Thứ sáu, Tháng mười hai 13, 2024

Quán cơm vui vẻ “vừa bán vừa cho” của nghệ sĩ hài Long Đẹp Trai

(SGTT) – Vừa hoạt động hơn một tháng nay, quán cơm của anh Vũ Văn Long, được khán giả biết đến với nghệ danh Long Đẹp Trai đã trở thành điểm dừng chân của nhiều công nhân, người lao động nghèo mỗi bữa trưa. Ngoài những suất cơm duy trì quán giá 25.000 đồng ở quận Gò Vấp, quán sẽ bán 100 suất cơm cho những vị khách đặc biệt hàng tuần.

Quán cơm bước ra từ phim

Nung nấu ý tưởng mở quán đã lâu nhưng vì nỗi lo cho sân khấu cùng các dự án nghệ thuật, anh Long cho biết đến khi “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, hình ảnh quán cơm xuất hiện trong các series hài, tiểu phẩm, web-drama của mình đã bước ra đời thật. Quán cơm với tính từ “vui vẻ” trong bảng hiệu là kết quả nỗ lực của nhiều đồng nghiệp, những người chung hội nhóm làm thiện nguyện lâu nay. Nhờ có sự hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng, người chung sức làm bếp, thiết kế không gian, mạnh thường quân… quán cơm đã phục vụ đa dạng đối tượng khách, bước đầu hoàn thành tâm nguyện của anh.

Quán cơm vui vẻ tại quận Gò Vấp của nghệ sĩ hài Long Đẹp Trai. Ảnh: NVCC

Nằm ngay vị trí gần khu xí nghiệp, xưởng làm của chị em công nhân viên ở phường 14, quận Gò Vấp, quán duy trì mức giá 25.000 đồng cho một suất cơm mỗi ngày với thực đơn thay đổi đa dạng. Chia sẻ lý do quán bán cơm đồng giá này, anh Long cho biết đây không phải là giá quá rẻ so với thị trường nhưng đổi lại có khẩu phần chất lượng hơn số tiền bỏ ra. “Tôi muốn với 25.000 đồng, người lao động hay nhân viên văn phòng cũng có thể ăn cơm ngon tại không gian quán được bài trí gọn gàng”, anh tâm sự.

Được biết, cứ mỗi trưa thứ Bảy hàng tuần, quán sẽ bán đồng giá 100 phần cơm 1.000 đồng, số tiền anh duy trì hoạt động này có sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân, chi phí cá nhân và công sức của anh em nhân viên quán. "Với mức giá 1.000 đồng, tất cả ai đến ăn cũng có chỗ ngồi đàng hoàng và đều là khách hàng chúng tôi trân trọng. Họ đến mua với cảm giác thoải mái chứ không phải đến xin đồ ăn từ thiện", anh nói.

Phần cơm giá 1.000 đồng bán vào mỗi trưa thứ Bảy. Ảnh: NVCC

Nhớ lại ngày đầu bán cơm 1.000 đồng, anh Long cùng nhân viên lo “ế” vì chưa nhiều người biết đến. Người này truyền tai người kia, giờ đây cứ đến trưa thứ Bảy, quán lại nhộn nhịp những vị khách đặc biệt. Trong tương lai, anh hy vọng quán sẽ được nhiều khách vãng lai biết đến để thêm doanh thu. Đồng thời quỹ quán lớn hơn để tăng số lượng suất cơm 1.000 đồng, mở thêm các chi nhánh cơm giá rẻ gần các khu công nhân, xóm lao động nghèo trên địa bàn TPHCM, vị nghệ sĩ ấp ủ.

Bán cơm mong… hòa vốn

Hiện tại, công việc chính của anh Long vẫn là tham gia diễn xuất, hoạt động nghệ thuật. Chuyện quản lý, sắp xếp quán được anh giao cho người thân cận. Anh chia sẻ mình không phải dân kinh doanh, cũng chưa từng có ý định kiếm thêm lợi nhuận từ quán cơm. “Tôi không cố dùng hình ảnh mình để lăng xê hay thu hút khách đến quán. Đúng là có những người vì yêu mến tôi nên mới đến đây nhưng chất lượng món ăn và cách phục vụ vẫn là mục tiêu đặt lên hàng đầu. Thú thật, bán một phần cơm 25.000 để chi trả mọi chi phí ở quận trung tâm cũng đã khó chứ huống gì là làm giàu. Tôi có thể khẳng định mình không mở quán kinh doanh kiếm thêm tiền”, anh cười nói.

Nghệ sĩ hài được mọi người biết đến với nghệ danh Long Đẹp Trai. Ảnh: An Phú

Để vận hành quán cơm, anh tiết lộ mình đang “gồng” lỗ những tháng đầu tiên, lấy thu nhập chính của nghệ sĩ tiếp sức chi phí, lan tỏa mô hình cơm giá rẻ đến mọi người, đặc biệt là người lao động ngay trong khu xí nghiệp. Theo anh ước tính, mỗi tháng quán chỉ cần hòa vốn hoặc bù lỗ khoảng vài triệu đến dưới 20 triệu, anh sẽ xoay sở được.

Anh bộc bạch mỗi ngày quán cơm mở cửa đón khách, nhận lấy những phản hồi ủng hộ, tích cực từ mọi người, không chỉ anh mà còn những người đồng nghiệp, gia đình thêm động lực duy trì ý nghĩa hoạt động của quán. Có nhiều người dân đi ngang vô tình biết đến chương trình của quán mỗi trưa thứ Bảy, họ liền đem trứng gà, gạo, thực phẩm hằng ngày đến để đóng góp vào quỹ, thêm phần cơm 1.000 đồng đến tay người cần, anh nhớ lại kể.

Những phần cơm giá 1.000 đồng phát tại quán. Ảnh: NVCC

“Tôi mở quán, làm chương trình thiện nguyện cũng sợ bị nhận về tiêu cực, nên đa số hoạt động tôi tự bỏ tiền túi ra, ai biết và cảm thấy tin tưởng thì cùng nhau làm. Vì vấn đề này giờ khá nhạy cảm, tôi cũng biết 100 suất cơm chẳng thấm vào đâu với người nghèo ngoài kia, nhưng nếu cứ một người làm thì chúng ta sẽ có nhiều người làm. Không phải chỉ nghệ sĩ mà bất cứ ai hướng về cộng đồng đều đáng trân trọng”, anh tâm niệm.

An Phú

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Kết nối