Thứ Sáu, Tháng Tư 19, 2024

Quảng cáo trên xe buýt: Có gì mà khó!

Lê Anh

Trong khi các sản phẩm quảng cáo đang xuất hiện ngày càng nhiều trên xe taxi thì việc quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM mãi vẫn chưa thí điểm được.

Ì ạch xe buýt

Thời gian gần đây, trên đường phố tại TPHCM xuất hiện nhiều banner quảng cáo các sản phẩm được dán trên xe taxi của hãng Mai Linh. Các bảng quảng cáo kích cỡ lớn được dán ở ngay cửa xe, nên dù muốn dù không, hành khách khi mở cửa xe là thấy ngay sản phẩm quảng cáo.

Theo một số công ty quảng cáo tại TPHCM, hình thức quảng cáo trên xe đang được nhiều doanh nghiệp nhắm đến, đặc biệt là xe buýt và xe taxi. Phân tích của các công ty này chỉ ra rằng, quảng cáo trên xe buýt và xe taxi có nhiều ưu thế hơn so với các loại hình quảng cáo khác, vì các loại xe này tần suất hoạt động trên đường nhiều, di chuyển liên tục. Hơn nữa, vị trí quảng cáo dễ thấy nên sẽ thu hút được nhiều đối tượng. Và, điều quan trọng nhất là chi phí quảng cáo rẻ hơn so với các loại hình quảng cáo khác.

Đến thời điểm này, việc quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM dù đã khởi động lại từ giữa năm 2014 vẫn chưa thực hiện được. Ảnh: Anh Quân
Đến thời điểm này, việc quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM dù đã khởi động lại từ giữa năm 2014 vẫn chưa thực hiện được. Ảnh: Anh Quân

Với nhiều ưu thế như vậy, việc quảng cáo trên taxi đang ngày càng nhiều. Trong khi đó, đến thời điểm này, việc quảng cáo trên xe buýt tại TPHCM dù đã khởi động lại từ giữa năm 2014 vẫn chưa thực hiện được.

Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, điểm vướng mắc nhất đối với đề án quảng cáo trên xe buýt chính là hình thức và sản phẩm quảng cáo. Cơ quan quản lý quy định khi quảng cáo trên xe buýt chỉ được quảng cáo hàng Việt Nam, ưu tiên hàng Việt Nam chất lượng cao; nội dung quảng cáo sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt; hạn chế màu đỏ và các màu sắc trùng lắp với hệ thống biển báo giao thông; hình ảnh quảng cáo không quá 50% diện tích mỗi bề mặt của thân xe buýt…

Sau hàng chục cuộc họp giữa các sở, ngành, phương án cuối cùng được chốt lại là chỉ thí điểm trên 10 tuyến với 156 xe buýt. Thời gian thí điểm là sáu tháng, sau đó đánh giá rút kinh nghiệm rồi mới làm đại trà. Theo tính toán của Sở GTVT TPHCM, khi thí điểm quảng cáo ở 156 xe sẽ thu về khoảng 9,8 tỉ đồng. Các doanh nghiệp muốn quảng cáo trên xe buýt sẽ phải đấu thầu cho từng tuyến hoặc gói thầu cho cả 10 tuyến.

Cập nhật tiến độ của đề án thí điểm quảng cáo trên xe buýt, đại diện Sở GTVT TPHCM cho biết, hiện nay đề án đã hoàn thành và đang chờ chính quyền thành phố phê duyệt và trình HĐND thông qua vào kỳ họp tới.

[box type=”download”] Số người đi xe buýt giảm, trợ giá tăng

Năm 2014, số người đi xe buýt của TPHCM đạt 593 triệu lượt, tương đương 1,62 triệu lượt hành khách/ngày, giảm 4,7% so với năm 2013 và mới chỉ đáp ứng được 9,9% nhu cầu đi lại của người dân. Trong khi số tiền trợ giá cho xe buýt lại tăng qua từng năm. Cụ thể, năm 2011 số tiền trợ giá cho xe buýt là 1.364 tỉ đồng, sang năm 2012 đã tăng lên hơn 1.400 tỉ đồng và năm 2013 là 1.470 tỉ đồng.

