Thứ Sáu, Tháng Tư 26, 2024

Phó chủ tịch Hiệp hội siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam: “Giỏi ngoại ngữ và trải nghiệm thực tế giúp đầu bếp tiến xa hơn”

(SGTT) – Ở độ tuổi 9x nhưng đầu bếp Trần Lê Thanh Thiện đã gặt hái được nhiều thành công. Ngoài cương vị Phó chủ tịch đại diện Hiệp hội siêu đầu bếp thế giới tại Việt Nam (WAMCVN), anh còn là giảng viên đại học, giám khảo quốc tế trong các cuộc thi nấu ăn dành cho đầu bếp trẻ.

Khi còn là sinh viên ngành quản trị kinh doanh tại trường Đại học Công nghệ TPHCM (Hutech), anh Trần Lê Thanh Thiện, sinh năm 1994, quê ở Kiên Giang đã theo học các khóa đào tạo nấu ăn ngắn hạn. Tuy nhiên, anh học chỉ vì yêu thích ẩm thực và chưa có định hướng sẽ theo nghề này trong tương lai. Đến khi tốt nghiệp đại học, anh đã quyết định chọn công việc giảng dạy chuyên về nhà hàng, khách sạn.

Hiện tại, anh đang là giảng viên ngành nhà hàng, khách sạn của trường Đại học Cergy Pontoise thuộc Hutech và một số trường đại học khác như Đại học FPT, Đại học Kinh tế Tài chính TPHCM, Đại học Tài chính Marketing. Trong quá trình công tác ở trường, anh đã đề xuất và làm giám khảo nhiều cuộc thi nấu ăn cho sinh viên ngành nhà hàng, khách sạn. Từ đó, tên tuổi và uy tín của anh cũng được nâng cao. Đến tháng 12-2020 anh được công nhận là giám khảo quốc tế cho các cuộc thi dành cho đầu bếp trẻ.

Cũng trong năm 2020, anh được chọn vào vị trí Phó Chủ tịch WAMCVN với nhiệm vụ hỗ trợ các đầu bếp trẻ trong nước có cơ hội phát triển nghề bếp. Trong buổi gặp gỡ với Sài Gòn Tiếp Thị, anh Trần Lê Thanh Thiện đã chia sẻ bí quyết làm nên thành công trong nghề của mình và những cơ hội nghề nghiệp đang chờ đợi các đầu bếp trẻ.

Sài Gòn Tiếp Thị: Tại sao anh chọn theo đuổi nghề giảng dạy ẩm thực?

– Đầu bếp Trần Lê Thanh Thiện: Nói đến nghề bếp, mọi người thường nghĩ đến công việc của người đầu bếp nấu ăn, làm việc trong căn bếp. Nhưng thật ra nghề bếp rất đa dạng. Nếu hội tụ đủ những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, tác phong có thể tham gia ở nhiều vị trí khác thuộc nghề bếp như giảng dạy về ngành bếp, phát triển sản phẩm, trở thành đại diện cho các nhãn hàng hay công ty về nguyên vật liệu, làm diễn giả về dinh dưỡng, biểu diễn ẩm thực tại các sự kiện lớn…

Dĩ nhiên, yêu cầu cho mỗi vị trí trong nghề bếp sẽ khác nhau. Chẳng hạn, công việc của tôi là giảng viên ngành ẩm thực cần phải có phương pháp giảng dạy sư phạm, kỹ năng và kiến thức rộng về ẩm thực, có nhiều mối quan hệ với những người trong ngành. Nhờ đó có thể giải đáp mọi thắc mắc của sinh viên cũng như hỗ trợ cho họ khi cần. Nếu muốn theo nghề giảng dạy chuyên nghiệp về ẩm thực, mọi người có thể theo học các trường đào tạo đầu bếp ở các nước châu Á hoặc châu Âu như Học viện ẩm thực Mỹ (CIA), Le cordon Blue (Pháp)… chuyên về cử nhân/ thạc sĩ ngành nghệ thuật ẩm thực.

Hoàn thành lớp bánh mì nâng cao tại Singapore.
Người đầu bếp thời nay chỉ cần nấu ăn ngon là đủ hay phải hiểu biết thêm nhiều kiến thức khác?

Người đầu bếp thời nay ngoài kỹ năng nấu ăn ngon cần phải học hỏi và nghiên cứu thêm kiến thức về ẩm thực của các nước, mở rộng giao lưu quốc tế để cập nhật những điều mới. Do tiếp cận với những nền ẩm thực trên thế giới, đầu bếp phải biết tiếng Anh và có trình độ nhất định về tin học văn phòng. Điều này sẽ tạo nhiều cơ hội cho đầu bếp làm việc ở các nhà hàng cao cấp hay các khách sạn 5 sao.

Bản thân tôi xuất phát từ ngành đào tạo quản trị kinh doanh. Nhờ lợi thế đó nên học được phương pháp nghiên cứu và có “vốn liếng” tiếng Anh khá, hỗ trợ nhiều cho các công việc sau này. Ngoài ra, tầm sư học đạo những người giàu kinh nghiệm trong nghề là điều cần thiết. Tôi may mắn được học tập và làm việc cùng với các đầu bếp nhiều năm kinh nghiệm trong ngành tại Việt Nam như đầu bếp Alain Nguyễn, đầu bếp Nguyễn Thị Diệu Thảo…  và các đầu bếp nổi tiếng ở châu Á và Úc, Mỹ, Pháp nên cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức. Để được công nhận là giám khảo quốc tế, tôi đã làm giám khảo nhiều cuộc thi quốc tế và tham gia các hội thảo về tiêu chí đánh giá.

