Thứ Tư, Tháng Tư 24, 2024

Quà ơi!

Đức Nam –     

“Này, có nhà không, tôi nhờ bác xe ôm ghé đưa ít rau sạch. Đậu bắp, mướp, bí mới hái sáng nay với ít mồng tơi cho bọn nhỏ”.

– Ừ, bà gửi bảo vệ hộ tôi, tí tôi đi làm về lấy”.

quaque2

Từ hồi vợ chồng cô bạn mua được 2.500 m2 đất vườn ở Củ Chi, TPHCM, bạn giã biệt những mệt nhoài đô thị, về nơi vắng tiếng lao xao. Anh làm vườn, chị nuôi gà, vịt, ngỗng. Hầu như tuần nào tôi cũng được nhận quà như vậy. Bọc rau má anh mới cắt vội sáng sớm vẫn còn nguyên rễ với lá vàng lẫn lá tre nhà bên rụng xuống, mấy quả trứng vịt cô bạn tự muối trong lọ cả tháng nay ngấm muối rồi mới chia cho, vài trái bắp mới bẻ còn nguyên vỏ dày đầy đủ các lớp áo trong ra ngoài. Bạn dặn, cứ để nguyên thế luộc ngay, nước luộc bắp còn nguyên vỏ và râu nên ngọt và mát, bắp ăn thì hẳn nhiên là tươi và ngọt, khác hẳn bắp mua ngoài chợ.

Quà từ nhà vườn không khi nào giống nhau. Mấy trái mướp đắng, đậu bắp, dưa leo, bí đỏ nhìn còi còi mà ăn ngọt ngay, ăn sống cũng yên tâm vì không phun tẩm thuốc gì. Thời buổi thực phẩm bẩn rình rập ngoài ngõ, cụm từ “của nhà trồng được” sao mà quý giá. Nắm rau mồng tơi nhặt cả lá đến tận gần gốc mới tiếc rẻ bỏ phần rễ vào thùng rác. Mấy cọng rau ngót lá hơi sém vàng cũng vẫn bỏ vô nồi nấu tuốt. Người ăn tiếc công người trồng hì hục cày cuốc cả tháng mới hái, lại còn thồ bằng xe máy gần 40 km đem cho. Người trồng rau đã cực, cái công đem cho hay thuê xe ôm cũng cực không kém. Cho xong còn nhắn tin gọi điện nhắc ăn sớm kẻo hỏng, cất ngay vào tủ lạnh kẻo mất tươi.

Lại nhớ mỗi khi về nhà ở Hà Nội, cũng được nhận quà đầy tình thương như thế. “Xuống dưới cổng đi, chị đứng ở cổng… Đây, hai chục bánh phu thê, vài chục bánh rán vừng, đồ sạch mới làm không có chất bảo quản đâu nên phải ăn trong ngày, để đến mai là thiu đấy… Cho con ăn ngay nhé. Cân chanh đào mới vào mùa chị gái gửi ở quê lên đây này, thái lát ra ngâm với đường phèn để ngậm ho quanh năm. Ổi găng và sấu chín. Nhé, chị đi làm đã…”.

Quà quê còn là xấp bánh đa Kế bọc lớp vừng den dày sụ ông bà thông gia gửi từ Bắc Ninh lên, chục bánh gai Ninh Giang, bánh nếp bánh tro bố mẹ đứa bạn làm nhân dịp con về thăm nhà. Tết này Hà Nội có phong trào ăn đồ nhà quê, người ta biếu nhau những xâu bánh tẻ tự làm để ăn chơi ngày tết và khỏi lo hóa chất. Bánh bằng bột gạo tẻ nhân thịt nạc băm với mộc nhĩ, hành khô, luộc nóng, chấm với nước mắm tỏi ớt. Loại quà bánh của bao nhiêu năm thuần khiết quê nhà mà nay người thành phố ăn sao mà ngon thế.