Một trong những nguyên nhân chính khiến người dân không chọn xe buýt vì chất lượng phục vụ kém. Theo kết quả khảo sát năm 2013 do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM thực hiện có năm yếu tố chính khiến hành khách đi xe buýt chưa hài lòng.

Cụ thể, thái độ phục vụ của nhân viên chiếm 24,6%, chất lượng xe chưa đạt yêu cầu chiếm 14,5%, tác nghiệp của lái xe chiếm 14,4%, sự an toàn khi đi xe buýt chiếm 10,1% và tính đúng giờ chiếm 6,8%.

Để thu hút người dân đi xe buýt, năm 2015 ngành giao thông vận tải TPHCM sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh lộ trình các tuyến xe buýt để phù hợp với nhu cầu thực tế. Đồng thời, sẽ đầu tư thêm xe mới và thực hiện thu vé điện tử để thay thế vé giấy nhằm kiểm soát doanh thu và khối lượng vận chuyển. Thành phố đặt mục tiêu năm 2015 thu hút 600 triệu lượt hành khách đi xe buýt trở lên, đáp ứng 10% nhu cầu đi lại của người dân thành phố.[/box]

Sốt ruột với ngân sách

Trong khi đề án thí điểm quảng cáo trên xe buýt vẫn đang chờ được phê duyệt thì số tiền trợ giá cho xe buýt ngày một phình to. Trong đợt giám sát hoạt động của xe buýt tại Sở GTVT TPHCM hồi tháng 4 vừa qua, ông Phạm Văn Đông, Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM, cho rằng chủ trương quảng cáo trên xe buýt cần được ủng hộ bởi việc quảng cáo sẽ giúp giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố về trợ giá xe buýt. Tính từ năm 2011 đến nay, số tiền trợ giá xe buýt của thành phố khoảng 1.300 tỉ đồng mỗi năm, trong đó năm 2013 tiền trợ giá lên đến 1.470 tỉ đồng, còn năm 2014 con số này không được công bố.

Theo tính toán của Sở GTVT TPHCM, hiện tại thành phố có 2.344 xe buýt đang hoạt động, nếu quảng cáo hết trên các xe buýt này sẽ thu về 170 tỉ đồng/năm (chưa trừ các khoản thuế). Đó là chưa kể việc quảng cáo trên các nhà chờ xe buýt ở khắp thành phố, mỗi năm cũng thu về một khoản đáng kể để bù đắp cho phần trợ giá.

Việc chậm quảng cáo trên xe buýt, khiến thành phố mất đi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm khiến nhiều đại biểu HĐND TPHCM sốt ruột. Cũng trong đợt giám sát hoạt động của xe buýt hồi tháng 4 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TPHCM, nhận định việc thực hiện quảng cáo ở thân xe buýt chậm làm cho ngân sách thành phố ngày thêm nặng gánh. “Nhiều ý kiến cho rằng đề án lần này chỉ cần thông qua Thường trực HĐND thành phố rồi thực hiện mà không cần qua kỳ họp tới”, ông Lâm phát biểu.

Trong thời gian TPHCM xây dựng đề án thì các địa phương khác như Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Long An… đã cho quảng cáo bên ngoài thân xe buýt. Số tiền thu được cho quảng cáo đã giúp các địa phương này giảm gánh nặng ngân sách.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Quảng cáo di động, ưu thế giá thấp

0
LÊ ANH - Một năm trở lại đây, quảng cáo trên các phương tiện giao thông xuất hiện ngày càng nhiều. Chi phí thấp, độ...

Doanh nghiệp thờ ơ với quảng cáo xe buýt

0
LÊ ANH - Chính quyền TPHCM cuối cùng cũng đã quyết định cho phép thí điểm quảng cáo trên xe buýt. Thế nhưng, một số...

Kết nối