Thứ Sáu, Tháng Chín 13, 2024

‘Ở chùa, ăn chùa’ thành sản phẩm du lịch độc đáo của Hàn Quốc

Một đầu bếp ngôi sao mới nổi nhưng lại không đến từ những nhà hàng sang trọng ở Tokyo, Hồng Kông hay Singapore mà đến từ một tu viện hẻo lánh cách thủ đô Seoul, Hàn Quốc khoảng 240km về phía nam: nhà sư nữ Jeong Kwan, 65 tuổi.

Câu chuyện của bà Kwan và nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc đã biến “ở chùa, ăn chùa” thành một sản phẩm du lịch độc đáo buộc nhiều người phải suy nghĩ, đặc biệt là trước làn sóng thương mại hóa chùa chiền ở nhiều nước châu Á.

UNESCO công nhận bảy tu viện Phật giáo miền núi (Sansa Buddhism) của Hàn Quốc là di sản văn hóa nhân loại năm 2018. Ảnh: UNESCO

Giải thưởng biểu tượng Icon Award của William Read Business Media – nhà tổ chức giải “50 nhà hàng tốt nhất châu Á” năm 2022 – dành cho tài năng nấu các món chay nổi tiếng của bà Jeong Kwan hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Ít nhất đó là quá trình miệt mài trong nhà bếp ở chùa gần 50 năm của bà.

“Khi lần đầu tiên biết tin, tôi rất ngạc nhiên nhưng đồng thời cũng rất vui và biết ơn. Đây là điều ngoài mong đợi. Bởi đơn giản tôi là một nhà sư, không phải là một đầu bếp được đào tạo quy củ, và tôi cũng không có nhà hàng nào để thực khách có thể ghé thăm như bất cứ ai nhận giải trước đây”, bà Kwan nói.

William Drew, Giám đốc nội dung của William Reed Business Media, nói: “Jeong Kwan được vinh danh vì kỹ thuật nấu ăn độc đáo và đầu bếp có ảnh hưởng đến nền ẩm thực Hàn Quốc. Bà dạy chúng ta về các quan niệm mới về thức ăn.

Các công thức nấu ăn tinh tế của bà Kwan đã truyền cảm hứng cho một số đầu bếp có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Là người giữ gìn nền ẩm thực đền chùa ở Hàn Quốc, bà đang khẳng định vị trí như một biểu tượng ẩm thực quốc tế nhờ sự cảm nhận bậc thầy về hương vị, lối trình bày và cái hồn trong nấu nướng”, Drew phát biểu về bà.

Học bằng cách quan sát

Cuộc đời của bà Kwan đầy những thăng trầm bởi bà sinh ra trong một gia đình có bảy người con. “Ở tuổi thiếu niên, tôi đã mất mẹ. Tôi rất đau buồn sau mất mát đó”, bà kể. Năm 17 tuổi, bà đến nương náu ở chùa Baekyangsa – một tu viện Phật giáo Triều Tiên xây từ thế kỷ thứ bảy nằm ẩn mình ở vườn quốc gia Naejangsan. Hiện đây là địa điểm nổi tiếng để thiền định hay trekking leo núi của nhiều người yêu thiên nhiên.

Món ăn phải đạt độ mỹ thuật nhất định, dù là món ăn ở chùa. Ảnh: Lotte Hotel Group

Không lâu sau khi vào chùa, bà Kwan đã nấu mì cho các nhà sư ăn. Họ nói “rất thích” và bà Kwan bắt đầu tìm thấy niềm đam mê trong nhà bếp với các món chay. “Tôi học nấu ăn bằng cách xem các nhà sư khác ở chùa nấu ăn. Người Hàn chúng tôi thường nói “nhìn qua vai thầy giáo” – tức là bạn phải học bằng cách quan sát hơn là tham gia một lớp học cố định hoặc được cầm tay chỉ việc”, bà Kwan kể.

Theo tờ Nikkei Asia, đối với bà Kwan, nấu ăn không phải là nơi phô diễn những tuyệt kỹ của đầu bếp mà ở đó người nấu là một trong những nguồn tạo ra nguyên liệu. Công thức của bà là sử dụng những gì tự tay trồng hoặc kiếm được, từ cà tím, cà chua, dưa chuột, húng quế, ớt, mận, cam, lá mè đến tàu hủ, nước tương đậm đặc. Bà biến những nguyên liệu đơn giản này thành các món áp chảo có vị cay hay các món lên men chua cay như kim chi làm bằng củ sen.

Ni sư Jeong Kwan tự trồng các loại rau củ và cây gia vị để nấu ăn. Ảnh: Star Advertiser

Eric Ripert – một Phật tử cũng là vị đầu bếp nổi tiếng người Pháp ở Le Bernardin, nhà hàng ba sao Michelin tại New York – đã tình cờ phát hiện ra bà Kwan khi ông đến thăm Hàn Quốc. Ripert đã trở thành một người hâm mộ và tìm cách mời bằng được bà làm “đầu bếp khách mời” tại Le Bernardin vào năm 2015. Bà Kwan đã lôi cuốn thực khách hâm mộ với “tài năng của một đầu bếp triết học”, theo New York Times. Danh tiếng của bà càng nổi như cồn sau series ẩm thực “Chef’s Table” chiếu trên Netflix năm 2017.

