàn là 505 triệu đồng.

Ông Tạ Công Thuận, Tổng giám đốc sàn vận tải Vinatrucking, cho biết sàn giao dịch được coi như một sân chơi cho doanh nghiệp có nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa chủ xe và chủ hàng thông qua trang web. Tuy nhiên, thời gian qua sàn giao dịch vận tải chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia do đây là kênh giao dịch mới nên nhiều chủ hàng, chủ xe còn chưa biết, chưa tin tưởng. Vì vậy, cần phải có thời gian để doanh nghiệp sử dụng.

Đâu là giải pháp?

Mặc dù thấy được tiện ích khi giao dịch qua sàn vận tải, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng giao dịch qua sàn còn nhiếu bất tiện nên họ sau một thời gian tham gia thấy không có hiệu quả rồi rút lui.

Ông Lâm Đại Vinh, Giám đốc Công ty vận tải Lâm Vinh cho biết, doanh nghiệp ông đã có thời gian tham gia trên sàn giao dịch vận tải Vinatrucking, tuy nhiên sau một thời gian thấy không hiệu quả nên không tham gia nữa. Ông cho biết, từ khi tham gia trên sàn, doanh nghiệp không vận chuyển được chuyến hàng nào. Hơn nữa, khách hàng giao dịch trên sàn đưa ra giá chưa hợp lý. Khi giao dịch việc thanh toán rườm rà nên ông Vinh quyết định không tham gia giao dịch trên sàn nữa.

Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TPHCM, cho biết nhiều thành viên trong hiệp hội đã tham gia. Thế nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tìm được hàng để vận chuyển. Việc tìm được nguồn hàng còn phụ thuộc vào tuyến đường và thời gian vận chuyển.

“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa có thói quen giao dịch trên trang web nên cần có thời gian để doanh nghiệp tiếp cận dần dần thì mới thay đổi được”, ông Quản nói.

Tương tự, ông Trịnh Châu Khánh, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM sau một thời gian tham gia trên sàn cũng cho rằng hạn chế của sàn giao dịch vận tải là giá cả không thật và thiếu những doanh nghiệp có thương hiệu. Mọi thông tin các doanh nghiệp đưa lên sàn vận tải cần được kiểm soát. Trong trường hợp doanh nghiệp vận tải hoặc chủ hàng có tranh chấp, khi phản ánh lên sàn thì phải có chế tài, quy định để xử lý nghiêm. Sàn vận tải do Bộ GTVT cấp phép cần có những quy định, chế tài để doanh nghiệp yên tâm khi giao dịch.

Theo thống kê của Bộ GTVT, hiện nay tỷ lệ xe chạy xe rỗng luôn ở mức 60-70%. Khi xe chạy rỗng chiều về, doanh nghiệp thường tính luôn cả chi phí cho chiều về chạy rỗng để không bị lỗ. Nếu sàn giao dịch có hiệu quả, xe có hàng cả hai chiều, giá cước vận tải sẽ giảm từ 30-40%.

Để tăng hiệu quả cho sàn giao dịch, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty vận tải Minh Liên, cho rằng thời gian đầu sàn giao dịch chưa khẳng định được uy tín thì phải có hợp đồng bảo lãnh để gắn trách nhiệm của chủ sàn giao dịch khi đó chủ hàng, chủ xe mới tin tưởng. Ví dụ, khi có vấn đề gì xảy ra trong quá trình giao dịch thì trách nhiệm của sàn đến đâu trong việc giải quyết vấn đề, quyền lợi của khách hàng sẽ được giải quyết như thế nào, sàn có tham gia giải quyết hay không… Có như vậy thì doanh nghiệp mới tin tưởng.

Theo ông Phú, để tạo thêm tiện ích, sàn cần có dịch vụ làm từ đầu đến cuối các khâu giao dịch, doanh nghiệp chỉ cần gọi một cú điện thoại chốt giá là sẽ có người làm tất cả, chứ không phải đăng lên rồi để hai bên tự giao dịch với nhau.

Ở góc độ quản lý nhà nước, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cho biết cho đến nay Bộ GTVT chưa có một văn bản nào kể cả nghị định của Chính phủ mang tính chuyên ngành để quản lý sàn giao dịch vận tải. Theo bà Hiền, để sàn giao dịch hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp quản lý sàn giao dịch phải chủ động gặp gỡ các hiệp hội để phối hợp cùng tìm nguồn hàng và có các giải pháp cụ thể thu hút các chủ hàng, chủ xe tham gia vào sàn giao dịch vận tải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Cao tốc từ TPHCM ra Nha Trang có 5 trạm dừng...

0
(SGTT) - Gần 400km cao tốc từ TPHCM đến Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đã được bố trí 5 trạm dừng nghỉ tạm. Các...

Du khách đổ về bán đảo Sơn Trà ‘săn’ hoa tím...

0
(SGTT) - Những ngày cuối tháng 4, cây thàn mát mọc tự nhiên trên bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng lại nở...

Nha khoa thực hiện 120.000 ca cấy ghép implant nay đã...

0
Là tập đoàn y tế với nhiều chi nhánh tại Hàn Quốc, nha khoa Plan vừa qua đã khai trương phòng khám tại TP....

Chiêm ngưỡng bảo vật hơn 300 tuổi ở làng nghề Thổ...

0
(SGTT) - Bức cửa võng đình làng nghề Thổ Hà, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên, Bắc Giang) có tuổi đời hơn 300...

Check-in núi đá giữa ruộng lúa ở Đồng Nai

0
(SGTT) – Toạ lạc tại huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai, núi đá Chữ Thập là điểm check-in quen thuộc của nhiều người trong...

Góc văn hóa Chăm tại Hội An thu hút khách quốc...

0
(SGTT) – Sau khi khám phá Thánh địa Mỹ Sơn, nhiều du khách quốc tế đã ghé thăm một không gian văn hoá Chăm...

Kết nối