Giám khảo Trần Lê Thanh Thiện trong cuộc thi tay nghề thành phố (Workskills).
Anh có lời khuyên nào giúp sinh viên đang học ngành ẩm thực có thể học tốt hơn và có nhiều cơ hội việc làm trong tương lai không?

Sinh viên nên có nhiều những trải nghiệm như tham gia các cuộc thi nấu ăn hoặc làm bánh nhằm giúp các bạn cọ sát với thực tế, có cơ hội học hỏi nhiều hơn, nâng cao tính sáng tạo, đồng thời có nhiều kinh nghiệm hữu ích từ nhận xét của các giám khảo giàu. Việc đạt được thành quả trong các đề án, cuộc thi cũng giúp cho sinh viên nâng cao tay nghề và mở rộng cơ hội làm việc của mình.

Ngoài ra, khi tham gia thường xuyên các câu lạc bộ hay hội nhóm ẩm thực, các bạn có thể trau dồi kiến thức từ các buổi đào tạo của các bếp trưởng. Các hoạt động xã hội như nấu ăn cho các trung tâm trẻ mồ côi, các hoạt động mang nghìn bữa ăn cho trẻ em vùng cao cũng rất hữu ích.

Buổi học chế biến Beef steak.
Trong số các đề án mà anh đã hướng dẫn cho sinh viên, những đề án nào là nổi bật?

Tôi tâm đắc nhất là đề án nhà hàng Fine Dining, mô hình thực hành và vận hành nhà hàng thực tế, kế tiếp là các đề án về vệ sinh an toàn thực phẩm, đề án các đầu bếp nấu organic, các nguyên liệu organic và đặc biệt là đồ án soạn sách ULAM quyển 1 do tổ chức UNESCO cùng Quỹ Toyota Foundation tài trợ.

Đây là quyển sách tập hợp các bài viết về các loại cây thảo dược ăn được ở các nước Đông Nam Á. Dự án mang đến kiến thức về các loại cây ăn được nhưng có tính ứng dụng cao nhằm tận dụng nguyên liệu địa phương và phổ biến thành các loại cây thực phẩm có ích.

Với tư cách là Phó chủ tịch WAMCVN, kế hoạch sắp tới của anh như thế nào?

Được sự tín nhiệm của Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới, tôi đã được chọn vào vị trí Phó chủ tịch WAMCVN, đồng thời tham gia vào các hoạt động hội thi tại khu vực Đông Nam Á. Mong muốn của tôi khi mang Hiệp hội Siêu đầu bếp thế giới về Việt Nam là lập nhóm các đầu bếp có kinh nghiệm trong ngành để chia sẻ kiến thức cho các thế hệ đầu bếp trẻ nhằm ngày càng nâng cao tên tuổi của ngành bếp Việt Nam.

Sắp tới tôi cùng ban đại diện tại Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động triển lãm, quảng bá ẩm thực Việt Nam ra thế giới cũng như tổ chức cuộc thi nhằm tạo sân chơi hữu ích cho các bạn đầu bếp, mang đến nhiều cơ hội cho đầu bếp Việt Nam tiếp cận các đấu trường quốc tế một cách công bằng.

 

Cảm ơn anh đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích!

Quỳnh Châu ghi

1 BÌNH LUẬN

  1. Trời ơi đầu bếp mà chưa nghe nấu nướng ở đâu chỉ đi dạy mà cũng gọi là đầu bếp.
    Đầu bếp là làm bếp. Giáo viên là giáo viên

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Nữ đầu bếp người Nigeria và hành trình ‘hái sao’ Michelin...

0
(SGTT) – Mang triết lý ẩm thực Tây Phi ứng dụng vào nhà hàng Chishuru ở giữa lòng thành phố Luân Đôn (Anh Quốc),...

Nghe đầu bếp nữ kể chuyện nghề nhân ngày Quốc tế...

0
(SGTT) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3), Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trò chuyện với một số nữ đầu bếp...

Gặp gỡ bếp trưởng người Việt của tập toàn đa quốc...

0
(SGTT) – Kinh qua nhiều vị trí trong ngành bếp hơn 20 năm, đầu bếp Trịnh Minh Thành vẫn nhớ ngày đầu khó khăn...

Chuyên gia ẩm thực Pháp và câu chuyện ‘nước mắm chai...

0
(SGTT) - Benoît Chaigneau, chuyên gia ẩm thực Pháp, người sáng lập ra thương hiệu “nước mắm chú Ben”, đã có buổi trò chuyện...

Nghệ nhân Kiều Oanh với khao khát đưa cờ Việt Nam...

0
(SGTT) - Tình yêu với bánh đã đưa Nghệ nhân Ẩm thực Lê Thị Kiều Oanh chinh phục những thành tựu trong nghề bếp....

Giảng viên Ngô Đình Trưởng: Người ‘thổi hồn’ cho những chiếc...

0
(SGTT) – “Mỗi chiếc bánh kem là một nghệ thuật, người làm bánh cũng như nghệ sĩ. Vậy nên mỗi khi đặt tay làm...

Kết nối