Duy An -
Rời bỏ vị trí kỹ sư trưởng của dự án xe điện siêu nhỏ một chỗ ngồi của công ty Toyota, ông Hideo Tsurumaki bắt tay chế tạo một chiếc xe nhỏ, chống thấm nước để có thể nổi trên nước lũ và thậm chí “chạy” được chầm chậm.
Ông Hideo Tsurumaki, 55 tuổi, xem cảnh sóng thần khổng lồ lừng lững giáng xuống bờ biển Đông Bắc Nhật Bản vào ngày 11-3-2011, cuốn phăng những chiếc xe mà bên trong đó người ta đang cuống cuồng tìm cách thoát ra. Nhìn cảnh xe cộ chìm dần xuống biển, ông Tsurumaki nghĩ đến mẹ mình. Bà đi lại khó khăn và sống ven một vùng biển dễ hứng chịu động đất khác. Ông nghĩ nếu xe nổi được, có lẽ sẽ ít người phải bỏ mạng hơn. Và năm 2012, ông rời Toyota để thành lập công ty Fomm, với số vốn ban đầu chỉ là 200.000 yen (khoảng 1.800 đô la Mỹ). Được sự hậu thuẫn của một số công ty lớn, Fomm có kế hoạch sản xuất 10.000 xe mỗi năm bắt đầu từ cuối năm nay tại một xí nghiệp mà họ thuê ở gần thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Đã có phiên bản thứ 4
Xe chạy được trên bộ lẫn trên mặt nước đã xuất hiện từ ít nhất là đầu thế kỷ 19, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực từ du lịch đến quân đội. Chiếc xe của ông Tsurumaki được định hình là xe điện nhỏ, giống như chiếc xe phụ của các gia đình giàu có dùng để đi du ngoạn gần nhà. Ông nói hầu hết khách hàng sẽ chỉ dùng các tính năng nổi đặc biệt của xe trong các tình huống khẩn cấp – có thể xảy ra duy nhất một lần trong đời họ. Với ý tưởng của mình, ông Tsurumaki đã làm việc suốt ba năm qua với các nhà nghiên cứu của Trường Đại học Tokyo để tìm ra cách lái xe trong nước khi mà mọi bánh xe đều bị ngập. Cuối cùng, họ quyết định dùng bánh xe có hình dạng turbine để rút nước ra mỗi khi nó quay. Trên đầu xe có một bộ phận thoát nước. Ngoài ra, xe có thể chuyển hướng nhờ vào một bánh lái. Với kích cỡ giống một chiếc xe dùng trong sân golf, xe “sóng thần” loại nhẹ này có bốn ghế và gắn pin bên dưới mỗi ghế ngồi. Các pin này có thể thay thế nên người dùng không cần phải chờ sáu giờ để sạc đầy. Mỗi lần sạc, xe chạy được tối đa 160 km, với tốc độ cao nhất lên tới 80 km mỗi giờ.
Theo trang Bloomberg, tới năm 2016, công ty Fomm bắt tay với doanh nghiệp bất động sản Thái Lan có tên Trinex Assets Co. để chế tạo chiếc xe – hiện đã tới phiên bản thứ 4. Giai đoạn sản xuất dự kiến khởi động vào tháng 12 năm nay. Là một trung tâm sản xuất ô tô lớn, Thái Lan đang tung ra các chính sách ưu đãi cho các loại xe điện và xe “lai” (vừa chạy xăng vừa chạy điện). Ông Ken Miyao, chuyên gia của công ty tư vấn Carnorama Inc (Nhật Bản), khẳng định: “Loại xe này có thể dùng làm hình mẫu nâng cấp cho xe tuk-tuk ở Bangkok giữa lúc chính phủ đang đẩy mạnh các phương tiện sạch hơn”.
Sự thách thức về chi phí
Ông Tsurumaki cũng thu hút một số nhà đầu tư tên tuổi của Nhật, như chuỗi bán lẻ thiết bị điện lớn nhất nước Nhật Yamada Denki (để bán xe “sóng thần” sau này) hay hãng chế tạo thiết bị nghe nhìn Funai Electronics (tham gia chế tạo xe tại Nhật Bản)… Dù sự khởi nghiệp có tiến triển nhưng sự thách thức vẫn chờ đợi xe “sóng thần”, trong đó lớn nhất phải kể đến giá cả. Xe điện bình thường vốn đã mất nhiều chi phí sản xuất, do phải đổ tiền vào các bộ phận như pin xe. Một chiếc xe nổi được lại càng phải cõng thêm chi phí, như chất bịt kín để giúp xe không bị thấm nước.
Cũng vì chi phí mà ông Tsurumaki từ bỏ ý tưởng ban đầu – chế tạo phần thân xe cứng cáp như xe quân sự để có thể chống chọi những con sóng hoặc những dòng lũ cuốn hung hãn. Thay vào đó, ông đành bằng lòng với kiểu thiết kế và loại vật liệu giúp xe nổi được trên mặt nước. Ngoài chi phí, việc chiếc xe chỉ nhằm đáp ứng một nhu cầu tương đối nhỏ sẽ khiến công ty khó thương lượng được giá tốt với các hãng cung ứng phụ tùng, theo ông Tsurumaki. Hệ quả là xe “sóng thần” sẽ được bán với giá khoảng 18.153 đô la, số tiền đủ để mua một chiếc xe lớn hơn nhiều. “Đó là một tình huống lẩn quẩn kiểu con gà và quả trứng, không biết cái nào có trước”, ông nói đồng thời cho biết đang tìm cách hạ giá bán xuống dưới 5.000 đô la mỗi xe bằng cách đặt sản xuất hàng loạt các bộ phận với mức chi phí thấp.