(SGTT) – Tại ngày hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) các dân tộc tỉnh Phú Yên lần thứ XI năm 2022, địa phương này đã đón bằng Di sản văn hóa vật thể quốc gia Nghề làm nước mắm và Nghề làm bánh tráng Phú Yên. Đây không chỉ là niềm vui của người dân Phú Yên mà là niềm vui của nhiều làng nghề Nam Trung bộ, vì bánh tráng và nước mắm là hai món ăn dân dã, phổ biến, đã xuất hiện từ hàng trăm năm nay trên vùng đất này.
- Nhọc nhằn nghề làm muối ‘trắng như tuyết’ gần 150 năm tuổi ở Phú Yên
- Thác Jrai Tang, điểm đến mới của du lịch miền Tây Phú Yên
Ký ức xưa…
Hầu như bánh tráng và nước mắm là hai món ăn không thể thiếu trong bữa cơm của nhiều gia đình tại các làng quê Nam Trung bộ. Còn nhớ, sau ngày đất nước thống nhất, hình ảnh những người mẹ, người chị từ các làng nghề làm nước mắm, bánh tráng “quảy” những đôi gánh trĩu nặng đôi vai về hai món ăn dân dã này tỏa đi khắp nơi, từ thị thành đến thôn quê là hình ảnh khá quen thuộc.
Hồi đó, chưa có nhiều đồ nhựa, người bán nước mắm tận dụng những chai thủy tinh hiệu bia “ông cọp” (Tiger beer) có từ trước năm 1975 để đựng nước mắm. Mỗi quang gánh không dưới vài chục chai. Nước mắm nhỉ, loại ngon nhất, chừng vài chai, còn lại là loại hai làm nước chấm, loại ba dùng để nêm nếm.
Đôi khi người mua không có tiền trả, có thể đổi bằng vài ký gạo, mớ sắn, mớ khoai… Dưới bóng mát của làng quê, kẻ bán, người mua, tụm năm, tụm bảy, và những câu chuyện từ nguồn chí biển cứ thế bất tận. Có khi chủ nhà mến khách, mời người bán ở lại qua đêm đến hôm sau mới về…
Còn bánh tráng, có lẽ Bình Định, Quảng Ngãi là những địa phương có nhiều làng nghề làm bánh tráng nổi tiếng nhất Nam Trung bộ. Các tỉnh từ Phú Yên trở vào, cứ chờ đôi bữa, mười hôm là có dân Bình Định, Quảng Ngãi vô, với đầy ắp những quang gánh, nào bánh tráng dừa, bánh in, bánh thuẫn, bánh men… Họ đi tàu chợ hoặc trên những chuyến xe chạy bằng than củi cũ kỹ, rồi ở trọ nhà người quen, sau đó tỏa đến những khách hàng quen thuộc, có khi hàng tuần mới bán hết hàng.
Đã có nhiều cách giải thích về nguồn gốc của bánh tráng, nước mắm, câu chuyện hôm nay người viết chỉ đề cập đến thói quen với hai món ăn dân dã này. Cũng có tài liệu cho rằng, cùng với bánh tét, bánh tráng là quân lương của nghĩa quân Tây Sơn trên đường hàng quân ra Bắc, vì mang đi tiện lợi, dễ ăn khi cần, ăn sống cũng được, nướng chín càng ngon.
Thời bao cấp, buổi sáng người nông dân miền Trung ra đồng chỉ cần một hai cái bánh tráng sống nhúng nước, cuốn cơm nguội, vậy mà “chặt bụng” đến trưa. Giỗ chạp, mới có miếng thịt luộc để cuốn cùng các loại rau thơm mà chấm với chén nước mắm vàng ươm pha lẫn với trái ớt hiểm (có nơi gọi là ớt xiêm, rất cay và rất thơm, mọc tự nhiên), cùng vài tép tỏi trắng.
Bọn trẻ chúng tôi quan sát cách bẻ cái bánh tráng nướng của các cụ cao niên: cầm bánh bằng hai tay, cung kính đưa lên đầu, rồi “rụp” xuống làm đôi. Nhìn động tác và nghe tiếng bánh bở đôi rất là điệu nghệ. Các cụ nói, hạt gạo là hạt ngọc, bao mồ hôi người nông dân đổ ra mới có bát cơm đầy. Bánh tráng cũng làm tự hạt gạo, bẻ bánh kiểu đó mới thể hiện sự trân quí, biết ơn người làm ra nó… Chợt nhớ một ngôi chùa ở Hàn Quốc, cũng khuyên du khách khi dùng bữa cơm trong chùa, trước khi ăn đưa bát cơm lên khỏi đầu để tưởng nhớ đến người làm ra nó.
