Thứ Bảy, Tháng Tư 20, 2024

Phượt thủ Trần Khắc Hạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam qua những tấm patch

(SGTTO) – Từ những năm tháng rong ruổi khắp mọi miền đất nước, phượt thủ Trần Khắc Hạnh đã nghĩ ra ý tưởng làm nên những tấm patch dán ba lô để kể câu chuyện về lịch sử, văn hóa Việt Nam cho du khách quốc tế.

Anh Trần Khắc Hạnh bắt đầu đi du lịch một mình từ năm 2010 bằng những chuyến đi ngắn. Ngoại trừ Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, phần còn lại của đất nước đều có dấu chân của anh.

 

Về lý do chọn chiếc mô tô là người bạn rong ruổi trên những cung đường, anh Khắc Hạnh giải thích: “Đi một mình mới có thể tập trung và có cảm hứng cho việc sáng tác những bức ảnh đẹp. Mỗi bức ảnh là một câu chuyện về những nơi mà tôi đã đi qua”. Điểm chung có thể nhận ra trong bộ ảnh của anh là một màu xanh ngắt của rừng, sự trong lành của thiên nhiên và sự yên bình trong cuộc sống.

Chủ đề thiên nhiên trong bộ ảnh của phượt thủ Trần Khắc Hạnh.

Có những nơi đã đi qua nhưng anh còn quay trở lại vì muốn làm một điều gì đó có ý nghĩa cho những nơi này. Từ đó, những chuyến đi xuyên Việt làm từ thiện của anh xuất hiện nhiều hơn. Có thể kể đến chuyến đi bán xuyên Việt trong 20 ngày, đi qua hàng chục tỉnh thành để trao quà cho 300 em học sinh tiểu học của trường dân tộc bán trú ở xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Món quà không chỉ của riêng anh mà được quyên tặng từ các bạn mê xê dịch ở khắp nơi gửi về.

Chuyến đi gần đây nhất khiến anh ấn tượng là chuyến tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ ở Cát Tiên và Ninh Thuận. Sau đó anh có dịp sống chung với dân làng trong nửa tháng.

Ba năm đi và khám phá hầu hết cung đường đẹp bậc nhất Việt Nam khiến anh trở thành phượt thủ dày dặn kinh nghiệm và là chuyên gia trekking được anh em trong giới phượt nể phục.

Anh cũng thường chia sẻ, tư vấn những đồ dùng sinh tồn và kinh nghiệm sống trong rừng của anh cho cộng đồng như chuẩn bị ba lô, dụng cụ đi rừng thế nào, cách sử dụng bếp dã chiến…

 

Căn lều “đầy đủ tiện nghi” do anh Khắc Hạnh dựng lên bằng những gì có sẵn trong rừng.

Cùng xem phượt thủ Khắc Hạnh chuẩn bị nướng thịt trong rừng:

 

Đầu năm 2015, anh Khắc Hạnh mở quán cà phê. Quán của anh thường được những phượt thủ có tiếng đến ủng hộ. Những người cần anh tư vấn về kinh nghiệm trekking cũng hay đến quán. Cũng tại thời điểm này, ý tưởng làm nên một sản phẩm “made in Vietnam” cho du khách nước ngoài bắt đầu hình thành.

Anh Khắc Hạnh có nhiều bạn bè là du khách nước ngoài. Họ hay hỏi anh về chỗ bán những miếng patch – miếng dán được thêu thủ công – dùng để dán lên ba lô. Dân phượt chính hiệu thường dùng loại ba lô chuyên dụng có đính sẵn những miếng vải hình vuông, chữ nhật với kích cỡ khác nhau.

Anh Hạnh nhớ lại: “Tôi xài ba lô chuyên dụng đã lâu nhưng lúc đó thật sự không biết những miếng đính sẵn vào ba lô dùng để làm gì. Khi nói chuyện với khách Tây tôi mới biết. Họ hay mua những miếng patch, mặt sau có đính gai, để dán vào những ô vải đó. Patch của nước ngoài rất đơn giản, chỉ là hình logo hay nhân vật được ưa thích, giá thành khá cao”.

Nhận thấy thị trường trong nước chưa có ai sản xuất những miếng patch mang đặc trưng của Việt Nam để bán cho du khách nước ngoài, anh Khắc Hạnh đã bắt tay vào việc cho “ra lò” những miếng patch đầu tiên.

Thật bất ngờ, sản phẩm của anh được du khách nước ngoài khen ngợi và đón nhận. Sản xuất ra mẫu nào, anh bán sạch mẫu đó. Thế là anh quyết định thực hiện dự án Cross/patches Vietnam.

 

Những miếng patch “made in Vietnam” do anh Khắc Hạnh sản xuất để gắn trên ba lô du khách.