Bác tôi ở quê vài tháng lại gửi xe khách lên chục trứng gà con so. Trứng bé xíu chỉ bằng quả chanh mà hầu hết là lòng đỏ, luộc lên bóc ra cắn dè sẻn được hai miếng mà thơm ngon. Khi thì chục bắp ngô, nải chuối, khoai sọ, khoai lang, con gà trống thiến, ít bắp cải su hào. Háo hức mở cái bịch sản phẩm nhà vườn thập cẩm ra phân loại, reo lên vì có nguyên cả cái hoa chuối thấm đẫm nhựa cho bố tôi làm nộm (gỏi).

Rồi tôi đi xa Hà Nội, bao thương nhớ vơi đầy rồi cũng lặng lẽ hơn. Gia đình tôi ít nhận được quà quê hơn, nhưng giờ đây từng gói cốm xanh, vài chục trái ổi găng, sấu chín, mận xanh, gói lạc rang húng lìu hay kẹo lạc kẹo vừng được người thân, bạn bè xách theo trên mỗi chuyến bay cho mình trở nên quý và lạ. Trẻ con quen ăn bánh tráng trộn Sài Gòn mở to mắt hỏi bánh dầy giò là bánh gì hả mẹ.

Mỗi lần đợi con trước cổng trường cấp 1, cấp 2 ở thành phố, nhìn những gánh hàng bán quà cho trẻ ở cổng trường màu sắc sặc sỡ, tẩm ướp đủ loại mà thấy lo quá chừng. Bọn nhỏ mua vài bịch, chia nhau ăn chung. Đứa dùng xiên ăn, đứa bốc ngón tay trỏ và ngón cái liếm mép ngon lành. Bịch đồ ăn nào cũng có màu đỏ au hay vàng sặc sỡ, màu mà chắc chắn không phải màu mộc của thực phẩm sạch.

Quà quê hồi nhỏ chúng tôi ăn đâu có những màu sắc đáng lo như thế, chỉ là màu đen của bánh ít, bánh gai mà chắc chắn là từ cây gai ngay ngõ, màu xanh lá dứa hay lá ngót, màu đỏ xôi gấc. Nhiều loại bánh còn giữ nguyên màu bột gạo như bánh tráng, bánh đúc, hay vàng vàng bánh ngô, bánh khoai… Quà vặt chẳng ở đâu xa, vì ngày cuối tuần hay lễ tết là ông bà, bố mẹ, bác, dì tự tay làm.

Nhớ nhất là mùi bánh đúc trong tiết trời se lạnh trong những ngày đầu đông. Nghe mẹ nói mai làm bánh đúc lạc ăn là cả bọn thấp thỏm suốt đêm, trời sáng là bật dậy liền. Bịch lạc khô trên gác bếp được lấy xuống ngâm vào nước ấm, sau đó đem luộc chín. Bột gạo tẻ pha với ít bột năng có thêm vài hạt muối được khuấy đều trong cái nồi gang trên bếp lửa. Cả đám trố mắt dõi theo mẹ khuấy bột cả giờ đồng hồ, cho đến khi bột chín dẻo quánh lại. Lúc này, mẹ thêm ít mỡ lợn (heo), thêm lạc đã nấu chín vào rồi khuấy tiếp. Bánh đúc chín được đổ trên cái mâm nhôm đã được quệt chút mỡ lợn cho khỏi dính. Dải bột chảy đến đâu, khói bốc lên thơm lừng đến đó, nhìn tựa mảnh vải chấm bi hồng ánh lên từ những hạt lạc mập mạp. Cả đám xúm lại quạt cho bánh mau nguội, để mẹ còn cắt ra từng miếng nhỏ cỡ bao diêm, để mau được chấm miếng bánh đúc vào chén tương bắc (làm từ hạt đậu tương lên men) mà đưa vào miệng, rồi reo lên ngon quá!