Và những điểm đến của du lịch hôm nay
Phú Yên không có nhiều làng nghề bánh tráng nổi tiếng như Bình Định, Quảng Ngãi, cũng không có những làng nghề làm nước mắm vang danh như Nam Ô, Quảng Nam hay Phan Thiết, Bình Thuận. Nước mắm thì có nước mắm Gành Đỏ, nước mắm Mỹ Quang, Mỹ Á… danh tiếng từ hàng trăm năm qua, chủ yếu trong tỉnh. Nhưng có lẽ chính cái cách ăn phối hợp, bánh tráng cuốn thịt luộc, lòng heo, rau thơm, hoặc bánh hỏi ăn kèm lòng heo, thịt ruộc, rau thơm, kèm tô cháo lòng thơm phức đã làm cho nhiều du khách biết đến ẩm thực Phú Yên.
Giờ đây, bánh tráng Hòa Đa, vừa chỉ làng nghề làm bánh tráng Hòa Đa, vừa chỉ một quán bánh hỏi lòng heo có tên Hòa Đa nằm trên Quốc lộ 1A, thuộc xã An Mỹ huyện Tuy An và cũng là “định danh” cho món ăn này với hàng chục quán như vậy lân cận. Bên cạnh bánh tráng Hòa Đa, Phú Yên còn có làng nghề bánh tráng Đông Bình thuộc xã Hòa An, huyện Phú Hòa.
Từ những ngày thần hoàng Lương Văn Chánh đưa lưu dân vào mở đất, hình thành làng mạc, trên vùng đất Phú trời Yên này đã hình thành một số nghề truyền thống trong đó có nghề làm nước mắm và nghề làm bánh tráng.
Nước mắm và bánh tráng Phú Yên đã trở thành những món ăn không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của mỗi gia đình, có nét đặc sắc trong văn hóa ẩm thực Phú Yên. Chuyện vui, nhiều địa phương ở xa khi có khách đến nhà, tuy chưa biết từ đâu, nhưng hễ thấy mang theo tram bánh tráng gói kỹ lưỡng bằng ni lông hay báo cũ, thì biết đó là dân Phú Yên. Người Phú Yên trân trọng món quà quê và muốn chia sẻ niềm vui ấy cho nhiều người, nhất là ăn bánh tráng theo kiểu Phú Yên, kèm thịt luộc, lòng ruộc và tất nhiên không thể thiếu các loại rau thơm, chén mắm ngon ớt tỏi.
Giờ đây, việc đi lại dễ dàng, cách gói gắm, đóng chai cũng vô cùng thuận lợi, bánh tráng và nước mắm còn là đặc sản địa phương để làm quà tặng người thân, bạn bè trong và ngoài nước.
Có Việt kiều hai năm nay chưa về quê do Covid-19, tháng trước về Phú Yên đã đặt mấy ngàn cái bánh tráng Hòa Đa, hàng chục lít nước mắm Gành Đỏ đưa về Mỹ.
Với những giá trị đó, nghề làm nước mắm và làm bánh tráng Phú Yên đã được Bộ VH-TT-DL quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa vật thể quốc gia. Đây là niềm vui, là niềm tự hào của người dân Phú Yên, người dân Nam Trung bộ có làng nghề này, cũng là cơ hội để du lịch nông thôn các địa phương có điều kiện phát triển.
Đến Phú Yên hôm nay, du khách có thể tìm hiểu qui trình chế biến nước mắm tại các làng nghề Gành Đỏ (Sông Cầu), Mỹ Quang, Mỹ Á (Tuy An), làng bánh tráng Hòa Đa (An Mỹ, Tuy An), làng bánh tráng Đông Bình (Hòa An, Phú Hòa)… Đặc biệt, có thể thưởng thức ngay món bánh hỏi, lòng heo, bánh cuốn thịt luộc, cháo lòng tại nhiều quán ở TP Tuy Hòa hoặc “thủ phủ” món này ở Hòa Đa cách Tuy Hòa chừng 15km, hoặc xa hơn nữa, dân dã hơn và cũng “lâu đời” hơn đó là một quán nhỏ bên dòng Ngân Sơn thơ mộng (huyện Tuy An)…
Phong Điền