Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

“Review phim” và ranh giới của ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả

Đa phần các ý kiến đưa ra thảo luận ở trong nước hiện nay đều tập trung vào việc các video vi phạm điều 25.7 Luật Sở hữu trí tuệ, đó là làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của tác giả. Bài viết này đóng góp một cách nhìn khác, xem xét việc review phim thông qua các quy định về ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả.

Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng xã hội như TikTok, Facebook mang lại lợi ích khổng lồ cho người dùng khi dòng chảy thông tin được lưu thông một cách gần như không giới hạn. Tuy nhiên, mạng xã hội cũng đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ khi nhiều clip ngắn mang tên “review phim” xuất hiện tràn lan trên các nền tảng nói trên (1).

“Sử dụng hợp lý” nhưng có điều kiện

Pháp luật về quyền tác giả bảo hộ các tác phẩm văn chương nghệ thuật bao gồm văn học, âm nhạc, kịch và cả phim ảnh… Nếu ai đó muốn sử dụng các tác phẩm được bảo hộ thì họ phải xin phép chủ sở hữu. Để cân bằng lợi ích giữa người sáng tạo và người dùng, pháp luật đưa ra những ngoại lệ (exceptions) cho phép người dùng có thể sử dụng một phần hoặc toàn bộ một tác phẩm mà không cần trả tiền.

Các biện pháp này được biết đến dưới tên gọi “sử dụng hợp lý” – “fair use” ở Mỹ hay “fair dealing” ở Anh. Đánh giá hay phê bình (review) hay được xem là một trong những ngoại lệ của việc “sử dụng hợp lý” nhưng hầu hết các quốc gia đều yêu cầu các điều kiện đi kèm.

Tại Việt Nam, điều 25.1(đ) Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) sửa đổi bổ sung năm 2022 cho phép người dùng có thể “trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa trong tác phẩm của mình”.

Còn Vương quốc Anh, thông qua hệ thống án lệ, đã phát triển một vài yếu tố để cân nhắc liệu các hành vi như review có được xem là ngoại lệ “sử dụng hợp lý” hay không. Các yếu tố có thể kể tên như việc sử dụng có cạnh tranh thương mại trực tiếp với việc chủ sở hữu khai thác tác phẩm bản quyền hay không, liệu rằng tác phẩm đã được công bố đến công chúng hay chưa, số lượng và tầm quan trọng của việc sử dụng tác phẩm… Bởi vì, “mặc dù các ngoại lệ cho phép lấy một phần đáng kể của tác phẩm trong một số trường hợp, nhưng việc lấy quá nhiều hoặc lấy một lượng nhỏ tác phẩm một cách thường xuyên sẽ không được xem là “sử dụng hợp lý” (2).

Review phim trên thực tế: khó tìm ra các lợi ích xã hội

Khi xem xét tính hợp lý của một clip review phim, mục đích cụ thể của clip này nên được xem xét. Nếu một việc “sử dụng” cung cấp một số lợi ích xã hội, văn hóa hoặc thông tin, thì chúng có khả năng cao trở thành “hợp lý”.

Tuy nhiên, nếu đánh giá các clip review phim hiện nay dưới góc độ này, thật khó tìm ra những lợi ích mà chúng mang lại. Ngược lại, thiệt hại của những hành vi này thì không khó để nêu tên. Việc các clip review tóm tắt nội dung phim điện ảnh có thời lượng 85 phút (trở lên) hay phim truyền hình dài hàng chục tập trong vòng từ 5-10 phút không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm xem phim của khán giả mà còn cạnh tranh trực tiếp đến nhà sản xuất phim hay chủ sở hữu. Vì lúc này khán giả không cần xem hết tác phẩm gốc mà vẫn có thể nắm bắt toàn bộ nội dung. Có thể nói, đây là yếu tố quan trọng nhất để xem xét liệu một hành vi có được xem là ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả hay không.

Vì như đã nhắc đến phần đầu bài viết, quy định “ngoại lệ” ra đời nhằm đảm bảo cho công chúng được tiếp cận kiến thức và thông tin, khi độc quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm vẫn còn tồn tại.

Một câu hỏi khác có thể đặt ra là thời lượng một video review phim quá ngắn so với tác phẩm gốc thì làm sao chúng có thể thay thế các tác phẩm này? Câu trả lời có thể tìm thấy ở phán quyết của Tòa án tối cao ở vương quốc Anh trong vụ việc Cricket Board Ltd. & Anor v Tixdaq Ltd. & Anor [2016] EWHC 575 (Ch). Tòa đưa ra lập luận rằng việc sao chép và phổ biến các clip mặc dù chỉ có độ dài 8 giây từ các chương trình phát sóng các sự kiện thể thao dài hai giờ đồng hồ vẫn bị xem là vi phạm bản quyền. Vì từ góc độ định tính, các clip thường là những điểm nổi bật của các trận đấu và do đó các video này được quan tâm và có giá trị thương mại. Thẩm phán cho rằng mỗi clip dài 8 giây như vậy đã khai thác đáng kể khoản đầu tư của nguyên đơn vào việc sản xuất chương trình phát sóng hoặc phim có liên quan.

Ngoài việc xem xét các yếu tố như đã phân tích, một câu hỏi mà tòa án Anh thường đặt ra mà người viết nghĩ rằng hoàn toàn phù hợp để áp dụng cho chủ nhân của các clip review phim hiện tại. Đó là liệu một “người có tư tưởng hợp lý và trung thực” có coi việc sử dụng như vậy là hợp lý hay không.

Lê Vũ Vân Anh (*)
Giảng viên Luật SHTT tại Khoa Luật Đại học Oxford, Vương quốc Anh.
Theo KTSG Online
---

(1) Mạng xã hội, sàn thương mại điện tử: Trách nhiệm pháp lý với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ – https://thesaigontimes.vn.

(2) Lord Phillips trong vụ việc Ashdown v Telegraph Group Ltd [2001] EWCA Civ 1142, [2002] Ch 149 [70] trích dẫn ủng hộ Laddie, Prescott & Vitoria, The Modern Law of Copyright and Designs (ấn bản lần 3, 2000), mục 20.16

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối