Thứ Ba, Tháng Tư 23, 2024

Rau Đà Lạt muốn về miền Tây

Thông qua buổi kết nối giao thương với các doanh nghiệp ở ĐBSCL, đoàn doanh nghiệp của thành phố Đà Lạt muốn đẩy mạnh phân phối sản phẩm đặc sản, trong đó có rau củ sạch của địa phương đến với người dân nơi đây.

Mở rộng thị trường

Ông Nguyễn Công Thừa, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, cho biết qua khảo sát ông được biết ĐBSCL là khu vực tiềm năng và muốn mở rộng phân phối rau sạch của Đà Lạt về đây. “Với dân số khoảng 17 triệu người, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao là những điều kiện lý tưởng để chúng tôi mở rộng làm ăn với ĐBSCL”, ông nói.

Theo ông Thừa, hiện rau Đà Lạt mới chỉ có mặt ở vài địa phương của khu vực này, chẳng hạn ở Cần Thơ. Năm 2013 đơn vị của ông chỉ cung cấp được 1.300 tấn thông qua siêu thị Co.opMart Cần Thơ. “Rõ ràng, so với tiềm năng thì nhu cầu của người tiêu dùng nơi đây còn rất lớn”, ông khẳng định.

Khách tham quan đến xem và tìm hiểu sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt) tại buổi kết nối giao thương diễn ra hôm 29-8. Ảnh: Trung Chánh
Khách tham quan đến xem và tìm hiểu sản phẩm rau an toàn của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Đà Lạt) tại buổi kết nối giao thương diễn ra hôm 29-8. Ảnh: Trung Chánh

Bên cạnh kênh siêu thị, ông giám đốc hợp tác xã này muốn mở thêm một số hệ thống phân phối rau ở khu vực này thông qua các chợ truyền thống. Vấn đề hiện nay là chi phí trung gian do tiểu thương vận chuyển rau từ Lâm Đồng về đến các tỉnh làm giá đội lên cao, và hậu quả là người tiêu dùng muốn có rau sạch phải mua với giá cao.

Còn ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp Thạnh Nghĩa, thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cho biết thông qua buổi kết nối giao thương này, ông muốn tìm đối tác đưa rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap của hợp tác xã đến ĐBSCL. “Trọng tâm của chúng tôi là cung cấp qua các chợ đầu mối, hệ thống siêu thị và các bếp ăn tập thể”, ông cho biết.

Theo ông Lượm, mục tiêu của Thạnh Nghĩa là cung ứng khoảng 20-30% sản lượng rau củ được chợ đầu mối sản xuất ra cho ĐBSCL. Trong khi đó, mục tiêu của Anh Đào thông qua buổi giao thương này là tới năm 2025, cung cấp cho ĐBSCL khoảng 30.000 tấn rau sạch/năm.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác của Đà Lạt cũng mong muốn phân phối sản phẩm của họ đến ĐBSCL như cà phê bột nguyên chất, trà ô long, khoai lang mật ong, xi rô dâu tằm, mứt dâu tằm…

[box type=”bio”] Buổi giao lưu kết nối giao thương giữa đoàn doanh nghiệp Đà Lạt và doanh nghiệp ĐBSCL diễn ra tại Cần Thơ là một sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại Cần Thơ năm 2014, diễn ra tại Cần Thơ từ ngày 28-8 đến 2-9.[/box]

Chiến lược lâu dài

Để hoàn thành mục tiêu mở rộng hệ thống phân phối đến ĐBSCL, theo ông Thừa, đây là một chiến lược lâu dài.

Thông qua việc mở các cửa hàng ở chợ truyền thống, ông muốn giới thiệu đến người dân sản phẩm rau, củ của Đà Lạt và giúp họ có sự đánh giá về tầm quan trọng của rau an toàn và các loại rau sản xuất truyền thống khác. “Một khi người tiêu dùng quen với rau an toàn của Đà Lạt rồi, chúng tôi sẽ phân phối sỉ đến tiểu thương ở các chợ, qua đó mở rộng mạng lưới bán ra thị trường với mẫu mã đúng chuẩn”, ông cho biết.

Cũng theo ông Thừa, với hình thức tương tự, sản phẩm rau Đà Lạt hiện được phân phối khá tốt ở khu vực TPHCM và Đà Nẵng. “Bước đầu, người tiêu dùng khá an tâm bởi ngoài việc được tư vấn về lợi ích của việc sử dụng rau sạch, rau an toàn, thì họ có thể yên tâm bởi sản phẩm được chọn 100% là rau củ của Đà Lạt, chứ không phải hàng nhái rau Đà Lạt nhập từ Trung Quốc”, ông nói.

Ông Nguyễn Hồng Ngọc, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Ngọc Sương (Đà Lạt), cho rằng Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL nên có nhiều chính sách thiết thực hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp tại phố núi này.

Trước những kiến nghị của đoàn doanh nghiệp Đà Lạt, ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại du lịch Cần Thơ, cho biết địa phương sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội mở rộng hoạt động kinh doanh, phân phối sản phẩm của Đà Lạt đến với địa phương này.

Theo ông, đây cũng là chiến lược nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Cần Thơ nói riêng và của Việt Nam nói chung, trong bối cảnh Cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm 2015. “Lúc này, hàng hóa của các nước ASEAN sẽ tự do vào Việt Nam với thuế suất 0%, do đó, đa dạng hàng hóa, kết nối giao thương, tìm kiếm cơ hội hợp tác làm ăn giữa các doanh nghiệp trong nước là điều chúng tôi rất ưu tiên”, ông nói.

Trung Chánh

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Lễ 30-4, cơ sở lưu trú chờ khách ‘chốt’ phòng giờ...

0
(SGTT ) – Mặc dù kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới kéo dài đến 5 ngày, nhưng nhiều cơ sở lưu trú...

216 doanh nhân sẽ tranh tài ở Giải golf Lương Văn...

0
(SGTT) - Giải golf Lương Văn Can 2024 lần đầu tiên tổ chức sẽ diễn ra tại sân golf Tân Sơn Nhất vào ngày...

Hè này, trốn phố về… ‘Quận Vui’ The Grand Ho Tram...

0
Mùa vui gặp Quận Vui! Đón chào dịp lễ lớn và kỳ nghỉ hè đầy sôi động với nhiều hoạt động mới mẻ, thú...

‘Thải độc’ da đầu để có mái tóc chắc khỏe

0
(SGTT) - Giống như da mặt, da đầu cũng cần được “thải độc” để giúp kích thích tuần hoàn máu, loại bỏ các tạp...

Tìm về bốn làng chài ven biển miền Trung

0
(SGTT) – Những làng chài ven biển miền Trung như An Hải (Phú Yên), Nhơn Lý (Bình Định) hay Tam Thanh (Quảng Nam)… là...

Về Bình Thuận, viếng thăm ngôi chùa trên núi Tà Cú

0
(SGTT) - Nằm trên núi Tà Cú, chùa Linh Sơn Trường Thọ thu hút du khách bởi không gian thanh tịnh, khung cảnh thiên...

Kết nối