Bánh đúc lạc và cơm tấm muối vừng là hai món thuở ấu thơ tôi nhớ nhung hơn cả. Cơm tấm muối vừng thực ra là món ăn sáng tạo của nhà nghèo. Hồi chị em tôi còn nhỏ, phân công luân phiên nấu cơm, đứa nào nhỡ tay đổ nhiều nước khiến nồi cơm bị nát là bố tôi chữa cháy bằng món này. Khi cơm còn nóng, bố xúc vào cái khăn mặt sạch, sau đó cuốn khăn lại và nhồi bằng đôi tay khỏe của bố. Một hồi lâu, cơm dẻo quện lại thành nắm, rồi cứng lại thành miếng bánh khi nguội. Bố thái thành từng lát, lúc ăn chấm với muối vừng, muối lạc. Nồi cơm nhão bỗng chốc biến thành bữa tiệc, vừa thơm ngậy vừa no lâu.

Rồi bánh gai, xôi vò, bánh mật, bánh rán vừng, bánh khoai, bánh cuốn, ngô (bắp) bung, ốc luộc, bánh bao, bánh chuối, bánh ngô, ngô rang, kẹo vừng, kẹo lạc, chè đậu đen bí đỏ, chè khoai, chè củ sắn… đều được bố mẹ, ông bà tự làm những ngày lễ tết. Nguyên liệu thì ở ngay quanh nhà. Lá dong góc vườn, lá chuối đầu ngõ, ngắt mấy lá ngót lá dứa già sau nhà giã ra lấy nước làm màu xanh, lá mít gói bánh để hấp… Bao năm lớn lên chúng tôi ăn như thế.

Thế mà bây giờ khối người tìm cách quay về với lối sống nhà quê ấy, tự cung tự cấp thực phẩm, tự kiểm soát các nguồn thức ăn như nỗ lực yếu ớt tự bảo vệ mình và người thân trước cơn bão thực phẩm tẩm, ướp, nuôi bằng hóa chất. Nên đôi khi, đi giữa thành phố đầy biển báo mời mọc hàng trăm loại đồ ăn, các tiếng rao thánh thót toàn bán mấy thứ quà xuất phát ở quê ra chứ đâu mà lại giật mình “quê nhà tôi ơi con đường xa quá”.

Biết bao người bình thường nhỏ bé như tôi, vắt óc cũng không hiểu tại sao, như thế nào, cái gì và bắt đầu từ ai để có thể đánh thức tâm can của những người đang làm ô nhiễm thực phẩm, để giết đồng loại mình một cách âm thầm tinh vi hôm qua, hôm nay, ngày mai.

Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Du lịch Quảng Nam ‘khơi chuyện’ để tiếp cận du khách...

0
(SGTT) - Bước vào mùa Hè cũng là cao điểm của mùa du lịch, việc tung ra các gói kích cầu đúng thời điểm...

Cảnh báo lừa đảo xuất khẩu lao động sang Canada

0
(SGTT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua phát hiện một số quảng cáo được đăng tải trên các...

Mẹ rùa Malaysia vượt biển đến Côn Đảo đẻ trứng

0
(SGTT) - Ngày 22-4, một rùa mẹ đeo thẻ quốc gia Malaysia đã bơi vào bãi Cát Lớn tại hòn Bảy Cạnh, thuộc Vườn...

Ngắm phố Huế mùa hoa điệp vàng nở rộ

0
(SGTT) - Những ngày tháng Tư, hoa điệp vàng lại bung nở trên những con đường, góc phố ở xứ Huế mộng mơ. Rực...

Hai nút giao trên cao tốc Mai Sơn – quốc lộ...

0
(SGTT) - Hai nút giao Thiệu Giang và Đồng Thắng thuộc cao tốc Mai Sơn – quốc lộ 45 tạm dừng hoạt động chỉ...

Không được từ chối đăng kiểm xe đã đặt lịch hẹn...

0
(SGTT) – Cục Đăng kiểm yêu cầu trung tâm đăng kiểm không được từ chối tiếp nhận kiểm định xe đã đặt lịch thành...

Kết nối