 

Anh Khắc Hạnh chia sẻ: “Đây chính là dự án lớn nhất và có thể nói đến nay khá thành công của tôi. Đặc biệt, những sản phẩm của dự án đều được đúc kết từ những năm tháng tôi lang thang khắp mọi miền tổ quốc”.

Bạn có thể dễ dàng nhận ra những địa danh nổi tiếng của Việt Nam được thể hiện tinh tế và công phu trong từng miếng patch của anh Khắc Hạnh. Đây là những nơi mà du khách quốc tế thường hay đến và họ có thể mua những tấm patch làm quà lưu niệm.

 

Ngoài địa danh, anh Khắc Hạnh cũng mang những câu chuyện lịch sử và văn hóa Việt Nam làm chủ đề của sản phẩm như patch về Phù Đổng Thiên Vương, chiến thắng Điện Biên Phủ, đại tướng Võ Nguyên Giáp…

Anh kể: “Ba sản phẩm được du khách nước ngoài mua nhiều ở Việt Nam là nón lá, bản đồ giấy và hộp cao sao vàng. Và một trong những mẫu patch bán chạy nhất của tôi là patch có hình hộp cao sao vàng”.

 

Quy trình sản xuất một tấm patch thành phẩm thật lắm công phu. Anh Khắc Hạnh đã dành toàn bộ thời gian trong một ngày chỉ để sáng tác mẫu mới. Các công đoạn đều phải được thực hiện tỉ mỉ từ lên ý tưởng, bố cục các chi tiết trong mẫu, sau đó chuyển sang bộ phận thiết kế, cuối cùng là thêu thành sản phẩm hoàn chỉnh. Khác với patch của nước ngoài chỉ đơn giản là biểu tượng, patch của anh Khắc Hạnh sản xuất là cả một câu chuyện mà anh muốn kể.

Những người sưu tầm patch của anh hiện nay khá nhiều, chủ yếu thuộc các câu lạc bộ xe, chơi ná, chơi dao, hội ba lô… Tuy nhiên, anh Khắc Hạnh lại nhắm chủ yếu vào thị trường cho du khách nước ngoài với mong muốn quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Hiện nay, anh không kinh doanh quán cà phê nữa mà dành toàn bộ quỹ thời gian vào dự án Cross/Patches Vietnam. Anh tâm sự: “Tôi mê du lịch, mê lịch sử, vì vậy mà dự án này đối với tôi cũng là niềm đam mê, là một công việc rất nghiêm túc. Những kiến thức có được từ những chuyến đi cho tôi sự nhạy bén với thị trường, hiểu rõ được thị hiếu khách hàng, có được các mối quan hệ trong ngành du lịch và có ý tưởng để sáng tác ra mẫu patch. Đó là bí quyết thành công của tôi”.

Đã ba năm trôi qua, Cross/Patches Vietnam hiện đã có 18 điểm phân phối sản phẩm, chủ yếu ở TPHCM, Hà Nội. Sắp tới, anh Khắc Hạnh sẽ có kế hoạch phát triển thị trường tại Campuchia và Lào. “Tôi đã từng đi xuyên Campuchia trong 5 ngày vào năm 2014, nhờ những kinh nghiệm trong chuyến đi này mà tôi sẽ mở rộng thị trường tại đây”, anh chia sẻ.

Quỳnh Châu

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Đến Huế xem triển lãm ảnh lịch sử Việt Nam của...

0
(SGTT) – Triển lãm ảnh của nhiếp ảnh gia (NAG) người Đức Thomas Billhardt (sinh năm 1937) mang tên “Tái ngộ Việt Nam” khai...

Tổng giám đốc HSBC: Năm 2022 GDP Việt Nam có thể...

0
(SGTT) – Ông Tim Evans, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, vừa đưa ra một số dự báo về kinh tế và...

Việt Nam có thể sẽ thiếu hụt khoảng 45.900 trẻ sơ...

0
(SGTTO) - Việt Nam có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cao thứ ba trên thế giới và ước tính dựa trên...
thánh địa mỹ sơn

Thành lập khu bảo tồn Di sản Văn hóa thế giới...

0
(SGTTO) - Khu bảo vệ cảnh quan Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn vừa được thành lập nhằm bảo vệ, phục hồi...

Công nhận Mũi Né là khu du lịch quốc gia

0
(SGTTO) - Khu du lịch Mũi Né, tỉnh Bình Thuận vừa được công nhận là khu du lịch quốc gia. Đây chính là đòn...

Lên đỉnh Hòn Yàng nghe truyền thuyết “vàng hời”

1
(SGTTO) - Với du khách và người dân Quảng Ngãi, có lẽ Hòn Yàng là địa danh mà không nhiều người muốn đến, bởi...

Kết nối