(SGTT) – Cao tốc Dầu Giây – Tân Phú nằm trên địa phận Đồng Nai có tổng chiều dài 60km. Dự án được đầu tư theo phương thức PPP với nguồn vốn nhà đầu tư hơn 7.680 tỉ đồng và vốn Nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỉ đồng.
- Hơn 19.000 tỉ đồng đầu tư cao tốc TPHCM – Mộc Bài
- Mức phí cao tốc do Nhà nước đầu tư thấp nhất từ 900 đến 1.300 đồng/km
Bộ Giao thông Vận tải vừa ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) theo phương thức PPP với tổng chiều dài hơn 60 km, theo TTXVN.
Dự án nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai, có điểm đầu nối với cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, thuộc địa phận huyện Thống Nhất và điểm cuối nối với cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc, thuộc địa phận huyện Tân Phú.
Giai đoạn 1, dự án được đầu tư đạt tiêu chuẩn đường cao tốc, quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, tốc độ tối đa 80km/giờ với tổng mức đầu tư 8.981 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng 1.454 tỉ đồng, chi phí xây dựng hơn 5.562 tỉ đồng.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn do nhà đầu tư huy động khoảng hơn 7.681 tỉ đồng và vốn Nhà nước tham gia khoảng 1.300 tỉ đồng. Bộ Giao thông Vận tải ước tính thời gian thu phí hoàn vốn của dự án là khoảng 18 năm.
Dự án cao tốc Dầu Giây – Liên Khương dài 200km gồm ba đoạn là cao tốc Dầu Giây – Tân Phú dài 60km, cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc dài 66km và cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương dài 74km, nối liền cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây với cao tốc Liên Khương – Prenn thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng.Đoạn cao tốc Dầu Giây – Tân Phú nằm trên địa phận tỉnh Đồng Nai. Hai đoạn cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương đi qua các huyện Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm, Di Linh, Đức Trọng và thành phố Bảo Lộc của tỉnh Lâm Đồng.Tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn thời gian đường bộ đi từ TPHCM đi Đà Lạt từ 6 giờ xuống còn 3 giờ và từ TPHCM đi Bảo Lộc chỉ còn 2 giờ thay vì 4 giờ như hiện nay.