Giải thưởng biểu tượng dành cho bà Kwan năm 2022 thể hiện sự khác biệt hoàn toàn với những năm trước đây vì nó không còn dành riêng cho các nhà hàng sang trọng và các đầu bếp nổi tiếng. William Drew nói: “Đây là một phần của kế hoạch mới, lớn hơn mà chúng tôi đã thực hiện trong thời gian qua. Kết quả là sự đánh giá của chúng tôi, nhưng cũng là những gì chúng tôi nghe được từ các đầu bếp và thực khách”.

Tour “Một ngày ở chùa”

Lịch sử 1.700 năm của Phật giáo Đại Thừa ở Hàn Quốc được bảo tồn và truyền lại qua chương trình thiền tập 100 ngày tại 100 ngôi chùa khắp cả nước. Truyền thống này đã ảnh hưởng đến kiến trúc của chùa chiền và cuộc sống trong tu viện nhằm giúp người tu tập đạt được sự tĩnh lặng bên trong và thân tâm an lạc.

Còn nhớ Hàn Quốc và Nhật Bản từng đồng đăng cai vòng chung kết bóng đá World Cup 2002. Trong nỗ lực biến sự kiện bóng đá của hành tinh thành cơ hội quảng bá văn hóa, các ngôi chùa trên núi đã mở rộng cổng đón chào du khách trong và ngoài nước. Trong 30 ngày diễn ra World Cup (từ 31-5 đến 30-6-2002), chương trình “Ở chùa” (Templestay) chỉ đón khoảng 1.000 khách nước ngoài và 10.000 người trong nước. Nhưng đây lại là cơ hội cho Templestay xuất hiện trên các kênh truyền hình truyền thông quốc tế hàng đầu như New York Times, CNN, BBC và NHK.

Hai năm sau, Công ty Văn hóa Phật giáo Hàn Quốc được hình thành để điều hành chương trình Templestay. Đến năm 2009, Templestay được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chọn là một trong năm mô hình thành công nhất về kết hợp khai thác du lịch và văn hóa.

UNESCO công nhận bảy tu viện Sansa (chùa trên núi) của Hàn Quốc là di sản văn hóa thế giới năm 2018. Năm kế tiếp, sản phẩm du lịch “Một ngày ở chùa” trở nên nổi danh quốc tế khi đồng loạt 137 ngôi chùa và tu viện mở cửa đón khách. Các tờ tạp chí du lịch hàng đầu thế giới đã gọi đây là xu hướng mới đầy hấp dẫn của du lịch Hàn Quốc. Có 27 chùa có người nói tiếng Anh để hỗ trợ cho du khách không biết tiếng Hàn.

Một ngày ở chùa, khách sẽ được học các nghi lễ Phật giáo, thiền, cách làm tràng hạt và thưởng thức các món chay tịnh. Họ không kéo đến chùa hàng đoàn trên những chuyến xe buýt đông đảo hay xe hơi sang trọng. Tất cả khách đến chùa phải dùng các phương tiện giao thông công cộng và đi bộ.

Có vậy, khách phương xa dẹp bỏ tạp niệm mà đến “ở chùa, ăn chùa”!

Hồ Nguyên Thảo

Theo KTSG  Online

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Cùng chủ đề

Dấu xưa – Hồn phố: Ngôi cổ tự mang danh ‘vắng...

0
(SGTT) - Chùa Bà Đanh là một trong những ngôi cổ tự nổi tiếng ở Hà Nam. Với lịch sử hàng trăm năm, nơi...

Quá tải du khách tại làng cổ nổi tiếng ở Seoul

0
(SGTT) - Chính phủ Hàn Quốc đã công bố các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn để bảo vệ làng cổ Bukchon Hanok...

Thăm ngôi chùa cổ có cây thị trăm tuổi ở Hà...

0
(SGTT) – Cách thành phố Phủ Lý khoảng 15km, chùa Cây Thị tọa lạc tại xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam....

Ngôi chùa mang kiến trúc Ấn Độ, có hàng trăm pho...

0
(SGTT) - Với khoảng 145 pho tượng Phật, La Hán được trưng bày, Già Lam cổ tự tọa lạc tại ấp Xẻo Vong C,...

Việt Nam từ trên cao: Ngắm vẻ khác lạ của những...

0
(SGTT) – Với góc chụp từ trên cao, những ngôi chùa cổ ở miền Tây như chùa Hang (Trà Vinh), chùa Chén Kiểu (Sóc...

Về An Giang thăm chùa Krăng Krốch với sắc hồng nổi...

0
(SGTT) – Chùa Krăng Krốch, hay còn được gọi là chùa Hàng Còng, nằm tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn,...

Kết nối